Lễ hội Tranh đầu pháo ở Cao Bằng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội tranh đầu pháo được tổ chức với nhiều nghi thức độc đáo như khai quang mở mắt rồng, lễ khao quân, lễ tế thần, lễ rước thần.
Ngày 4/3, UBND huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên.
Lễ hội Tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, gắn với các yếu tố tâm linh của ngôi miếu cổ linh thiêng Bách Linh, một công trình kiến trúc gắn với Lễ hội Tranh đầu pháo từ xa xưa và đi sâu vào tiềm thức của người dân.
Chính quyền huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội Tranh đầu pháo. Ảnh: Báo Cao Bằng
Miếu Bách Linh đã có từ thời nhà Lý, là nơi thờ 100 điều linh thiêng, đứng đầu là linh vật rồng, đứng đầu trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bởi vậy nên nghi lễ đầu tiên chính là lễ khai quang mở mắt rồng.
Lễ hội Tranh đầu pháo gồm phần lễ và phần hội, phần lễ diễn ra ngày 30 tháng Giêng, phần hội diễn ra từ ngày 1 đến 2 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Lễ hội có nhiều nghi thức độc đáo như: Khai quang mở mắt rồng, lễ khao quân, lễ tế thần, lễ rước thần… với ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống thanh bình, thịnh vượng. Ngoài ra, lễ hội là dịp tưởng nhớ các vị thần linh, anh hùng có công với dân, với nước.
Điểm nhấn trong lễ hội Tranh đầu pháo là các điệu múa rồng, múa lân và tranh đầu pháo theo đúng tên gọi của lễ hội này. Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc đặt lên chòi cao, sau khi đốt pháo, đầu pháo rơi xuống, các đội cướp pháo ở các làng bản đã đăng ký vào tranh pháo, ai cướp được đến tế thần và nhận phần thưởng.
Ngày nay bỏ tục đốt pháo, người chủ lễ đứng lên cao tung đầu pháo xuống sân, nơi tổ chức cướp pháo. Người dân địa phương quan niệm trong ngày hội, ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc.
Sau trò tranh đầu pháo là các trò chơi dân gian, như: múa rồng, múa kỳ lân, tung còn, hát lượn, chơi đu, biểu diễn võ dân tộc, cờ tướng, đá bóng, triển lãm tranh ảnh...
Cao niên trong làng dùng giấy bản thấm vào bát tiết gà, bôi lên hai mắt rồng để thực hiện nghi lễ rửa mắt rồng trong Lễ hội Tranh đầu pháo. Ảnh: Báo Cao Bằng.
Lễ hội tranh đầu pháo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo Quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, tháng 3 năm 2022 đánh dấu sự trở lại của hàng loạt lễ hội đường phố đầy màu...