Kêu gọi 12.800 chữ ký bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đừng hùa theo văn hóa ngoại lai?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mới đây, một fanpage đã kêu gọi được hơn 12.000 chữ ký tước bỏ danh hiệu di sản văn hóa của hội chọi trâu Đồ Sơn và cấm tất cả các sự kiện chọi trâu trên cả nước.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng được tổ chức thường xuyên vào mỗi dịp mùng 9/8 (Âm lịch). Qua hàng ngàn năm gìn giữ và bảo tồn, đến nay Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân đất Cảng, thể hiện tín ngưỡng vùng miền độc đáo.

Kêu gọi 12.800 chữ ký bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đừng hùa theo văn hóa ngoại lai? - 1

Năm 2017, một sự cố xảy ra khiến UBND TP.Hải Phòng quyết định tạm dừng Lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn để khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức. 

Từ sau khi khắc phục xong đến nay, dù lễ hội vẫn được duy trì thường niên, thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về nhưng sự kiện này cũng vấp phải luồng tranh cãi lớn về giá trị nhân văn, nhân đạo.

Suốt một thời dài, câu chuyện “giữ” hay “bỏ” Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở thành đề tài thảo luận rôm rả của những nhà nghiên cứu văn hóa. Có người cho rằng “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” nên không cần bàn cãi. Vậy nhưng, khi nhìn lại mỗi mùa lễ hội, chứng kiến những hình ảnh máu me, đau đớn khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Hủy bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn?

Mới đây, trên fanpage Vietnam Animal Eyes với hơn 60.500 người theo dõi, bài đăng “Ký tên kêu gọi tước danh hiệu di sản văn hóa của hội chọi trâu Đồ Sơn” nhận về hơn 8.800 cảm xúc, 3.000 bình luận, 5.200 lượt chia sẻ. Đường link kêu gọi sự hưởng ứng của cộng động cũng nhanh chóng đạt tới con số hơn 12.000 chữ ký.

Lướt qua một số bình luận phía dưới bài đăng, không khó để nhận thấy những tính từ hàm chứa sắc thái biểu đạt mạnh như “man rợ”, “tàn nhẫn”, “độc ác”... Đa số những quan điểm tán đồng với bài đăng đều có sự lý giải rằng văn hóa cần đi đôi với văn minh, hiện đại. 

Bạn Nguyễn Đăng Đ. (Hà Nội) bình luận: “Không phải cái gì có từ lâu thì coi là văn hoá, lễ hội gì mà động vật đánh nhau còn con người thì cổ vũ sự hung hăng sát sinh thì đang lan tỏa điều gì?”

Phía dưới bài viết của Vietnam Animal Eyes, một trong số những người hưởng ứng cuộc vận động bình luận như sau: "Tôi người Hải Phòng nhưng không ủng hộ văn hóa và Lễ hội chọi trâu này. Rất man rợ và tàn nhẫn với loài vật đã từng là "đầu cơ nghiệp" giúp dân cày cuốc trồng lúa, trồng ngô. Con trâu chịu thương chịu khó. Không nên mang ra làm trò mua vui cho con người".

Không khó để nhận ra rằng, đa số những bình luận tương tự đều bắt nguồn từ những người trẻ, với suy nghĩ cởi mở với các vấn đề xã hội, có sự phản biện sâu sắc, mong muốn đóng góp xây dựng cộng đồng.

Đại diện Vietnam Animal Eyes cho biết họ nhận được một số ý kiến từ chính người dân Hải Phòng đồng tình việc không ủng hộ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì tính chất phi nhân đạo, tàn ác với động vật và nhiều người cho biết họ chưa từng có ý định đến xem lễ hội này.

"Những tiếng nói phản đối từ trước tới giờ chưa có sự tập trung, nên chưa được cơ quan quản lý, tổ chức lễ hội chú ý. Hiện tại đã có hơn 12,000 người ký tên ủng hộ cuộc vận động của chúng tôi, một con số mà chúng tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền không thể phớt lờ về ý kiến của cộng đồng. Chúng tôi cho rằng tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, bản tính hiền hòa, nhân hậu, chất phác... mới là những giá trị đã được lưu truyền lại, và cần được phát huy”, đại diện Vietnam Animal Eyes phát biểu. 

Kêu gọi 12.800 chữ ký bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đừng hùa theo văn hóa ngoại lai? - 2

Bài đăng “Ký tên kêu gọi tước danh hiệu di sản văn hóa của hội chọi trâu Đô Sơn” trên fanpage của Vietnam Animal Eyes nhận được nhiều sự quan tâm của cộng động mạng. Ảnh chụp màn hình

Theo đại diện fanpage Vietnam Animal Eyes, việc sử dụng động vật trong các hoạt động vui chơi, giải trí, và lễ hội tại Việt Nam đã được cộng đồng và một số tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng. Những lễ hội dân gian như chém lợn, chọi trâu, đâm trâu,... ngày càng bị phản đối vì ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người xem và hình ảnh quốc gia.

Đừng chạy theo văn hóa ngoại lai?

Là một người gắn bó nửa cuộc đời với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ông Lê Bá Ngọc (53 tuổi, Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết, gia đình ông đã qua ba đời nuôi trâu chọi. Ông Ngọc không chỉ hiểu rõ về cội nguồn mà còn rất thuần thục các quy trình chọn trâu, nuôi trâu đến khi tham dự giải.

Ông Lê Bá Ngọc nói: "Mỗi ông trâu có giá ngót nghét từ 120 - 180 triệu đồng, được chăm sóc từ 10 -12 tháng bằng những thứ tốt nhất có thể, chi phí đến lúc có thể tham gia giải mất thêm từ 50 - 70 triệu đồng nữa. Mỗi ông trâu phải trải qua các vòng tuyển chọn, rồi đến vòng loại từ phường, mới được trình đình xã để được các Ngài phù hộ, qua rất nhiều nghi lễ mới thuận lợi tới tiến tới vòng chung kết".

Người dân Hải Phòng cung kính gọi trâu là “ông” thay vì cách gọi thông thường. Bởi thông qua đó, họ biểu đạt tình yêu thương, sự tin tưởng, trân trọng đấng tối cao. 

Thông thường, mỗi ông trâu chiến thắng sẽ dùng để tế lễ, thế nhưng cũng có khi vì thương ông trâu mà người dân không nỡ. Câu chuyện này hiện hữu ngay trong chính gia đình ông Lê Bá Ngọc. 

Năm 1993, gia đình ông Ngọc có vinh dự tham gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và giành được giải nhất. Khi đó, ông nội của ông Ngọc dùng thủ lợn thay thế để mang tế đình, có thể vì vậy mà mãi tới 12 năm sau (tròn một giáp), gia đình ông mới lại chiến thắng lần hai.

Kêu gọi 12.800 chữ ký bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đừng hùa theo văn hóa ngoại lai? - 3

Gia đình ông Lê Bá Ngọc bên cạnh ông trâu thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: NVCC

Năm 2017, khi Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn xảy ra sự việc rúng động cả nước, người dân Đồ Sơn hụt hẫng chứng kiến biết bao người phản đối lễ hội. BTC lễ hội Đồ Sơn quyết định tạm dừng lễ hội để khắc phục những hạn chế trong khâu tổ chức. Từ góc nhìn người trong cuộc, ông Ngọc chia sẻ rằng sự cố này là điều đáng tiếc và hi hữu.

Giống như nhiều lễ hội dân gian khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng được gìn giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Đời sống vùng biển với sóng, gió và những cuộc phiêu lưu chinh phục thiên nhiên đã bồi dưỡng và tạo nên khí chất riêng cho người dân đất Cảng. Theo những bậc cao niên sinh sống lâu đời tại Hải Phòng, tinh thần đó được phản ánh rõ nét qua Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. 

Với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, có thể nói Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính là chỗ dựa tâm linh cho ngư dân miền biển.

Bên cạnh ý kiến từ bậc cao niên đã gắn bó nhiều năm với hội chọi trâu, PV cũng trò chuyện với những người trẻ sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng xem họ có suy nghĩ gì về việc lễ hội nổi tiếng  của quê hương bị kêu gọi hủy bỏ.

Khi được hỏi về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hoa khôi truyền cảm hứng đại học Ngoại Thương Đặng Trần Thủy Tiên cho hay, cô cảm nhận được những ý nghĩa, giá trị cộng đồng mà lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tác động đến người dân địa phương do vậy cô không tán đồng việc hủy bỏ lễ hội này. 

Kêu gọi 12.800 chữ ký bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Đừng hùa theo văn hóa ngoại lai? - 4

Hoa khôi Trần Thủy Tiên. Ảnh: NVCC

"Bất cứ một lễ hội nào cũng có những rủi ro riêng, không chỉ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mà những lễ hội như thả diều, đua xe, đấu bò tót,... đều từng xảy ra tai nạn. Vấn đề ở đây là cách làm, cần xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp biến tướng, trục lợi hay cố tình vi phạm những quy định chung", Thủy Tiên cho hay.

Hay như anh Phạm Huy Thông (27 tuổi, Hải Phòng), khi được hỏi về bản “Ký tên kêu gọi tước danh hiệu di sản văn hóa của hội chọi trâu Đồ Sơn” thì bức xúc nêu tình trạng hiện nay nhiều người không hiểu về văn hóa bản địa, hùa theo số đông ký vào văn bản kêu gọi xóa bỏ lễ hội chọi trâu. 

Anh Thông nói rằng lễ hội chọi trâu có ý thiêng liêng với người dân quê hương mình. Khi không thực sự hiểu về cội nguồn văn hóa thì bất cứ ai cũng không đủ tư cách ký vào văn bản này. 

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không phục vụ mục đích giải trí, mua vui mà còn nơi gửi gắm niềm tin của những người dân ngày ngày bám biển, mưu sinh trên đầu sóng, ngọn gió để kiếm sống nuôi gia đình.

“Người dân Đồ Sơn gọi con trâu là ông, họ đóng góp, tôn thờ ông như một vị thần. Các bạn nói chọi trâu là “hành hạ” vậy các bạn giải thích sao khi những ông trâu được cung phụng, ngủ chuồng riêng, đuổi muỗi, uống mật ong, tắm rửa thường ngày,... Do đó mình mong các bạn hãy thực sự hiểu việc các bạn sắp làm khi ký tên vào bản kêu gọi này, hãy có trách nhiệm với việc mình làm thay vì hùa theo số đông, quan điểm ngoại lai mà làm mất đi tinh thần dân tộc có sẵn kéo dài suốt ngàn năm”, anh Thông nói.

Cần có ý kiến chuyên môn 

Trước những tranh cãi liên quan đến việc kêu gọi "xóa sổ" hội chọi trâu Đô Sơn, PV đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh để làm rõ hơn ý nghĩa của lễ hội lâu đời này.

Ông Phùng Hoàng Anh cho biết: "Lễ hội chọi trâu được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của người dân miền biển, có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh. Điều này càng khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa, tín ngưỡng với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa".

Theo quan niệm của người dân vùng biển, nhất là đối với ngư dân đi biển ở vùng ven biển Đồ Sơn, hình ảnh của trăng có liên hệ mật thiết với thủy triều. Hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc trong truyền thuyết về hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã phản ánh mối liên hệ nào đó giữa mặt trăng với biển cả. Đôi sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ. Vì lẽ đó, trước đây, những trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần.

Ông Phùng Hoàng Anh chia sẻ thêm rằng, trước đây, những trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần, về sau được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại "Thượng đẳng thần" về làng.

Sau đó, dân làng làm lễ hiến sinh tế lễ dâng thành hoàng, xin thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau được may mắn, thuận lợi. Với những ý nghĩa trên, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn có đời sống và giá trị phi vật thể trong đời sống cộng đồng người Việt nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Hiện tại, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương đến với Hải Phòng. Hiện nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vẫn mang đậm bản sắc và đầy đủ các nghi thức truyền thống dân gian và cũng có những cải biến nhằm thích ứng với hoàn cảnh mới. 

Chính vì vậy, chuyện giữ hay bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trong bối cảnh hiện nay, cần có ý kiến trao đổi, thảo luận, hội thảo của các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu văn hóa và cơ quan Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có những quyết định cuối cùng chứ không phải chỉ cần một bản ký tên là đủ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cung Huyền (Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp Thị)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!