Kể chuyện cà phê bằng vũ điệu và âm nhạc
Du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng 3 Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân - Ảnh: VGP/Hải Minh.
Tối 10/3, tại Quảng trường 10/3, TP. Buôn Ma Thuột, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới" đã chính thức khai mạc.
Chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc với đông đảo diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, nghệ nhân… tham gia biểu diễn, với sự góp mặt của Đại sứ truyền thông lễ hội H’Hen Niê - Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, top 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2018.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Hương hoa đại ngàn – Lan tỏa năm châu; Văn hóa cà phê – Kết tinh hội nhập; Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới.
Lễ hội mang đến cho du khách những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng 3 Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk cũng luôn sẵn sàng “kết duyên lành” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2023) - chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng từ lâu đã nổi danh với những vùng cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là "Thủ phủ cà phê của Việt Nam". Với vị trí trung tâm của vùng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng để phát triển kinh tế-xã hội.
Những "đóa hoa cà phê" khoe sắc tại lễ hội đường phố. Ảnh: Minh Chi.
Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp. Trong đó nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Thủ tướng cho rằng đây là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới.
Trên nền sân khấu mở hiện đại, các tiết mục được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, tạo nên khung cảnh về một vùng đất Đắk Lắk trù phú. Ảnh: L.A.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10/3-14/3/2023 là một sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê, trong chương trình của Lễ hội còn diễn ra Hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên.
Khán giả ấn tượng với lễ hội đường phố rực rỡ, nhiều màu sắc. Ảnh: Minh Chi.
Tính đến nay, đã có 472 quán cà phê đăng ký tham gia chương trình mời khách hàng uống cà phê miễn phí trong ngày 10/3/2023.