Giữ gìn bản sắc điệu chèo Khuốc
Làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng, Thái Bình) nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo cổ độc đáo. Người dân nơi đây lưu giữ một di sản văn hóa quý báu, một nghệ thuật tiêu biểu của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, đó là chèo Khuốc.
Một buổi biểu diễn của các diễn viên chiếng chèo Khuốc (Thái Bình).
Nằm cách trung tâm thị trấn Ðông Hưng khoảng 5 km, làng Khuốc, tên thường gọi là làng Cổ Khúc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Chèo làng Khuốc có tự bao giờ, bản thân người dân nơi đây cũng không nhớ chính xác, chỉ biết rằng lớp lớp người dân làng Khuốc vẫn lớn lên, trưởng thành trong chính làn điệu mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương.
Còn theo cuốn "Hí phường phả lục" của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, làng Khuốc là một trong bảy nôi chèo nổi tiếng đất Bắc. Chiếng chèo làng Khuốc đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến. Các thế hệ nghệ nhân đã mang gánh chèo làng đến nhiều vùng miền đất nước trình diễn ở các đình đám, hội hè.
Ông Bùi Văn Ro, một nghệ nhân có tiếng của chèo làng Khuốc kể: Có lẽ không một người mê chèo, sành chèo nào ở Thái Bình lại không biết đến chèo Khuốc. Trước đây, các gánh chèo Khuốc lang bạt biểu diễn quanh năm suốt tháng, nhưng hằng năm đều tụ hội về làng vào ngày giỗ Tổ 18 tháng 8 âm lịch và ngày mồng 6 Tết Nguyên đán dịp lễ hội làng. Những ngày này, cả làng tưng bừng trống phách. Các gánh chèo được phen thi tài, thu hút hàng nghìn người về tham dự, cờ hoa rợp trời. Người xem được dịp thưởng thức các làn điệu, giọng ca hay nhất của chèo, còn các diễn viên chèo làng thì được dịp trổ tài và cũng là dịp động viên khích lệ nhau chuẩn bị cho một mùa vụ làm ăn mới khấm khá, ấm no.
Nói về làn điệu chèo độc đáo quê mình, ông Ro như được cởi tấm lòng: "Chèo Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo mà không ở đâu có được như Ván cờ tiên, Ðường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó…". Nhưng theo ông, độc đáo hơn cả vẫn là "Múa trái" và "Tắm tiên" trong vở "Từ Thức du tiên" được xếp vào hàng có một không hai. Cứ hát được 12 làn điệu ấy thì ai cũng có thể hát được tất cả những làn điệu chèo ở các nơi khác. Bởi theo ông Ro, những làn điệu độc đáo ở chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Có những làn điệu dù giống nhau nhưng cách ngắt nhịp, đánh trống đế của nghệ nhân chèo Khuốc lại hoàn toàn khác bởi học hát đã khó nhưng gõ trống đế lại càng khó hơn. Cứ sau mỗi lời hát phải đế tiếng trống để nâng lời hát lên. Nếu không đánh được trống đế thì người hát cũng bằng không!
Theo nghệ nhân Vũ Văn Thìn, một trong hai nghệ nhân cao tuổi ở làng chèo Khuốc, ở thời kỳ hưng thịnh nhất, trước Cách mạng Tháng Tám, những phường chèo, gánh chèo, hội chèo rộn rã khắp Thái Bình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Chính những yếu tố ấy khiến cho nghệ thuật chèo nở rộ, sự sáng tạo cả về làn điệu, hình thức diễn xướng không ngừng phát triển. Thái Bình trước đây có ba vùng chèo nổi tiếng gồm chèo Hà Xá (thuộc huyện Hưng Hà), chèo Sáo Dền (thuộc huyện Vũ Thư) và chèo Khuốc (thuộc huyện Ðông Hưng). Nhưng hiện tại, theo dòng chảy của thời gian và sự đào thải khắc nghiệt của cuộc sống thì chỉ còn chèo làng Khuốc hoạt động, những làng chèo còn lại đã mai mốt dần.
Ông Thìn cho biết: "Ở khu vực miền bắc có hai nơi hát chèo nức tiếng là Ninh Bình và Thái Bình. Nhưng giữ được tổ nghề là người Thái Bình, bảo lưu được nhiều làn điệu chèo độc đáo, chưa được phổ biến và chỉ người làng chèo Khuốc mới hát được làn điệu đó. Nghề này ở địa phương không phải là để kiếm sống mà tổ tiên giao cho mình rồi thì mình phải có trách nhiệm với nghề nghiệp".
Có thể thấy, các phường, gánh, hội chèo (tuồng) Thái Bình thời kỳ trước đây phần lớn hình thành và phát triển từ yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng trong những dịp hội làng. Chèo lại thường tập trung biểu diễn vào dịp có những lễ hội truyền thống lớn và phụ thuộc vào sự linh thiêng của các vị thần thánh thờ tại những đình, đền làng nơi đó, có sức ảnh hưởng đến cả cộng đồng trong vùng, trong tỉnh. Chẳng thế mà chung quanh làng Khuốc không thể thiếu các gánh chèo, có những thời điểm các gánh chèo Khuốc lớn, Khuốc con đi diễn khắp nơi cả tháng trước hội và sau hội. Xưa kia, ở làng Khuốc, chèo không thể thiếu và được coi là thước đo uy tín của những gia đình khá giả, chức sắc, ai làm quan to đến mấy, nếu trong nhà không có gánh hát chèo mua vui thì vẫn chưa sang!
Thế hệ tiếp nối thế hệ, những làn điệu chèo cổ như: Tình thư hà vị, Hề đơm đó, Ván cờ tiên…vẫn được nâng niu, gìn giữ và trao truyền như báu vật. Những đào kép, những nghệ nhân tên tuổi ở chiếng chèo Khuốc như Ðào Thị Na, Hà Quang Bổng, Cao Kim Trạch, Hà Quang Ngạn đã ra đi, nhưng vẫn còn đó những nghệ nhân được ví như cây đại thụ của làng chèo Khuốc như ông Bùi Văn Ro, ông Vũ Văn Thìn đang âm thầm truyền lửa, giữ hồn chèo làng Khuốc.
Trong những năm gần đây, người dân làng Khuốc còn được biết nhiều đến những hoạt động truyền dạy chèo cổ của bà Phạm Thị Cậy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo làng Khuốc. Bà Cậy trước là diễn viên của đoàn chèo tỉnh Lai Châu, nhưng vì đam mê với hồn chèo Khuốc, cho nên năm 1984 trở về xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng (Thái Bình) để học những làn điệu chèo mượt mà nơi đây.
Bà kể, các nghệ nhân chỉ dạy bằng cách truyền khẩu và làm mẫu động tác cho mình bắt chước, chứ nào có được dạy xướng âm như bây giờ. Hát đã khó, nhưng đệm với trống còn khó hơn gấp bội bởi những chỗ giai điệu hát ngân hoặc ngừng nghỉ mới được phép điểm dìu lên mặt, đánh trống lúc nghệ nhân mở miệng hát là điều cấm kỵ. Cùng một làn điệu, tiết tấu như nhau, nhưng phong cách chèo Khuốc hát mộc mạc, giản dị, rộn rã và xao động hơn. Lối hát chèo Khuốc không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm.
Giờ đây về làng Khuốc, những tên làng, tên xóm xưa cũ như Khuốc Bắc, Khuốc Tây, Khuốc Ðông cũng gắn với những câu lạc bộ hát chèo quy tụ nhiều thế hệ tham gia sinh hoạt.
Từ năm 2002 đến nay, địa phương được tiếp nhận các dự án, chương trình bảo tồn nghệ thuật hỗ trợ mở các lớp truyền dạy chèo tại nhà. Ðiều đáng trân quý, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng những nghệ nhân thành danh của chiếng chèo Khuốc vẫn bền bỉ truyền dạy các kỹ năng cơ bản, hướng dẫn chi tiết các làn điệu, các điệu múa, cách luyến láy, nhả chữ của nghệ thuật hát chèo truyền thống.
Bên cạnh các lớp học tại nhà, thì múa, hát chèo đã được đưa vào giảng dạy ngoại khóa tại một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Ðông Hưng như Phong Châu, Nguyên Xá, Hợp Hưng… Những thế hệ nghệ nhân cao tuổi như ông Ro, ông Thìn rất vui mừng bởi đây chính là những hạt nhân tiếp tục, gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Gặp chúng tôi tại trụ sở chiếng chèo Khuốc, một địa điểm mới được đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng trở thành nơi biểu diễn chèo truyền thống, ông Cao Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Châu hồ hởi nói: Cái hồn xưa cũ của điệu chèo Khuốc vẫn đang được bảo lưu và phát triển. Hơn 70% số dân nơi đây vẫn thuộc, vẫn nhớ và vẫn hát được chèo bởi hình thức truyền khẩu ngay trong những lũy tre làng, ngay ở từng thành viên trong mỗi gia đình. Ðể nghệ thuật chèo truyền thống làng Khuốc tiếp tục có đất sống, đất diễn, huyện Ðông Hưng đang xây dựng Ðề án phát triển du lịch giai đoạn 5 năm tới và các năm tiếp theo với định hướng đưa chèo làng Khuốc vào phục vụ du khách gần xa và trình UBND tỉnh Thái Bình công nhận chiếng chèo Khuốc là điểm du lịch.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng" để trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðây là hoạt động thiết thực góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống như lịch sử triều đại, nghi lễ...