"Chuyến tàu đa sắc" hoa lan đổ bộ Công viên Tao Đàn

Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 3 đã chính thức khai mạc, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của hàng vạn đóa hoa lan khoe sắc tại Công viên Tao Đàn.

Ngay từ sáng sớm, dòng người đã tấp nập đổ về Công viên Tao Đàn để hòa mình vào không gian rực rỡ của Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 3. Từng nhóm bạn trẻ diện trang phục rực rỡ tranh thủ “check-in sống ảo” bên các tiểu cảnh hoa lan nghệ thuật. Các gia đình thì dạo bước chậm rãi, vừa ngắm hoa vừa tìm hiểu tên gọi, nguồn gốc từng loài lan được trưng bày công phu.

Ngay sau lễ khai mạc sáng 16/5, hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về Công viên Tao Đàn (Quận 1) để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hàng vạn cánh hoa lan khoe sắc tại Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 3, năm 2025.

Không khí tại công viên trở nên nhộn nhịp nhưng không kém phần thư thái. Dưới những tán cây xanh mát, người dân chậm rãi dạo bước qua các khu vực trưng bày tiểu cảnh, thưởng lãm từng chậu lan được chăm chút tỉ mỉ, mang hình dáng độc đáo như rồng bay, phượng múa, hay thác nước hoa mềm mại. Mỗi bước chân như đưa họ đi qua một “ga hoa” – đúng tinh thần chủ đề “Chuyến tàu đa sắc” của lễ hội năm nay.

Cô Trần Thị Bích Hằng (ngụ quận 5), một người yêu hoa lan lâu năm, chia sẻ: “Năm nay lễ hội tổ chức rất hoành tráng. Không chỉ có nhiều loại hoa lạ mà cách bày trí cũng rất công phu. Tôi đặc biệt ấn tượng với khu vực tái hiện hình ảnh đoàn tàu Bắc – Nam bằng hoa lan. Rất sáng tạo và ý nghĩa”.

Nguyễn Thái Dương (22 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) cũng hào hứng: “Em đến đây để chụp ảnh cùng bạn bè nhưng càng đi càng thấy thích. Có những loại lan mà lần đầu tiên em thấy ngoài đời. Không gian xanh mát, hoa thì rực rỡ, đúng là nơi lý tưởng để thư giãn giữa thành phố”.

Tại các gian trưng bày, nhiều nghệ nhân đã trực tiếp đứng giới thiệu sản phẩm với khách tham quan. Gần 39.000 tác phẩm hoa lan đến từ hơn 200 đơn vị trong nước và quốc tế được chia thành các cụm chủ đề gắn với văn hóa vùng miền, nổi bật như gian hàng của nghệ nhân Lâm Đồng, tác phẩm “Hồn Việt” từng đoạt giải quốc tế, hay khu vực tiểu cảnh mô phỏng rừng lan Thái Lan đặc sắc.

Một số nghệ nhân rham gia Festival lần này, bày tỏ không chỉ mang hoa đi trưng bày mà còn mang theo niềm tự hào. Mỗi dịp như vậy, họ được dịp học hỏi, giao lưu và lan tỏa niềm đam mê đến cộng đồng. Tôi mong Festival sẽ được duy trì hằng năm, ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Chị Lê Ngọc Trâm, chủ một vườn lan ở Củ Chi, thì nhìn nhận: “Festival là cơ hội vàng để quảng bá thương hiệu. Nhiều khách hàng sau khi tham quan đã xin thông tin để đặt hàng, hợp tác. Không gian lễ hội rất đẹp, mang tính nghệ thuật cao”.

Tác phẩm “Hồn Việt” từng đoạt giải quốc tế

Festival Hoa lan TP.HCM 2025 sẽ kéo dài đến hết ngày 20/5. Trong suốt thời gian này, người dân và du khách còn có thể tham gia các hoạt động bên lề như hội thảo kỹ thuật trồng lan, biểu diễn nghệ thuật dân gian, chụp ảnh nghệ thuật và mua sắm sản phẩm từ hoa lan.

Gian hàng lan rừng của anh Vũ Huy Hoàng (35 tuổi, đến từ Bảo Lộc, Lâm Đồng) tại Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 3 đã thu hút nhiều sự chú ý của du khách. Trong số 7 tác phẩm mang đến lễ hội, nổi bật nhất là chậu lan “Đuôi chồn đã có hoa” – loài lan rừng đặc trưng của vùng núi phía Bắc, nay được trồng tại Bảo Lộc với khí hậu mát mẻ, giúp hoa phát triển to, dài và thơm hơn. Tác phẩm này đã xuất sắc giành giải Nhất tại hội thi năm nay.

Anh Vũ Huy Hoàng (35 tuổi, đến từ Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Chia sẻ về quá trình chăm sóc, anh Hoàng cho biết để hoàn thiện một tác phẩm lan rừng đạt chuẩn, người trồng cần kiên trì nuôi dưỡng từ 5 đến 7 năm. “Hoa lan rừng không chỉ đẹp ở sắc mà còn ở hồn. Mỗi năm hoa sẽ đậm hơn, cây sẽ lớn dần và dáng sẽ đẹp hơn nếu chăm đúng cách”, anh nói.

Chậu lan đuôi chồn đạt giải nhất cuộc thi

Bên cạnh “Đuôi chồn”, các tác phẩm khác của anh Hoàng cũng gây ấn tượng, như “Hồng Yên Thủy” cao hơn 1,5 mét, trị giá khoảng 7 triệu đồng; “Nhạc tháng Tư” trị giá 12 triệu đồng, dù không nở đều do quá trình vận chuyển; và đặc biệt là hai bụi “Huyết nhung đỏ” trị giá trên 10 triệu đồng mỗi bụi, cả hai đều đã giành giải tại hội thi.

Theo anh Hoàng, giá trị các tác phẩm lan rừng có thể dao động từ 10 đến 100 triệu đồng, tùy vào độ tuổi, kích thước, độ sặc sỡ của hoa và công chăm sóc. “Festival là dịp hiếm có để anh em nghệ nhân gặp nhau, cùng giới thiệu những gì tâm huyết nhất. Tôi rất vui vì tác phẩm của mình được ghi nhận” anh chia sẻ.

Sáng 16/5, Festival Hoa lan TP.HCM lần thứ 3 chính thức khai mạc tại Công viên Tao Đàn (Quận 1), do Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành tổ chức, mang chủ đề “Chuyến tàu đa sắc”. Sự kiện tôn vinh vẻ đẹp hoa lan, kết nối văn hóa – du lịch – nông nghiệp đô thị và là điểm hẹn lớn của cộng đồng yêu hoa trong và ngoài nước.

Lấy cảm hứng từ hai đoàn tàu thống nhất Bắc – Nam cùng khởi hành năm 1976, không gian lễ hội được thiết kế như hành trình xuyên Việt, dẫn dắt du khách qua các “ga hoa” đại diện vùng miền, kết hợp hình ảnh tuyến Metro hiện đại.

Festival năm nay quy tụ hơn 200 đơn vị với 39.000 sản phẩm hoa lan, tăng 35% so với kỳ trước. Các tiểu cảnh từ Thái Lan, Lâm Đồng… và tác phẩm “Hồn Việt”, từng đoạt giải Bạc tại triển lãm quốc tế TIOS 2025, là điểm nhấn nổi bật.

Bên cạnh triển lãm, hội thi hoa lan cũng được tổ chức với nhiều tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày từ 16 đến 20/5. TP.HCM kỳ vọng lễ hội sẽ góp phần quảng bá thương hiệu hoa lan, mở rộng kết nối cung – cầu, hướng đến xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang tầm khu vực.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài, ảnh: Hà Sang

CLIP HOT