Cô dâu đưa voi khổng lồ đến... rước chú rể về 'dinh'!
Cô dâu là dược sĩ, chú rể làm nghề kinh doanh. Lễ rước rể được gia đình nhà gái điều 2 con voi to lớn, trang trí bằng nhiều bong bóng đến mang chú rể về.
Họ hàng hai bên chụp ảnh cùng 2 chú voi khổng lồ. Ảnh: Nguyễn Phượng
Đám cưới vừa diễn ra ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, sự kiện được đông đảo người dân xung quanh rất thích thú, với màn "chào sân" của nhà gái với 2 chú voi khổng lồ.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, voi như một thành viên quan trọng của gia đình và không thể thiếu trong các sự kiện, ngày vui trọng đại. Số lượng voi nhà đang ngày càng suy giảm, nên hình ảnh voi có mặt trong ngày vui của gia đình sẽ là kỷ niệm đẹp và tuyệt vời nhất.
Nhân vật chính của buổi lễ là cô dâu H’Quy Byă và chú rể Bun Kệt Lào, cả hai sinh năm 2001, ở cùng xã Krông Na. Cô dâu làm nghề dược sĩ, còn chú rể kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong buổi lễ, cô dâu, chú rể mặc trang phục thổ cẩm đơn giản mà đẹp mắt, trên lưng voi hạnh phúc vẫy chào mọi người.
Cô dâu và chú rể chụp ảnh cưới cùng voi, vì voi như một thành viên quan trọng của gia đình và không thể thiếu trong các sự kiện, ngày vui trọng đại. Ảnh: NV
Trong lễ rước rể, ngoài chú voi chở cô dâu, chú rể thì còn một voi khác chở bố mẹ vợ đi cùng. Tại tiệc cưới diễn ra sau lễ rước rể, voi còn tiếp tục đồng hành cùng cô dâu, chú rể ra rạp đãi khách, cách nhà cô dâu khoảng vài trăm mét.
Trong buổi lễ trọng đại, hai chú voi của nhà gái được “khoác” lên những chiếc bóng bay nhiều màu. Cô dâu H’Quy Byă cho biết, gia đình có truyền thống nuôi voi và việc rước dâu, rể bằng voi đã có từ rất lâu đời.
Theo truyền thống của người Ê Đê và M’Nông, thì cô dâu sẽ “bắt” chồng về sinh sống tại nhà vợ.
Cộng đồng người Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên người con gái chủ động đi hỏi và cưới chồng, việc thách cưới là do nhà trai yêu cầu. Qua thời gian, đôi trai gái tìm hiểu nhau, nếu thấy "ưng cái bụng" thì người con gái về báo cho cha mẹ biết, để nhờ người mai mối và tiến hành lễ hỏi chồng. Đây là nét văn hóa thể hiện rõ nét vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân, truyền thống độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng.
Theo quan niệm xưa, ở độ tuổi mới lớn, cô gái Ê Đê nếu để ý chàng trai nào thì có thể đi “hỏi cưới” chàng trai đó. Theo phong tục, thông thường sau mùa rẫy, nhân ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy nhà, lại ủ được nhiều rượu cần, nhà có vật dụng quý, trâu, bò, gà, heo… cô gái Ê Đê có thể đi hỏi chồng.
Lễ hỏi chồng của người phụ nữ Ê Đê có bốn lễ: lễ hỏi (lễ đưa vòng), lễ thỏa thuận thủ tục “Gửi dâu”, lễ rước rể, đón rể vào nhà.
Khi yêu thích người con trai nào đó, cô gái nhờ ông mai, là người cậu (em của mẹ) hoặc người lớn tuổi trong dòng họ nhà gái có uy tín, khỏe mạnh, am hiểu luật tục, ăn nói lưu loát, chuẩn bị một ché rượu và một vòng đồng để ông mai mang đến nhà trai hỏi, gọi là lễ đưa vòng, hay lễ hỏi chồng.
Ông mai cùng gia đình nhà gái sang nhà trai ngỏ lời và trong lễ này cô gái không được đi cùng ông mai và đại diện nhà gái sang nhà trai. Lúc này, nhà trai sẽ họp bàn tại gian bếp khách rồi cử một đăm đei - tức người cao tuổi có uy tín cầm chiếc vòng đồng do ông mai của nhà gái đưa sang hỏi ý kiến chàng trai. Nếu nhận lời, chàng trai sẽ cầm chiếc vòng đồng. Đại diện hai họ làm lễ trao vòng. Lễ vật nhà gái mang đến gồm một ché rượu, một con gà để nhà trai mở tiệc thết đãi ông mai và gia đình nhà gái.
Hai con voi được nhà gái điều đến đón chú rể, đưa về nhà. Video: Nguyễn Phượng
Tiếp đó, đại diện nhà gái dẫn cháu gái đến thỏa thuận về thủ tục “gửi dâu” ở nhà trai theo thỏa thuận giữa hai bên. Đây là thời gian nhà trai thử thách lòng chung thủy nết na, chịu thương của người con gái xem có đạt yêu cầu hay không, thời gian 1 tháng, 2 tháng hay lâu hơn tùy thuộc vào nhà trai. Để làm thủ tục gửi dâu, lễ vật mà nhà gái đưa sang nhà trai gồm có 1 con gà, 1 nắm xôi gói trong lá chuối và 1 ché rượu để làm lễ gửi dâu.
Cùng với đó, nhà trai sẽ thách cưới. Theo truyền thống của đồng bào Ê Đê, nếu gia đình nhà gái giàu có, nhà trai sẽ thách cưới rất cao. Có khi nhà gái phải lễ cho cha chàng trai một con trâu, cho mẹ tám bát đồng, tám vòng đồng, một chăn đắp, một cái địu con. Các thành viên trong gia đình cũng phải được lễ vật như bát đồng, còng đồng... và ông đăm đai của nhà trai phải được một ché quý. Sau khi thỏa thuận xong thủ tục này, chàng trai, cô gái mới trao vòng đồng, coi như lời cam kết thủy chung và lời chúc tụng hạnh phúc.
Hai chú voi đi trước, xe ô tô đi sau. Ảnh: Gấu Nâu
Sau thời gian gửi dâu, nếu người con trai không đồng ý thì nhà trai làm một lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để từ chối và tỏ lòng tôn trọng nhưng vẫn duy trì sự hòa thuận với nhau. Nếu nhà trai chấp thuận cô gái, thì sẽ đồng ý cho nhà gái được làm lễ rước rể. Lúc này, ở bên nhà trai sẽ làm lễ tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình.
Lễ vật mang sang nhà trai để làm lễ rước rể về bắt buộc phải có vòng đồng, ché rượu cần, gói xôi, con gà trống. Đoàn rước rể trên đường đi về nhà gái, vừa đi vừa múa hát, các thanh niên trai gái sẽ té nước vào người chú rể với quan niệm rằng, chú rể nào được té nước càng nhiều, càng ướt thì hạnh phúc càng lớn, làm ăn càng giàu sang và đẻ được nhiều con gái.
UBND tỉnh Đắck Lắck đã quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh, do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án hướng đến kết quả: mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng… |