Cây lúa hôm nay mở ra đường lớn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng gạo Việt Nam đã được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương.

Tối 12/12, tại quảng trường Hòa Bình (TP Vị Thanh), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh cụm từ “Bạn ăn cơm chưa”. Đối với người Việt, cụm từ này luôn là lời chào hỏi đậm chất văn hoá gắn bó thiết thân.

Tự bao giờ, cây lúa, hạt gạo, bữa cơm đã đi vào lời ăn, tiếng nói, hòa quyện vào đời sống văn hóa, tinh thần trên đất nước mang hình chữ S có nền văn minh lúa nước. Điều này như một biểu tượng của sự quan tâm, chia sẻ, gắn kết gia đình, bạn bè gần xa.Cây lúa hôm nay mở ra đường lớn - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Q.T.

Theo Bộ trưởng nông nghiệp, nhiều thập niên về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, “cây lúa hôm nay” mở ra “đường lớn”, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng và cả chất lượng.

“Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành.

Tư lệnh của ngành nông nghiệp nói rằng quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”. Nơi mà ở đó, con nước xuống lên, độ phì của đất, được thấu hiểu và trân trọng. Nơi mà ở đó, giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối. Nơi mà ở đó, mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường, bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến. Nơi mà ở đó, thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa!

“Đất Mẹ hào sảng hòa với tâm sức của con người, gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, Bộ trưởng nông nghiệp nói.

Theo ông Lê Minh Hoan, mọi người thường có câu nói vui với nhau là:“Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương!”. Vì vậy, ông có niềm tin vững chắc rằng, tình cảm dành cho lúa gạo Việt Nam đến từ định vị thương hiệu, đó là vì người trồng lúa, vì người tiêu dùng và vì môi trường xanh.

Festival lúa gạo quốc tế lần này có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, 18 tổ chức và 12 doanh nghiệp quốc tế đăng ký tham gia. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng tham gia với tổng cộng 256 gian hàng.

Hoạt động triển lãm gồm có các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa...Cây lúa hôm nay mở ra đường lớn - 2

Một tiết mục văn nghệ liên quan đến cây lúa. Ảnh: Trung Quân.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, Hậu Giang tổ chức triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”, được sắp đặt với những mô hình bố trí trải dài từ đường Trần Hưng Đạo đến kênh xáng Xà No.

Các mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0, tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” của người dân Nam Bộ.

Ngoài ra, Festival còn tổ chức các hội thảo như: Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, Hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; Hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; Hội nghị tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo...

Lễ bế mạc Festival diễn ra vào 19 giờ ngày 15/12, cũng tại quảng trường Hòa Bình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT

Lễ hội bánh dân gian ở Sóc Trăng kéo dài 10 ngày
Lễ hội bánh dân gian ở Sóc Trăng kéo dài 10 ngày

Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ tại Sóc Trăng là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.