KỶ LỤC CHÂU Á - THẬT HAY ĐÙA?!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 Vừa qua, báo chí Việt Nam đồng loạt và rầm rộ đưa tin “2 tượng Phật Việt Nam lập kỷ lục châu Á”. Mới nghe, cứ tưởng chuyện đùa. Đọc báo, mới hay là chuyện nghiêm túc. Dân du lịch chuyên nghiệp thì cười “mím chi cọp” khó hiểu. Cánh nhà báo thì hí hửng, còn người dân, đặc biệt ở 2 tỉnh Bình Thuận và An Giang thì phấn khởi, tự hào. Công trình Phật Giáo, đạt kỷ lục châu Á, nào phải chuyện chơi. Tượng Phật Di Lặc ngồi trên núi Cấm cao 33m, còn tượng Phật nằm trên núi Takou dài 49m. Có nhà báo hoài nghi, điện thoại phỏng vấn, tôi bảo “chuyện cá tháng 4.2013”. Anh em tròn mắt, ngạc nhiên, không hiểu.

KỶ LỤC CHÂU Á - THẬT HAY ĐÙA?! - 1

Hơn 15 năm trước, mới vào nghề, tập tễnh làm Hướng dẫn viên, tôi từng tự hào thuyết minh “Tượng Phật nhập Niết Bàn trên núi Takou, Bình Thuận dài nhất Đông Nam Á”. Có khách cắc cớ hỏi lại “Lấy gì chứng minh?” thì tôi bảo “Sách, báo và mấy đồng nghiệp đi trước đều bảo vậy”. Tới khi ra nước ngoài mới biết mình bị hố, nói quá, kiểu “ếch ngồi đáy giếng”. Theo hiểu biết chưa đầy đủ  của tôi, 2 tượng Phật ở Takou và núi Cấm, chỉ đạt kỷ lục Việt Nam, giỏi lắm là Đông Dương. Chưa thể sánh vai với Asean, chứ đừng nói châu Á. Tượng Phật Bonywa Buddha bên dòng sông Chinwin ở Myanmar, dài 90m. Trung Quốc có các tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi ở Quảng Đông, cao 61m9. Tượng Phật Di Lặc Leshan Giant Buddha ở Lạc Sơn, cao 71m. Tượng Linh Sơn Đại Phật ở Giang Tô, cao 88m. Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở Hồ Nam, cao 99m. Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ở Hải Nam, cao 108m. Tượng Trung Nguyên Đại Phật ở Hà Nam, cao 128m. Tượng Phật Di Đà Ushiku Daibushu ở Nhật Bản, cao 120m…Nếu bảo 2 tượng Việt Nam đạt kỷ lục đặt trên núi cao cũng không ổn. Cả 2 tượng chỉ ở độ cao chừng 200m (lưng chừng núi Cấm) và 475m (gần đỉnh Takou). Chưa thể sánh với vô số núi cao hơn ở chấu Á, mà núi nào cũng có chùa và tượng Phật.

KỶ LỤC CHÂU Á - THẬT HAY ĐÙA?! - 2

Theo xác nhận từ một cán bộ ở Vietbook, 2 kỷ lục trên chỉ mới được Trung tâm Kỷ lục Guiness Việt Nam gởi hồ sơ cho trung tâm kỷ lục châu Á. Cuối tháng 4 này, họ mới qua Việt Nam để xác minh. Chắc chắn không thể đạt kỷ lục châu Á. Nếu đạt thì đích thị Asia Guiness có vấn đề. Chẳng hiểu thông tin thế nào mà báo chí Việt Nam lại khẳng định như vậy?. Năm 2011, Việt Nam cũng được dịp “tự sướng” khi tòa nhà Bitexco Financial Tower, cao 262m ở TPHCM được kênh Văn Hóa CNNgo công nhận đứng thứ 5 “Các tòa nhà chọc trời ấn tượng nhất thế giới”. Còn tòa nhà Elephant ở Bangkok cao 102m xếp thứ 4. Trong khi tòa tháp Buji Khalifa ở Dubai cao 821m ở Dubai xếp thứ 17. Mạng tinmoi còn giật tít “Top 20 tòa nhà biểu tượng của thế giới” mà Việt Nam xếp thứ 5 thì quá đã. Còn Vnexpressbaomoi thì thay tòa tháp Buji Khalifa bằng khách sạn nổi 7 sao trên biển, cao 321m, cũng ở Dubai. Chẳng biết ai đúng ai sai?. Nhiều người cho rằng việc xếp loại của CNNgo được thực hiện trong phòng lạnh và rất chủ quan. Tôi đã đến Buji Khalifa và Buji Al Arab. Cả 2 đều trên cả tuyệt vời và xứng đáng xếp đầu bảng.

Mới hay các danh hiệu, kể cả quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và lắm khi không chính xác. Thiên hạ cũng chẳng quan tâm. Chỉ tội người Việt, cả tin, lại chuộng hình thức, thích khoa trương nên mấy lần mừng hụt. Mong các nhà báo “chỉ viết những điều mình biết chắc” cho dân nhờ.

                                 *Nguyễn Văn Mỹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!