Văn hóa Việt trong ngôi nhà gỗ kẻ truyền ở Phú Bình

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với mong muốn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt, ông Dương Văn Bẩy, ở xóm Bình 2, xã Điềm Thụy (Phú Bình), đã dày công nghiên cứu, dành tâm huyết xây dựng lên ngôi nhà kẻ truyền - một loại nhà làm bằng gỗ có từ lâu đời của người dân đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Văn hóa Việt trong ngôi nhà gỗ kẻ truyền ở Phú Bình - 1

Ngôi nhà gỗ được xây dựng theo kiến trúc kẻ truyền Bắc Bộ của gia đình ông Dương Văn Bẩy, ở xóm Bình 2, xã Điềm Thụy (Phú Bình), có tổng diện tích 120m2.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà gỗ của gia đình ông Dương Văn Bẩy, Trưởng xóm Bình 2, ông Lưu Văn Đặt thông tin: Ngôi nhà của ông Bẩy được làm theo lối kiến trúc kẻ truyền của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Mặc dù đường nét hoa văn, trạm khắc có thể không được tinh xảo bằng những ngôi nhà cổ nhưng khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cũng như thi công được gia đình đầu tư khá kỹ lưỡng, cẩn thận.

Đúng như lời ông Đặt, khi đặt chân đến đây, chúng tôi cảm thấy rất thích thú bởi được đắm chìm trong không gian thoáng đãng của ngôi nhà. Bên ngoài là khoảng sân được lát bằng gạch đỏ, rộng rãi. Bước vào phía trong, cái nắng oi ả của ngày Hè được xoa dịu bởi kiến trúc nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên, tạo nên cảm giác mát mẻ, dễ chịu.

Vừa rót nước mời chúng tôi, ông Bẩy vừa chia sẻ: Tôi làm công nhân ở Công ty TNHH MTV Diesel (T.P Sông Công) hơn 20 năm nay. Từ lâu, tôi luôn có niềm đam mê với những ngôi nhà làm bằng gỗ. Chính vì vậy, tôi đã tìm hiểu về kiến trúc nhà gỗ kẻ truyền của người dân đồng bằng Bắc Bộ ở một số địa phương như Bắc Giang, Hà Nội… với mong muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa của người Việt trên chính quê hương mình. Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng hầu hết những ngôi nhà kẻ truyền xưa được làm từ các loại gỗ quý như lim, hương, gõ đỏ… nước sơn không được đẹp nhưng có đường nét, hoa văn “sắc” hơn bây giờ.

Từ niềm đam mê, năm 2017, ông Bẩy lên kế hoạch chuẩn bị hơn 60m3 gỗ xoan và bạch đàn để xây dựng công trình vì đây là những loại gỗ dễ tìm; giá thành rẻ hơn so với lim, gõ đỏ; có sự thống nhất về màu sắc, độ bóng; độ bền cao nếu được ngâm, bảo quản cẩn thận và hơn hết là có độ chắc để chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà.

Bên cạnh đó, việc tìm thợ cũng quan trọng không kém và được ông Bẩy lựa chọn kỹ càng do việc xây dựng nhà theo lối kiến trúc kẻ truyền đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và am hiểu.

Văn hóa Việt trong ngôi nhà gỗ kẻ truyền ở Phú Bình - 2

Các chi tiết trong ngôi nhà của gia đình ông Bẩy đều được làm thủ công.

Ông bảo: Nhà gỗ kẻ truyền Bắc Bộ có tính thẩm mỹ cao, bên ngoài trông có vẻ giản dị nhưng bên trong được trang trí bằng các họa tiết chạm khắc thủ công bởi bàn tay của những người thợ có kinh nghiệm lâu năm. Điều cần chú ý trong làm kiểu nhà này là mộng, mạng, sàm đóng phải khít nhằm đảm bảo sự chắc chắn, bền vững của ngôi nhà.

Sau 6 tháng thi công, giữa năm 2018, ngôi nhà kẻ truyền 5 gian (3 gian ngoài và 2 gian buồng) có tổng diện tích 120m2 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngôi nhà gồm 8 cột cái (cao 5,3m), trong đó có 2 cột cái chính (đường kính 35cm/cột) và 6 cột cái thuận (đường kính 30cm/cột); 12 cột quân (đường kính 30cm/cột) và 4 cột hiên.

Đỡ toàn bộ phần mái (lớp ngói chiếu bên dưới, lớp ngói mũi hài bên trên) là hệ thống xà đinh, câu đầu, hoành, đấu nóc, kẻ tỉn, kẻ ngồi…

Chính giữa ngôi nhà là bàn thờ gia tiên được đặt trang trọng. Phần hạ diệp được trang trí bởi bức tranh tứ quý (Tùng - Cúc - Trúc - Mai); hai bên là đàn, sáo, tửu, thơ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế tràng kỷ để tiếp khách. Hai gian nhỏ ở đầu nhà để đồ đạc, thóc lúa…

Có thể nói rằng, ngôi nhà của ông Bẩy là một trong số ít ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà gỗ kẻ truyền trên địa bàn huyện Phú Bình. Ông Bẩy cho biết: Tôi sẽ đặt thợ làm thêm hoành phi, câu đối, cửa võng, tranh tứ bình… để ngôi nhà ngày càng hoàn thiện hơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Hùng (Báo Thái Nguyên)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.