Khám phá nét văn hoá đặc sắc của các vùng miền ‘hội tụ’ trên đất Huế
Triển lãm với tham gia của 29 tỉnh/thành giúp du khách tìm hiểu về những giá trị văn hoá đặc sắc của các vùng miền, giới thiệu tiềm năng du lịch và vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S thân yêu.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lễ Khai mạc triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” đã được diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thành phố Huế (TP Huế).
Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Huế 2025, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam.
Sự kiện này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TP Huế và 28 tỉnh/thành tổ chức.
Tiết mục nghệ thuật hấp dẫn trong đêm khai mạc.
Theo Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hoá - Nghệ thuật Việt Nam, Bộ VHTTDL Nguyễn Đăng Chương, triển lãm lần này có sự tham gia của 29 tỉnh/thành trong cả nước và nhiều tổ chức, cá nhân, với mong muốn giới thiệu cùng du khách quốc tế, bạn bè trong nước những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền, giới thiệu về tiềm năng du lịch và vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho dải đất hình chữ S thân yêu.
Đây cũng là dịp để các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Qua các hoạt động của triển lãm, du khách gần xa và người dân TP Huế có cách tiếp cận sâu sắc hơn về giá trị của các di sản văn hoá, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và mỗi cá nhân trong việc giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá, các di tích lịch sử và danh thắng Việt Nam.
Đồng thời, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, nuôi dưỡng và vun đắp khát vọng cống hiến từ nhận thức và tâm huyết của bản thân để làm đẹp hơn các giá trị văn hoá. Từ đó, phát huy tối đa sức mạnh mềm, sức mạnh văn hoá là tài nguyên vô tận, góp phần cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.
Với hơn 300 bức ảnh và nhiều hiện vật, triển lãm tái hiện lại dấu ấn lịch sử của các vùng kinh đô xưa, giới thiệu các Di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO vinh danh; Những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tiêu biểu của mọi miền đất nước; Những vẻ đẹp tiềm ẩn trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…
Không gian trưng bày sản phẩm du lịch; ẩm thực và sản vật tiêu biểu của các địa phương.
Triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” gồm nhiều nội dung hấp dẫn. Khu triển lãm chung mang tên “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam” giới thiệu đến công chúng nhiều nội dung trưng bày đặc sắc.
Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, những di sản được UNESCO vinh danh: di sản văn hóa thế giới; di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; hình ảnh các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mọi miền cả nước qua những bức ảnh đẹp, nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.
Nội dung Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay đưa khách tham quan đến những vùng đất một thời là Kinh đô Việt Nam, nơi khắc sâu dấu ấn lịch sử văn hóa từ ngàn đời, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước; hình ảnh du lịch, di sản văn hóa các vùng kinh đô Việt Nam.
Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam tập trung giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc của các vùng trên đất nước Việt Nam như: Văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ; Văn hóa vùng Thung lũng và Núi cao phía Bắc; Văn hóa các dân tộc miền Trung; Văn hóa vùng Nam Bộ...
Tại đây cũng đã giới thiệu một số tác phẩm điêu khắc ánh sáng trong bộ sưu tập “Trầm tích kinh kỳ” như tác phẩm “Hương sa”, “Cố đô”... của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự.
Triển lãm diễn ra đến ngày 2/5.
Không gian Triển lãm “Lụa Việt Nam và Câu chuyện áo dài” là những câu chuyện về tơ lụa Việt Nam, qua những tấm lụa tinh hoa, đa sắc màu, là sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, trưng bày và giới thiệu các bộ sưu tập áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế, tôn vinh và lan tỏa hình ảnh vẻ đẹp của người phụ nữ với những chiếc áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một “vật phẩm văn hóa” trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.
Bên cạnh đó là khu trưng bày gốm Việt cổ; không gian văn hóa trà Việt giới thiệu sản phẩm và giao lưu văn hóa trà của các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên...
Đặc biệt, không gian “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” của 29 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng, miền trên toàn quốc, giới thiệu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội, danh thắng tiêu biểu; các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; ẩm thực và sản vật tiêu biểu của các địa phương.
Khai mạc triển lãm “Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
Xuyên suốt triển lãm là các chương trình nghệ thuật đặc sắc quy tụ các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành gồm các tiết mục mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền tham gia triển lãm.
Triển lãm là hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần tăng cường giao lưu giữa các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch và văn hóa nghệ thuật và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Bộ Khoa học và Công nghệ...