Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tác phẩm là một khúc ca da diết về tình Bác với miền Nam và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nhân dân miền Nam đối với Bác.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), Hội Nhà văn TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm về tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” của nhà văn Trình Quang Phú.

Viết về Bác Hồ luôn là đề tài lớn. Và vì lớn nên khác với những lát cắt cảm xúc được khắc hoạ nhiều trong thơ ca, không phải nhà văn nào cũng đủ tầm để có thể tạo nên dấu ấn khi viết về Người.

Với nhà văn Trình Quang Phú lại khác. Ngay từ khi còn là một thiếu niên miền Nam, ông đã được ra miền Bắc thăm Bác Hồ. Vì lẽ đó ông mới có thể hiểu sâu sắc về Bác, từ giai đoạn thời niên thiếu đến khi Bác rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, cũng như hồi ức của các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng dũng sĩ, các cán bộ miền Nam được gặp Bác Hồ. Chính những câu chuyện giản dị, bé nhỏ, rất thật, những ứng xử đời thường lại khắc hoạ thành công tầm vóc vĩ nhân.

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng - 1

Sinh ra ở quê hương Phú Yên, mảnh đất miền Trung nắng gió và huyền thoại, 12 tuổi, Trình Quang Phú đã theo cha tham gia cách mạng. Từ cậu giao liên trong kháng chiến chống Pháp, người lính ở Mặt trận khu 5 đến nhà báo của thời chống Mỹ, ông đã trở thành nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo và còn là một doanh nhân thành đạt. Ông là tác giả của gần 40 tập sách in riêng và in chung, với đề tài đa dạng về đất nước, con người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Có thể thấy, đề tài chủ yếu trên cánh đồng chữ nghĩa mà nhà văn Trình Quang Phú đã dụng công cày xới trong hơn nửa thế kỷ qua là viết về Bác Hồ kính yêu và những nhân chứng lịch sử, gắn liền với sự thăng trầm của đất nước và dân tộc.

Trong số những tác phẩm in riêng, ông dành 6 tập viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là các tác phẩm: “Miền Nam trong lòng Bác”, “Người là niềm tin”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”... trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng nước ngoài.

Tác phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” được nhà văn sáng tác từ năm 1959, khi ông còn là cán bộ thuộc Ban miền Nam của Trung ương Đảng… Tác phẩm viết về Bác Hồ giai đoạn thời niên thiếu đến khi rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước và những hồi ức của các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng, dũng sĩ, cán bộ miền Nam được gặp Bác Hồ như: Tạ Thị Kiều, Ngô Thị Tuyết, Trần Thị Bưởi, Hồ Thị Thu, Huỳnh Thị Kiển, Hồ Sỹ Thản…

Ngoài ra, những kỷ niệm của một số đồng chí từng giữ trọng trách trong Đảng và Nhà nước cũng được kể lại trong sách. Đó là kỷ niệm những lần gặp Bác của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ của đồng chí Nguyễn Thị Bình, Đường Hồ Chí Minh của luật sư Trịnh Đình Thảo…

Những câu chuyện được thể hiện qua lời văn mộc mạc, giản dị, cho thấy tình cảm chân thành của cán bộ, chiến sĩ miền Nam đối với Bác, và toát lên tình cảm yêu thương vô bờ bến của Người dành cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam.

Đọc tác phẩm của ông, người đọc sẽ lặng đi khi đọc đến đoạn nữ du kích Quảng Nam Huỳnh Thị Kiển - người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: “Thưa Bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy Bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp Bác, cháu chỉ biết vui suốt đời”. Nghe tôi nói đến câu đó, mắt Bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác”.

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng - 2

Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) chúc mừng nhà văn Trình Quang Phú nhân dịp tác phẩm “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng” xuất bản lần thứ 20

“Tôi có may mắn được tiếp xúc với Bác nhiều lần, biết được rất nhiều câu chuyện giản dị như vậy. Chính những câu chuyện nhỏ ấy cho thấy một nhân cách rất vĩ đại của Bác, tôi cũng như nhiều người khác càng yêu và kính trọng Bác nhiều hơn”, nhà văn Trình Quang Phú tâm sự. 

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cho rằng, Trình Quang Phú thuộc về số hiếm những tác giả có hạnh phúc lớn được gần Bác, công tác bên Bác, nhiều lần gặp Bác để có được những trang sách sâu sắc về Người. Ngoài dấu ấn tuổi thơ sâu sắc của một cậu thiếu niên miền Nam ra thăm Bác, cùng trải nghiệm phong phú trên nhiều lĩnh vực còn là tài hoa và tinh thần lao động bền bỉ, đặc biệt tình cảm với Bác Hồ không hề thay đổi, luôn một lòng tôn kính vô hạn.

Đến nay đã 25 năm, kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, tác phẩm “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của nhà văn Trình Quang Phú vẫn được công luận và bạn đọc đón nhận.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT