Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nón Chuông nức tiếng cả nước về độ bền chắc và vẻ đẹp thanh thoát, duyên dáng. Xưa kia nón Chuông đã từng được làm quà cung tiến cho các hoàng hậu, công chúa, cung tần, mỹ nữ

“Muốn ăn cơm trắng cá mè

Muốn đội Nón tốt thì về làng Chuông”

Làng Chuông tọa lạc ở xã Phương Trung, cách trung tâm huyện Thanh Oai 3km, cách trung tâm Hà Nội 30km. Nơi đây nổi tiếng nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ với nghề làm nón truyền thống.

Làm nón nghề lắm công phu

Người làng Chuông cũng không nhớ chính xác nghề làm nón có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là nghề cha truyền con nối, dễ cũng phải đến hàng trăm năm. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngày xưa vì đất làng khô cằn, không thể trồng được các loại cây mang giá trị kinh tế cao nên người làng làm thêm nghề nón lá.

Tới làng Chuông, người ta luôn bắt gặp hình ảnh cuộc sống nhộn nhịp, tíu tít của những người đi thu mua nguyên vật liệu, người chọn lá, phơi lá, người vót cật tre, người khâu vành, người bán nón ngoài chợ… Nón làng Chuông nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc bởi 5 đặc điểm: chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Chẳng thế mà xưa kia nón Chuông đã từng được làm quà dâng tiến vào cung cho các hoàng hậu, công chúa, cung tần, mỹ nữ.

Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu - 1

Người làng Chuông dùng nguyên liệu lá lụi để làm nón lá

Làng Chuông trước kia làm cả nón quai thao, nón ba tầm, nhưng giờ đây do nhu cầu của thị trường, cả làng chỉ chủ yếu sản xuất một loại nón chóp thông thường. Nón Chuông có 16 lớp vòng, giúp cho nón có độ bền chắc đẹp mềm mại mà tròn đều. Cầm chiếc nón trên tay nhẹ nhàng, thanh thoát, ít ai có thể hình dung được để làm ra được một chiếc nón công phu vô cùng với 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá.

Việc đầu tiên mà những người thợ nón phải làm là chọn lá non (lá lụi) và cật tre, nứa. Những chiếc lá non đẹp nhất sẽ được đem vò trong cát rồi phơi từ hai đến ba nắng để lá chuyển từ màu xanh sang trắng sáng, lá sau khi được phơi sẽ được là phẳng bằng cách dùng miếng sắt được hơ nóng vừa đủ, sao cho lá không bị giòn, bị nhăn mà vẫn phẳng đẹp. Tre, nứa làm vành nón cũng phải chọn từ những ống dài vuốt nhọn, được hong khói trên dàn bếp để chống mối mọt.

Công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, của quy trình làm nón là lợp lá hay còn được gọi là quay nón. Người thợ sẽ dùng những vành nón được vót đều từ cật tre, nứa dựng lên khuôn rồi tiến hành lợp lá. Nếu không chuẩn có thể làm cho lá bị cộm, nhăn, rách, nón sẽ không cân và không phẳng đều. Nhưng đó vẫn chưa phải khâu khó nhất bởi chiếc nón có đẹp, có chắc chắn hay không lại phụ thuộc nhiều nhất vào quá trình khâu nón, chỉ cần chệch đường khâu thì nón sẽ bị lỗi ngay.

Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu - 2

16 nan tre uốn thành khuôn vòng tròn tạo hình nón lá

Khâu nón phải làm thủ công hoàn toàn bằng tay mà không có máy móc hỗ trợ nên mất nhiều thời gian, một người thợ chăm chỉ có tay nghề cũng chỉ khâu được khoảng hai chiếc mỗi ngày. Đôi bàn tay khéo léo, nhẫn nại, tỷ mỷ của những người thợ gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ đều tăm tắp, các điểm nối của vành nón và của chỉ khâu được giấu kín không để lại vết gợn.

Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu - 3

Người thợ lợp lá lên khuôn tre đã tạo hình

Những chiếc nón sau khi hoàn thành còn được hơ qua diêm sinh, bôi dầu phủ bóng để chống mốc và làm tăng thêm độ trắng sáng óng ánh.

Thăng trầm nghề nón

Theo các cụ bô lão trong làng kể lại, thời kỳ phát triển, thịnh vượng nhất của nghề nón làng Chuông là những năm tháng sống trong thời kỳ bao cấp, khi đó cuộc sống của đa phần người dân cả nước còn nhiều khó khăn vất vả. Những chiếc nón được coi là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, để che nắng, che mưa khi ra đường.

Nhưng ngay cả cái thời hoàng kim đó người làng Chuông cũng chưa bao giờ làm giàu được bằng nghề nón của mình, bởi chiếc nón cho dù có được làm công phu tới đâu cũng chỉ là một sản phẩm bình dân nên không thể bán được với giá thành cao như những mặt hàng khác.

Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu - 4

Nét đẹp nón lá làng Chuông

Trong xã hội ngày càng phát triển hiện đại, các kiểu mũ, nón thời trang ra đời ngày một nhiều, những chiếc nón không còn giữ được vị trí độc tôn của mình. Nhiều người trong làng đã không còn mặn mà với nghề làm nón do thu nhập thấp. Một số khác thì đã ra thành phố buôn bán, đi làm thuê, lớp trẻ thì phấn đấu học hành để phát triển bản thân…

Tuy vậy, những chiếc nón lá vẫn là người bạn đồng hành thủy chung, thân thuộc của một bộ phận không nhỏ là những phụ nữ làm lao động phổ thông dầm mưa dãi nắng trên các công trường, hay rong ruổi với những gánh hàng rong, tảo tần từng phiên chợ của các bà, các mẹ, rồi nón theo các nữ sinh trong những tà áo dài đến trường... Chính nhờ có họ mà nghề làm nón may mắn không bị mai một, người dân làng Chuông cho dù còn lắm khó khăn, vất vả nhưng vẫn sống được với cái nghề của tổ tiên. Phiên chợ nón làng Chuông cũng vì thế mà chưa mất đi cái không khí đông đúc, nhộn nhịp cho dù đã qua rồi cái thủa hoàng kim.

Ở đồng bằng Bắc Bộ chợ làng Chuông là chợ nón lớn nhất, chợ được họp sáu phiên chính vào các ngày mùng, 4, 10, 14, 20, 24, và 30 âm lịch hàng tháng. Chợ nón làng Chuông chủ yếu họp vào buổi sáng và phiên chợ nào cũng diễn ra trong không khí tấp nập, khẩn trương, nhanh chóng. Chợ chỉ họp từ 5 giờ sáng đến hơn 8 giờ là đã tan, vì các thương lái đến đây chủ yếu gom hàng để chuyển đi nơi khác. Mỗi phiên chợ có tới hàng ngàn chiếc nón được bày bán, giá nón giao động từ 20.000-50.000 đồng /chiếc, tùy thuộc vào chất lượng của từng loại.


Nón làng Chuông - món quà tiến cung duyên dáng lắm công phu - 5

Phiên chợ nón làng Chuông 

Mới đây, chính quyền địa phương đã có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nón làng Chuông. Nón làng Chuông không chỉ được bán trong nước mà cũng đã xuất hiện ở các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới. Điều đó có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn, giúp người làng Chuông càng thêm tự hào giữ gìn, phát triển làng nghề của mình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bùi Trung Dũng. Ảnh: Sưu tầm

CLIP HOT