Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Âm nhạc và hội họa là những ngôn ngữ lạ kì, chúng đi xuyên những rào cản về giai cấp, sắc tộc, quốc gia,... để trở thành những ngôn ngữ chung dành cho tất cả. Nếu lâu rồi bạn chưa được nghe, được ngắm cái không khí sắc màu của Jazz, hãy thử thưởng thức chút thanh âm sắc màu này qua… tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc.

Jazz là thể loại âm nhạc dựa trên sự linh hoạt kịp thời nhưng lại rất nhịp nhàng trong giai điệu tổng thể. Sự ứng biến là cách mà các nghệ sĩ Jazz thể hiện bản thân và sáng tạo âm nhạc của mình. Jazz với họa sĩ tự do Phạm Văn Bắc cũng vậy. Được bắt đầu thực hiện từ giữa tháng 8/2021 đến nay và vẫn đang tiếp tục, bộ tranh này là sự ngẫu hứng của người họa sĩ trên con đường tìm tòi âm nhạc và cả bản thân mình. 

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 1

Hai nghệ sĩ. Acrylic. 110x110cm.

Jazz rất “gần” với hội họa. Những nghệ sĩ chơi nhạc Jazz cũng không khác những hoạ sĩ vẽ tranh trừu tượng múa cọ, vung vẩy sắc màu. Họ “vung màu”, làm cho những âm thanh tưởng chừng như ồn ào, bát nháo, đầy năng lượng và thậm chí đôi khi đối nghịch, trở thành một tổng thể hài hoà đẹp đẽ.

“Trong Jazz có cả mùi rượu mê đắm và ái tình. Cảm xúc do Jazz mang lại cho tôi đầy năng lượng. Jazz thuộc về mặt đất, Jazz là thú vui trần thế. Khác với nhạc cổ điển, thứ âm nhạc làm cảm xúc lắng, Jazz có vẻ mơ và bay của riêng nó” - họa sĩ Phạm Văn Bắc chia sẻ.

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 2

Hai nghệ sĩ nhạc Jazz. Acrylic. 110x110cm.

Họa sĩ Phạm Văn Bắc đã sử dụng nhiều hình thức hội họa khác nhau cho chủ đề này, có tranh theo xu hướng tả thực, có tranh mang âm hưởng trường phái ấn tượng với những vệt màu chồng chéo, có tranh lại gợi tả những hình khối trừu tượng và lập thể.

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 3

Nghệ sĩ chơi kèn trumpet. Acrylic. 90x150cm.

Diễn tả Jazz bằng hội họa là một điều thú vị và thách thức. Cuộc gặp gỡ của Jazz với hội họa là cuộc gặp của người làm chủ sắc màu vẽ lại những thanh âm. Người họa sĩ phải khéo léo tạo ra những “hợp âm” bằng nét bút rồi truyền tải để người thụ cảm được “nghe” bằng thị giác một cách tự nhiên nhất trên những bức tranh “phẳng”. Jazz sinh động, hội hè và đa màu. Xuyên suốt bộ tranh, tông màu của Jazz đã được họa sĩ Phạm Văn Bắc đưa vào những sắc thái đa dạng, lúc trầm, lúc thăng, lúc rực rỡ, lúc sâu lắng. Bước vào từng bức tranh của người họa sĩ, ta bước vào giai điệu nhảy nhót qua những vệt màu lúc loang, lúc rõ.

Hãy cùng bước vào cuộc trò chuyện ngắn với người họa sĩ.

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 4

Trôi trong những âm thanh của kèn saxophone. Acrylic. 90x90cm.

Lời đầu tiên, họa sĩ có thể giới thiệu về sự nghiệp “cầm cọ” của bản thân mình với độc giả?

Tôi mê hội họa nhưng trước khi trở thành người vẽ, tôi làm nghề khác để mưu sinh. Tôi cũng tự học vẽ, không qua trường lớp đào tạo.

Tình yêu với hội họa và âm nhạc của tôi hình thành trong thời trẻ sống ở miền Bắc, còn tôi thực sự vẽ từ khi vào Huế, năm 36 tuổi. Dù không vẽ nhiều về Huế nhưng “tinh thần” thành phố này vẫn ảnh hưởng ít nhiều vào các tác phẩm của tôi - một chút ẩm ướt, mơ mộng và trữ tình.

Để có thể vẽ ra được một bộ tranh ấn tượng như vậy về Jazz, họa sĩ tự nhìn nhận mối quan hệ, hay sự liên kết, giữa mình và dòng nhạc này như thế nào?

Tôi tiếp cận với Jazz qua các đĩa nhạc muộn hơn so với các bạn trẻ bây giờ. Dù vậy, tôi thích Jazz đến nay cũng đã chừng 15 năm. Vẻ đẹp của các nghệ sĩ và âm nhạc của họ thực sự đã chinh phục tôi. Jazz còn cho tôi sự thoải mái, sáng tạo. Tôi từng xem trực tiếp vài chương trình Jazz Festival do những nghệ sĩ nước ngoài chơi nhưng có lẽ, tôi vẫn ấn tượng nhất lần được nghe Jazz do nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn.

Vẽ về Jazz là cách tôi thể hiện tình yêu của một họa sĩ với âm nhạc nói chung, với dòng nhạc mình yêu thích nói riêng. Tôi muốn vẽ được âm nhạc và cố gắng diễn tả âm thanh của Jazz, sắc màu của Jazz, vẻ đẹp của các nghệ sĩ trình diễn Jazz. Những hình ảnh trong tranh được lấy ý tưởng từ những buổi buổi diễn tôi từng xem và thêm vào những màu sắc tưởng tượng của riêng mình. Tôi cũng vừa nghe Jazz trong lúc vẽ Jazz để có thêm cảm hứng.

Bức tranh đầu tiên tôi vẽ lấy cảm hứng từ nhạc Jazz cách đây đã lâu, năm 2019, đó là một bức tranh trừu tượng. Phải đến năm 2021 này, tôi mới quyết định nghiêm túc về chủ đề này và hiện vẫn đang tiếp tục theo đuổi.

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 5

Nghệ sĩ chơi kèn trumpet. Acrylic. 90x150cm

Có những khó khăn nào mà họa sĩ gặp phải trong quá trình thực hiện bộ tranh này?

Suốt 4 tháng miệt mài tập trung duy nhất vào chủ đề, bố cục, đường nét, sắc màu của tranh, tôi cố gắng phải làm sao cho có thể tạo ra được thần thái và sự chuyển động mà âm thanh Jazz gợi ra. Tôi sử dụng điểm nhấn âm thanh thông qua màu sắc. Diễn tả được điều đó là một thách thức, nhưng cũng là điều thú vị với một hoạ sĩ yêu Jazz. Mục đích của tôi là vậy, tuy nhiên năng lực thì vẫn còn có giới hạn, đạt được tới đâu còn tuỳ vào cảm nhận đánh giá của người yêu hội họa.

Trong quá trình sáng tác nói chung, có khi nào họa sĩ gặp trạng thái "bí ý tưởng" không? Nếu có, họa sĩ sẽ làm gì với nó?

Khi làm việc lâu dài với một đề tài, một lối vẽ, cảm xúc và sự sáng tạo ít nhiều sẽ không còn mới mẻ như ban đầu. Lúc này, người hoạ sĩ có thể sẽ chuyển sang chủ đề khác một thời gian để cân bằng lại rồi quay trở lại với đề tài đang theo đuổi. Hoặc tôi sẽ dừng lại và suy ngẫm, tìm cách thể hiện khác cho chủ đề của mình và bổ sung các kiến thức liên quan.

Nếu coi tranh Jazz là một món ăn và bản thân mình là người chế biến, họa sĩ muốn nó mang những “vị” nào?

Jazz của tôi nồng mặn và cay, có thêm chút men rượu và ái tình. Tôi nghĩ “món” này dành cho những người đủ trưởng thành. Nếu được, tôi muốn phục vụ “món” ấy trong một không gian rộn ràng và tự do.

Nghe Jazz qua... tranh của họa sĩ Phạm Văn Bắc - 6

Những nghệ sĩ nhạc Jazz. Acrylic. 150x150cm.

Giữa thời gian tình dịch dịch bệnh còn phức tạp như này, công việc sáng tác của họa sĩ có bị ảnh hưởng không?

Đại dịch ảnh hưởng tới tất cả mọi người, hoạ sĩ cũng vậy. Đại dịch tác động khá nhiều đến tâm lí người vẽ, vì việc bán một bức tranh của tôi khi ấy trở nên khó khăn hơn. Nhưng người hoạ sĩ vốn hành nghề độc lập, một mình, nên tôi tự mau chóng thích nghi và tiếp tục công việc của mình. Bởi, hoạ sĩ thì vẫn cứ vẽ…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quỳnh Phương (Travellive+)

CLIP HOT