Hiểu, giúp bạn có thời gian để làm những việc mình muốn
“Hiểu” chạm đến tâm hồn của số đông người đọc, đến nỗi đau và sự trống rỗng khi phải liên tục sống trong kỳ vọng, áp đặt của người khác. Đồng thời, quyển sách mở ra hy vọng về một cuộc sống tự do - được là chính mình.
Trong “Hiểu” (tựa gốc: “The Book of Understanding” ), triết lý về tự do của Osho có thể tạm tóm gọn trong một hình ảnh ẩn dụ (của triết gia Friedrich Nietzsche!): lạc đà băng qua sa mạc. Lạc đà luôn dự trữ trong cơ thể một lượng thức ăn và nước uống khổng lồ cho hành trình. Tình huống của con người cũng tương tự: họ phải đi qua một chặng đường đời đầy gian khổ, với quá khứ, kiến thức, áp đặt của xã hội, cha mẹ… trên lưng.
“Đừng dừng lại ở đó”, Osho nói, “Nếu mắc kẹt trong giai đoạn đó và luôn là lạc đà, bạn sẽ không biết được vẻ đẹp và phúc lạc của cuộc sống. Bạn sẽ vẫn quanh quẩn với quá khứ”.
Đám đông trong tâm trí
Tư tưởng tự do tinh thần vốn dĩ bao trùm cả thảy triết lý Osho, được ông lặp đi lặp lại trong nhiều chủ đề khác nhau: tình yêu, cảm xúc, hạnh phúc, trưởng thành… Riêng cuốn “Hiểu” tập hợp các bài thuyết giảng mà Osho chỉ xoáy sâu vào ý niệm tự do và những “tảng đá cản đường” tự do - vốn được dự trữ trên lưng “lạc đà”.
Bạn đang mang vác trong mình những gì từ-người-khác? Osho liệt kê đầy đủ qua các chương sách: Những tiêu chuẩn, hệ tư tưởng, cách đánh giá đúng và sai, khuôn mẫu giải quyết vấn đề; những niềm tin được người khác và xã hội trao truyền chứ bạn chưa hề trải nghiệm; ước mong phải trở thành một ai đấy thật giàu có, thật quyền lực, thật xuất chúng, đều rất có thể phát sinh từ kỳ vọng của cha mẹ khi bạn còn thơ bé…
Tâm trí của chúng ta, giống như lưng “lạc đà”, chính là kho dự trữ của những điều đó. Tâm trí, theo Osho, giống như một tấm gương phản chiếu những gì quanh bạn. “Chỉ cần ngồi im lặng và lắng nghe tâm trí mình, bạn sẽ phát hiện có quá nhiều tiếng nói”, Osho nêu, “Tiếng nói của ông, bà, cha, mẹ. Có cả tiếng nói của linh mục, giáo viên, hàng xóm, bạn bè và kẻ thù. Tất cả tiếng nói này đều đang vang lên loạn xạ giữa đám đông bên trong bạn, và nếu bạn muốn tìm tiếng nói của mình thì việc đó gần như là không thể; đám đông đó quá dày đặt”.
Xuyên suốt cuốn sách, Osho nói về sự trống rỗng bên trong, sự bất hạnh tột cùng khi một người “chưa biết chính mình”, “chưa gặp được con người thật của mình”, “chưa đạt được cá tính đích thực”, và chỉ mãi theo đuổi những “cái bóng” chứ chẳng phải điều bản thân mong muốn.
Đôi khi, những “cái bóng” đó hiện diện dưới những lớp vỏ bọc trông thật tốt đẹp, cao cả. Như chính niềm tin tôn giáo: nhiều người hoàn toàn dựa dẫm vào một tôn giáo, một vị bậc thầy, cho rằng đó là sự dẫn đường tin cậy nhất của cuộc đời, mà không hay biết sự dựa dẫm đó chỉ là một hình thức tinh vi của việc bị nô dịch.
Bắt đầu nói “không”
Tư tưởng của Osho về sự tự do rất giống với Jiddu Krishnamurti. Hai bậc thầy cùng thời đại này đều khuyến khích ta nhìn sâu vào mình để tìm hướng đi và lời hồi đáp cho mọi câu hỏi cuộc sống, từ chối cực đoan tất cả các kiến thức, khuôn mẫu, lời khuyên, tổ chức, tôn giáo, và cả… bậc thầy. Họ cũng đồng tình rằng hành trình tìm tới tự do là con đường “không có lối mòn”, mỗi người phải tự đi, tự trải nghiệm, chứ chẳng ai có thể trao truyền cho ai được.
Nhưng trong khi Krishnamurti chỉ khuyên con người chất vấn đến cùng mọi thứ, thì Osho hướng họ tới điều gì đó thần bí hơn. Đối với vị đạo sư, đường đến tự do và giác ngộ là một: hành trình di chuyển vào nội tâm để khám phá cái cốt lõi của mình - thông qua phương pháp duy nhất là thiền định.
Bởi đơn giản, chỉ bằng cách thiền, con người mới có thể vượt lên trên tâm trí, tức những hình ảnh, ảnh hưởng của đám đông trong mình. Nhưng khi đã vượt lên trên tâm trí, ta đồng thời cũng đi sâu vào cõi tĩnh lặng của nội tâm, nơi mọi phúc lành và sự hân hoan hiện diện.
“Hiểu” chạm đến tâm hồn của số đông người đọc, đến nỗi đau và sự trống rỗng khi phải liên tục sống trong kỳ vọng, áp đặt của người khác. Đồng thời, sách mở ra hy vọng về một cuộc sống tự do, được là chính mình.
Ngay sau khi bắt đầu nói “không” với đám đông, bạn hẳn sẽ thấy khó chịu, đau khổ tạm thời, vì nói “không” đồng nghĩa với nổi loạn, lạc lõng, trở thành kẻ cá biệt. Nhưng phần thưởng của hành trình sau sa mạc, sau lạc đà là gì? Osho nối tiếp chuỗi hình ảnh ẩn dụ của Friedrich Nietzsche, ví von người nổi loạn như loài sư tử: thật nhiều sức mạnh và đã nhận thức được những tiềm năng sâu thẳm của mình.
Và sau đó nữa, khi tiếp tục đi vào trong tâm thức bằng thiền định, một điều kỳ diệu hơn nữa xảy ra: con người trở về nguyên sơ như một đứa trẻ, hài hoà với chính mình, với thế giới, với cả quá khứ. Khi được sống chân thật với mình, con người có hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự và tràn đầy phúc lành để chia sẻ, và một người như vậy thì chẳng cần kỷ luật, khuôn mẫu, sự dẫn đường từ người nào hay hệ thống nào cả.
“Bỗng nhiên, bạn được tự do sống. Bạn có thời gian để sống. Bạn có thời gian để làm những việc mình muốn. Bạn có thể cười, bạn có thể ca hát, bạn có thể nhảy múa. Bạn là một người bình thường. Ngay cả nếu toàn bộ thế giới cười nhạo chuyện đó thì đã sao? Họ đều là những người phi thường, họ có quyền cười nhạo. Bạn có quyền nhảy múa. Tiếng cười của họ là giả; điệu nhảy của bạn là thật”, Osho.
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của Luân Đôn mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Midday của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền chủ động của Osho giúp giải tỏa căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.
Trưởng thành không phải là sự già đi theo thời gian, mà là hành trình con người đi sâu vào nội tâm của mình. Loài vật...