Chùa Minh Thành – Ngôi tự viện kiến trúc độc đáo giữa đại ngàn Phố núi
Độc nhất vô nhị không nơi nào có, đó là bộ tượng hàng trăm vị La Hán bằng gỗ mít, độ tinh xảo và tính mỹ thuật của đạt đến trình độ vượt bậc, không vị nào giống vị nào từ hình dáng đến nét mặt.
Cổng tam quan dẫn lối lên chánh điện, bên trái là tháp chuông, phải là ngôi bảo tháp
Khởi công xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo, nơi đây trở thành nơi thờ cúng và dâng hương, hành lễ của phật tử trong vùng.
Đến nay, trải qua nhiều đợt trùng tu ngôi chùa xưa kia nay đã trở thành ngôi tự viện bề thế giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Chùa Minh Thành, điểm đến du khách nhất định phải ghé thăm khi đến Gia Lai
Chùa Minh Thành tọa lạc tại số 348 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km về hướng Tây Nam, tổng thể diện tích ngôi tự viện bao quát trong khuôn viên rộng 2 héc ta.
Từ trung tâm thành phố, du khách đi theo hướng Đông đến đường Hùng Vương, tiếp theo rẽ trái vào đường Nguyễn Viết Xuân đi thẳng khoảng 800m sẽ thấy chùa Minh Thành nằm phía tay phải.
Thiết kế hài hòa, chạm khắc tinh xảo, ngôi tự viện ẩn hiện trong sắc màu mơn man của cỏ cây, hoa lá
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa, phong cảnh sơn thủy hữu tình
Chùa có trùng điệp các ngôi tháp mái, ốp ngói lưu ly nhấp nhô cao thấp, trông xa như những chóp núi thẩm màu xanh biếc.
Kết nối các khối công trình là dãy trường lang rợp mát, ngoài chức năng che mát hành lang lối đi, còn giữ chức năng phân khu riêng biệt.
Ngay cổng chào là 2 vị tả hữu Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác trấn giữ
Theo Hòa thượng Thích Tâm Mãn, Trụ trì chùa Minh Thành, từ ngoài cổng vào đến ngôi chánh điện 2 tầng kéo dài đến ao Liên trì, khu vực này dành cho du lịch tâm linh, nơi bá tánh thập phương đến hành hương, đảnh lễ.
Phía bên trong, sau dãy trường lang ngăn cách, nối liền cổng tam quan là dãy tăng phòng và các khu giảng đường, chánh điện thờ Tam thế Phật, tàng kinh các v.v.. là nơi dành cho việc tu tập phật học và là nơi sinh hoạt của giới đàn tăng lữ.
Phía trước chánh điện là Bồ tát Quan Thế Âm
Khu du lịch tâm linh gồm ngôi chánh điện 2 tầng là Đại bi điện, nơi thờ Bồ tát Quán Thế Âm - biểu tượng của tâm từ bi lớn và ngôi Đại hùng bửu điện.
Nét đặc trưng khác biệt so với các ngôi chùa khác chính là ngôi Đại hùng bửu điện thờ Đức phật Tì Lô Giá Na, biểu tượng của Phật giáo Mật tông Tây Tạng.
Đây cũng chính là thiết kế chủ đạo dựa trên nền tảng triết học Mật tông với những hoa văn, họa tiết được được chạm khắc, xây dựng theo biểu tượng của Mạn - đà - la cùng các vòng tròn tượng trưng cho đóa sen nở trọn trong vũ trụ luận Mật giáo.
Bộ tượng Thập bát A La Hán trước chánh điện rêu phong cùng tuế nguyệt
Được biết, Hòa thượng Thích Tâm Mãn có thời gian tu học tại Đài Loan (Trung Quốc) nên ngôi tự viện mang sắc màu của kiến trúc tại đây, nhưng vẫn tôn giữ vẻ đẹp hài hòa của những ngôi cổ tự Việt Nam.
Điều này du khách có thể dễ dàng nhận thấy qua hệ thống mái chồng diêm 2 tầng với các hệ đấu-củng theo phong cách xây dựng thời Lý - Trần.
Hệ thống mái chồng diêm 2 tầng cùng các mái đao cách điệu từ hình dạng đầu rồng chầu bái
Bởi đặc điểm phức tạp và mang tính mỹ thuật cao, kết cấu bền vững, tỉ mỉ từng chi tiết như công-xôn, khớp mộng đòi hỏi những người thợ lành nghề nắm được những kỹ thuật xưa mới có thể thực hiện được.
Theo các chuyên gia đánh giá, đây là công trình tiêu biểu cho việc phục dựng kiến trúc cổ Việt Nam có tâm và tầm nhất hiện nay, thời điểm huy hoàng, hoành khai Phật pháp vào thời đại này của đất nước.
Cổng tam quan bước lên chánh điện với các thớt voi biểu trưng của Tây nguyên
Tháp chuông tôn trí đại hồng chung nặng 4 tấn nằm phía bên trái chánh điện, có lối cầu thang bộ đi lên để chiêm ngưỡng và ngắm cảnh vật xung quanh chùa. Tháp được thiết kế giống kiến trúc cổ của Việt Nam như chùa Một Cột.
Tổng thể ngôi chùa nằm trong khuôn viên xanh mát dưới tán lá của thông, tùng, bách và tre trúc, dương liễu v.v..
Tiếp vào trong, khu tăng đường nằm bên phải chánh điện gồm Trai đường, Giảng đường, Thiền đường và Tàng kinh các...
Bên phải chánh điện là tòa Bảo tháp xá lợi 9 tầng, ngoài ra còn có các công trình khác như Phương trượng đường, Khách đường, cổng tam quan, dãy trường lang và một số công trình phụ trợ khác.
Tượng đức Phật A Di Đà bằng đá chạm trổ tinh xảo, cao 7.5 m, nặng 40 tấn được tôn trí uy nghiêm giữa ao sen Liên Trì
Tháp Từ Ân thờ Tổ khai sơn cũng nằm ở phía bên trái chánh điện, tháp có ba tầng mái, lợp ngói vảy rồng, trang trí rồng và hoa sen cách điệu, được xây dựng rất giống với lối kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Những cây liễu nhỏ rủ xuống quanh hồ, cả bầu trời in bóng xuống mặt nước tạo thành một khung cảnh nên thơ, mộng ảo
Đứng bên Ao Liên trì, nhìn ngắm bầy cá koi thong thả dạo bơi dưới bóng hàng liễu rủ xung quanh mặt hồ, cảm thấy lòng thanh thản lạ, anh Trần Văn Huy, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.
Chùa Minh Thành – Ngôi tự viện kiến trúc độc đáo giữa đại ngàn Phố núi, điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn du khách tham quan vãn cảnh
Dạo bước trong khuôn viên chùa, du khách sẽ dễ bắt gặp trong những lối đi nhỏ của chùa là những bức tường rêu phong do đã được xây dựng từ lâu, những bức tường cây leo chằng chịt như một minh chứng cho sự lâu đời của ngôi tự viện như bao ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.
Ngôi tự viện được đông đảo du khách tới lễ Phật, tham quan
Dãy trường lang và cổng hậu thường đóng để ngăn cách tôn nghiêm khu vực dành cho việc tu tập phật học và là nơi sinh hoạt của giới đàn tăng lữ
Độc nhất vô nhị không nơi nào có là bộ tượng hàng trăm vị La Hán bằng gỗ mít. Hòa thượng Tâm Mãn cho biết, trên tầng cao nhất là Điện La Hán, nơi tôn thờ 500 vị A La Hán được chạm khắc từ chính đôi tay những người thợ tài hoa từ vùng đất Bắc Ninh.
Trong suốt 9 năm ròng rã làm việc và ăn ở tại chùa, từ những khối gỗ mít đơn sơ mộc mạc, 40 người thợ tài hoa đã đẽo gọt, tạo tác nên hình 500 vị tượng La Hán sơn son thếp vàng vô cùng sống động.
Phát biểu cảm tưởng khi tham quan nơi này, Thượng tọa Thích Nhật Từ tấm tắc: "500 vị A La Hán là những tuyệt tác, so với bộ tượng 500 vị đục đẽo từ đá của chùa Bái Đính, độ tinh xảo và tính mỹ thuật của bộ tượng gỗ mít tại đây đạt đến trình độ vượt bậc, không vị nào giống vị nào từ hình dáng đến nét mặt, ngắm nhìn thật mỹ mãn".
Xa phía sau tượng vị Hộ pháp là các khối công trình vừa xây xong dành cho tăng đoàn
Lối tam quan dẫn lối lên chánh điện là khối công trình bề thế gồm Từ bi điện và Đại hùng bửu điện
Một công trình vô cùng ý nghĩa phải kể đến tại đây chính là Phật Hoàng Cung với hình tượng Phượng Hoàng trên đỉnh chóp mái, nơi thờ phụng Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị Phật tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Ngay chính giữa chánh điện là hình dáng ngài Phật hoàng đang tọa thiền, bên trái là Đức Đa Bảo, bên phải là Đức phật Thích Ca Mâu Ni.
Hòa thượng trụ trì dẫn giải, trong Pháp hội Pháp Hoa, Đức Phật Hoàng được Đức phật Thích Ca Mâu Ni và Đức Đa Bảo thọ ký và Đức Đa Bảo hiện thân ra phía bên trái chứng nhận cho lời thọ kí; đó là "Chúng sanh đều có phật tánh và chúng sanh đều có thể thành Phật".
Ngoài ra, trên 2 cột tiền phía trước là cặp câu đối được khắc chạm công phu:
“Pháp hoa Giáo chủ thọ ký nhơn thiên đa bảo hiện thân chứng chơn thật ngữ” (cột bên phải).
“Trần Triều Đại Việt Nhân Tông Đế Hoàng an tử ngộ thiền Niết bàn thành phật” (cột bên trái).
Trong buổi hoàng hôn nhạt cả núi rừng, ngôi tự viện càng tôn bật lên sắc màu lung linh, huyền ảo
Chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo cùng với việc lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa, là niềm tự hào của người dân phố núi.
Ngôi tự viện không chỉ dành cho các tín đồ Phật giáo, mà còn là một điểm du lịch tâm linh đặc sắc mà du khách gần xa không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất Tây nguyên - Phố núi Gia Lai.
Từ ngày 9/6 - 12/6/2022 vừa qua, đoàn công tác TP.HCM do bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn, đã khảo sát một số tuyến điểm du lịch tại 3 tỉnh Tây Nguyên: Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cùng đoàn khảo sát tham quan chùa Minh Thành chiều ngày 10/6/2022
Chuyến khảo sát nằm trong khuôn khổ Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên”, diễn ra vào ngày 11/6/2022 tại tỉnh Kon Tum.
Tại điểm tham quan du lịch tâm linh chùa Minh Thành, Đoàn công tác của lãnh đạo UBND TPHCM, Sở Du lịch TPHCM, cùng đại diện Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch lớn của TPHCM đã đánh giá cao đây là một trong những tuyến điểm xứng tầm phát triển du lịch tiềm năng của tỉnh.