Chùm nem treo trên bếp đợi xuân về

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong căn bếp nhà tôi luôn có một chùm nem treo lủng lẳng, khói từ bếp bay lên, chờn vờn quấn quýt. Chùm nem ấy là cách tôi định danh cho cái Tết nhà mình. Cứ thấy nem là thấy Tết!

Tháng Chạp quê tôi trời lạnh căm. Sương như mưa rơi trên những tàu lá chuối ngoài vườn. Khi con gà trống rướn cổ, gáy vài hồi gọi ngày mới thì má thức giấc xuống bếp cởi mớ tro lạnh, bẻ củi, nhen lửa nấu ấm nước chè tươi.

Trời lạnh, mớ củi như ngấm hơi mùa đông nên cũng khó cháy. Má cúi xuống thổi, tàn tro bay lên rồi bám trên tóc má. Ngồi đợi nước sôi để thả mớ lá chè tươi vào nồi, má hơ đôi bàn tay nhăn nheo vào bếp, nhìn từng lọn khói thả lên trần, lên vách lâu ngày thành một màu đen bóng. Cạnh đó, có chiếc bếp ga mà thi thoảng mà mới bật lên khi quá bận bịu. Bởi với má cá kho bếp củi, chè tươi hãm trên lửa liu riu mới thơm, mới đượm…

Chùm nem treo trên bếp đợi xuân về - 1Cái nếp dậy sớm nấu nồi nước chè tươi của má có từ hồi tôi còn nhỏ xíu cho đến khi tôi thành kẻ ly hương. Những ngày Sài Gòn chòng chành trở lạnh tôi lại quay quắt nhớ quê. Mà nhớ gì đôi khi tôi chẳng thể kể rành rọt: Nhớ mùi khói bếp, nhớ dáng má lom khom cúi xuống thổi lửa, nhớ mỗi lần chạy xe máy về nhà giữa trời lạnh căm liền sà vào vừa hơ tay vừa hít hà món cá kho với lá nghệ chiều đông liu riu trên bếp…

Thành kẻ tha hương, mỗi năm mới về quê vào dịp Tết. Nhìn trước ngó sau, thấy quê mình thay đổi nhiều quá, có những góc đã quá quen thuộc nhưng giờ lạ lẫm, cứ ngỡ quê người ta chứ chẳng phải quê mình. Vậy mà căn bếp giản dị má vẫn giữ y nguyên như hồi tôi anh em tôi còn nhỏ. Như chưa từng có một cuộc ra đi nào, như hàng ngày, mấy đứa con của má mắt sáng rực khi má đút thử cho món ăn còn đang sôi trên bếp. Và về nhà, chỉ cần ngồi lặng yên hít hà mùi bếp, tôi rưng rưng khi luôn gặp lại mình của những ngày bé dại.

Má giữ bếp đỏ lửa từ ngày ba mươi cho đến hết Tết bằng những gốc củi to. Ấm nước chè tươi, thơm nồng luôn liu riu trên bếp đợi rót ra mời khách ghé nhà. Và Tết, trong căn bếp nhà tôi luôn có một chùm nem treo lủng lẳng, khói từ bếp bay lên, chờn vờn quấn quýt. Chùm nem ấy là cách tôi định danh cho cái Tết nhà mình. Cứ thấy nem là thấy Tết!

Chùm nem treo trên bếp đợi xuân về - 2Tết đánh vào tâm thức má tôi luôn là ở chuyện ăn. Má ngó chừng Tết từ rất sớm. Từ khi con gà mới búng đuôi tôm đã nhẩm tính Tết chúng lớn độ nào, để dành ang nếp gói bánh tét, giở tờ lịch coi ngày để xới đất gieo rau…

Và trong chuồng, lúc nào cũng sẵn một con heo có khi được chăm chút cả năm để cỡ 27, 28 làm thịt cúng tất niên. Ngay dưới đùi heo, phần nạc được mấy bà má quê gọi là "trái bòng". Trái bòng lóc ra, không rửa qua nước, để dành riêng làm món nem. Má tôi nói, thịt càng nóng thì nem cà ngon. Nên chăng trước bữa nhà làm heo, má đã ra vườn hái mớ lá chanh non, giật sẵn mấy tàu lá chuối sứ đem rọc ra phơi heo héo. Cái cộng lá chuối, má lấy dao chẻ nhỏ, phơi ngoài nắng để làm lạt buộc nem. Chuẩn bị đâu ra đó, để khi "trái bòng" được lóc ra thì mọi thứ đã sẵn sàng cho một cuộc gói nem.

Lát thịt phải thái to bản mà thật mỏng, "mỏng như lá lúa". Sau đó tẩm ướp vào thịt thật nhiều tiêu tỏi giã giập, có tỏi Lý Sơn cay nồng thì càng ngon, thêm một tí muối, tí bột ngọt. Nhiều người còn bóp vào một ít bánh tráng nướng giòn để nem mau chua. Tẩm ướp chừng vài tiếng thì nem được đem ra gói.

Lớp đầu tiên là lá chuối, kế đến là một lớp lá chanh non (có thể kèm theo đinh lăng hoặc lá ổi), rồi đến một lớp thịt. Nem được gói chặt tay, sau cùng được cột lại bằng cộng lá chuối. Xong xuôi, nem được xâu lại thành chùm, treo lên trên bếp. Hơi nóng từ bếp củi sẽ làm nem khô ráo và khói sẽ giúp nem bảo quản được rất lâu, có khi cả tháng mà không hỏng.

Khách đến nhà chúc Tết, ba má mời uống ly rượu đầu năm. Lúc đó, nem sẽ được lấy xuống, nướng sơ qua than hồng hoặc vùi xuống tro nóng cho dậy mùi thơm. Bóc lớp lá chuối dính tro, lớp thịt đỏ au sẽ lộ ra cùng với mùi lá chanh, mùi tiêu tỏi thơm nức mũi.

Mỗi lần tôi phụ má nướng nem mời khách, nghe mùi thơm của chiếc nem tỏa ra lúc nào nước miếng cũng ứa đầy khoang miệng. Nhìn chiếc nem đỏ như vậy thoạt nhìn ai cũng nghĩ thịt còn tươi, thế nhưng đưa một miếng đưa lên miệng mới thấm hết vị ngon của món ăn. Ăn miếng nem, nhấp ngụm rượu nếp thơm nồng mới thấy cao lương mĩ vị cũng chẳng bằng món ăn của quê hương mình.

Chùm nem treo trên bếp đợi xuân về - 3Tính đến năm nay, tôi đã có đến 13 năm tha hương. Cũng đã ghé nhiều vùng đất, ăn những món ngon định danh cho một vùng miền. Dẫu ngon đó, nhưng hình như vẫn thấy thiêu thiếu điều gì. Một bữa cà phê, bạn tôi nói món lẩu mắm của quê nó ngon nhứt xứ, đứa khác trề môi, vậy là tụi bây chưa được nếm món bánh xèo ở quê tao rồi…

Mà ngẫm lại, trong lòng đứa nào chẳng có một món ăn gây thương gây nhớ suốt cuộc đời. Gia vị để làm nên món ăn đó thì nơi nào mà chẳng có nhưng thứ tình thương của má, những nêm nếm bằng máu mủ ruột rà, bằng quê hương bản quán thì có đi cùng trời cuối đất thì cũng sẽ tìm được duy nhất ở một nơi mà thôi!

Sài Gòn phố phường lên Tết. Tôi thèm được nhìn thấy hình ảnh má cặm cụi xé nhỏ từng lá chuối, nhanh tay xếp lá chanh, trải thịt để gói ghém vị Tết. Thèm được thấy khói chờn vờn, quấn quýt bên chùm nem treo lủng lẳng; thèm được hít hà mùi lá chanh quyện với mùi thịt, mùi tỏi tiêu nướng trên than hồng…

Tết đến rồi tết đi, có bao nhiêu thứ đã đổi thay mà chùm nem má treo trên khói bếp vẫn y nguyên qua năm tháng chẳng hề đổi. Như lòng má thương đứa con tha hương, cứ biết con thích ăn nên mắt mờ, tay yếu cũng cặm cụi ngồi gói, treo lên bếp đợi con về…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Như Hiền

CLIP HOT