Rưng rưng 'mùi Tết' trong hũ hành muối của mẹ
Từ nhỏ và cho đến tận bây giờ, mùi thơm từ vại hành mẹ muối như báo hiệu cho tôi biết Tết đã về.
Với những người hay hoài niệm, đôi khi bắt gặp hình ảnh một ai đó bên đường giống cái dáng hao gầy của mẹ là lòng những đứa con xa nhà lại mong được quay về tuổi thơ, được bé lại để sà vào lòng mẹ để đón nhận hơi ấm, tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử.
Giữa cái nhịp sống hối hả, đủ đầy đôi khi lòng lại nhớ quay quắt cái chân phương, đơn sơ mộc mạc của những năm tháng đầy khó khăn nhưng nồng đượm hương vị tình thân bởi cái cảm giác quây quần ngày Tết. Nơi ấy có dáng hình vững chãi của cha, có bóng lưng mẹ hắt bên vách bếp bám đầy bồ hóng cùng cái mùi bếp lửa nồng đượm tí tách, xua đi cái giá rét của mùa đông sương muối lạnh cắt da thấu thịt nơi rẻo cao Tây Bắc.
Với mấy chị em chúng tôi, bên cạnh mùi thơm ngào ngạt nức mũi của nồi thịt đông bố tỉ mẩn nêm nếm, hay sự mời gọi của chiếc giò xào bố vừa gói ghém nén chặt nơi chài bếp, gom góp thêm cho sự "tròn đầy" của "mùi Tết" nơi gia đình tôi chẳng thể thiếu cái mùi thơm chua dịu khiêm nhường, từ tốn, mang đầy hồn quê từ vại hành muối do chính đôi bàn tay "nghệ nhân" lành nghề của mẹ tạo lên. Từ nhỏ và cho đến tận bây giờ, mùi thơm từ vại hành mẹ muối như báo hiệu cho tôi biết Tết đã về.
Món hành củ muối mẹ tôi làm ăn kèm bánh chưng.
"Vị Tết" bố thích nhất trong nhà
Cái ngày xưa ấy, cứ độ 22-23 tháng Chạp. Mẹ ráo miệng tối hôm trước với bố: "Sáng mai tôi đi chợ sớm, mua mớ hành ta chuẩn bị đón Tết". Sau lời mẹ nói là tôi với chị hai lại thì thầm: "Mấy nữa hai đứa mình lại ngồi còng lưng nhặt vỏ, cắt rễ hành cho mẹ, nước mắt lại chảy tèm lem như bị đánh".
Cái ký ức mà mỗi khi nhớ về nó lũ lượt ùa đến chất đầy tim tôi. Nơi ấy gia đình tôi 5 người còn đông đủ, nơi ấy mấy chị em tôi còn có bố, và nơi ấy mẹ luôn muốn chuẩn bị thật tươm tất món hành muối bởi cái "vị Tết" ấy bố là người thích nhất trong nhà.
Những năm tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ, và khi bố đã cưỡi hạc se mây về vùng biên viễn. Cứ sau 20 tháng Chạp nếu chưa thấy đứa con nào ghé qua nhà mẹ sẽ bấm điện thoại hỏi: "Chừng nào bây về, sắp xếp công việc về chở mẹ qua chợ, mẹ mua ít hành củ về chuẩn bị muối đón Tết".
Món hành muối đơn sơ, mộc mạc, thấm đượm hồn quê.
Mẹ là vậy, mâm cơm ngày Tết nhà tôi bên cạnh thịt đông, giò xào chuẩn vị quê hương là mẹ không bao giờ thiếu đĩa hành muối đơn sơ giản dị ấy. Tính mẹ cẩn thận, con gái bảo để con mua rồi đem về cho mẹ mẹ vẫn không nghe. Mẹ muốn tự tay lựa những củ hành ngon, đều nhất. Mẹ sợ tôi đoảng lựa nhầm hành tía khi muối bị hăng là sẽ không ngon.
Hành sau khi được mua về mẹ liền trút chúng vào chiếc vại sành có độ tuổi còn nhiều hơn cả tuổi tôi. Sau đó, mẹ đổ tro bếp cùng nước lạnh ngâm ngập hành độ chừng 3 ngày 2 đêm: "Cho vỏ hành ngậm đủ nước, sau làm vừa dễ tróc vỏ lại nhanh sạch", lời mẹ vẫn dạy khiến tôi với chị hai thuộc lòng của gần 30 năm về trước.
Đủ ngày ngâm hành là đến công đoạn sơ chế (công đoạn tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng). Sau khi rửa sạch lớp tro bám trên vỏ hành mẹ tiến hành bóc lớp áo ngoài của hành bằng con dao nhỏ. Mỗi củ hành sau khi được bóc sẽ lộ ra lớp thịt trắng tinh đồng thời mẹ chỉ chúng tôi cắt rễ hành: "Các con chú ý chỉ cắt non phần rễ củ hành, cắt thật khéo không được cắt sâu vào lớp thịt của củ. Bởi nếu cắt sâu khi muối hành bị ngấm nước sẽ bị nẫu hỏng cả vại".
Công đoạn rèn tính cẩn thận, sự kiên trì, tỉ mẩn không được vội vàng. Những lời mẹ dạy nó dần dà ăn sâu vào tiềm thức, khiến tôi sau này lớn lên cũng đã tự tay muối hành cho gia đình nhỏ của mình thành công.
Món hành muối tự tay tôi chụp.
Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy hành mình muối không ngon bằng mẹ. Hành sau khi được lột lớp vỏ già cùng việc cắt rễ tinh tươm, mẹ đem rửa chúng thật sạch để ráo nước. Đồng thời, ngay trong gian bếp vấn vít mùi thơm của lửa bén, mẹ đã đun sôi sẵn ấm nước mưa to để nguội rồi mẹ hòa nước theo tỷ lệ: Hai muối một đường.
Hành sau khi để ráo, hong chút nắng cho tái mẹ trút toàn bộ vào chiếc vại sành, điểm thêm mấy củ cà rốt cắt khúc vừa ăn, vài miếng su hào, rồi mẹ từ từ đổ phần nước hòa muối đường đã được loại bỏ hết cặn, sau cùng mẹ lấy tấm phên được bố đan bằng tre vừa đúng miệng vại nén hành xuống để những củ hành phải được ngập nước: "Như vậy sau này khi đem ra dùng hành sẽ trắng, giòn và ngọt thanh chua dịu".
Tùy theo thời tiết từng năm mà mẹ ước chừng cho hũ hành muối mẹ làm đúng bữa cơm giao thừa đón tất niên có độ ngấu vừa phải nhất. Phải năm thời tiết gió mùa Đông Bắc tràn về mang theo cái lạnh hanh hao, sợ hành lên men không đúng độ mẹ tính, mẹ sẽ đem vại hành đặt gần bếp lửa để "kích thích" sự lên men cho hành.
Còn những năm thời tiết ấm áp, mẹ chỉ cần đợi chút nắng của buổi trưa những ngày đông ấy đem hũ hành ra "ngậm nắng: khoảng một canh giờ là Tết về, đĩa hành của mẹ sẽ đủ độ ngon nhất, thanh đạm nhất.
Nếp nhà ngày Tết trong mâm cơm của mẹ
Chiều 30 Tết, sau khi cùng con cháu tất bật chuẩn bị những món truyền thống bao năm của gia đình như: Thịt đông, giò xào, bánh chưng, nem rán… thì món hành muối của mẹ vẫn khiêm nhường, từ tốn được đặt trên mâm cỗ cúng gia tiên của gia đình tôi.
Như lời mẹ dạy: "Mẹ muốn níu giữ hương vị quê hương mình trong mâm cơm ngày Tết giống như ngày bố mấy đứa còn sống. Mẹ muốn tự tay làm món hành muối mà ông ấy khi xưa vẫn luôn trầm trồ xuýt xoa vì nó là món tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại níu giữ được biết bao giá trị của món ăn cổ truyền đón Tết của gia đình, của người dân Bắc chúng ta…".
Nói đến đó giọng mẹ nghẹn lại, mỗi độ xuân về khi mùi nhang trầm phảng phất khắp không gian. Khi Tết chạm ngõ, chạm vào mâm cơm thể hiện lòng thành con cháu dâng lên các cụ, dâng lên bố khóe mắt mẹ rưng rưng.
Ngồi ăn bữa cơm đoàn viên ấm cúng, được thưởng thức món hành muối ăn cùng bánh chưng từ chính đôi bàn tay của mẹ làm, chúng tôi đều chung cảm giác ký ức ngày xưa lại ùa về trong tâm khảm. Tôi từ từ cảm nhận cái vị giòn, chua chua, ngọt dịu, hơi cay nơi đầu lưỡi, để rồi khi tới cuống họng cái vị ngọt ngào của hành ngâm đủ độ hay vị ngọt từ tình yêu của mẹ vấn vương ngưng đọng chẳng muốn mất đi. Mẹ muốn thay bố là người nối tiếp và mong muốn gìn giữ nếp nhà bao năm của gia đình tôi.
Món hành muối khiêm nhường, giản dị trong mâm cơm.
Đi qua những tuổi thơ, nuôi dưỡng tôi là những món ăn đơn sơ, mộc mạc như chính món hành muối ngày Tết của mẹ. Cuộc sống dẫu có đủ đầy, có biết bao món ngon vật lạ rồi cũng quên mau, nhưng dư vị của món hành muối thắm vị Tết gia đình thì vẫn cứ khắc khoải, đau đáu trong tiềm thức níu giữ tâm hồn với những giá trị thiêng liêng vốn có. Vị của nỗi nhớ, của niềm khắc khoải thành ra cũng đậm đà như món hành muối từ chính tình yêu, nỗi nhớ mẹ dành cho gia đình, cho người đi xa nơi miền hư vô thăm thẳm. Với tôi, Tết là khoảnh khắc của nỗi nhớ và tình thân.
Ai trong cuộc đời cũng đều có những mong ước, khát khao được dựng xây cống hiến cho những lý tưởng cao đẹp của chính mình. Nhưng dù có như cánh chim không mỏi chinh phục những vùng trời xa thẳm cũng đừng quên đi cội nguồn, quên đi giá trị thiêng liêng của những gì thuộc về truyền thống của gia đình, dân tộc của những cái Tết đoàn viên.
Được trở về gia đình, được sống lại những giá trị cao đẹp của nếp nhà đó là điều may mắn. Dù có đi bất cứ nơi đâu nhưng với mỗi một đứa con: "Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai đó là hạnh phúc".
Tôi thầm ước năm nào mấy chị em tôi cũng sẽ vẫn được cảm nhận cái "vị Tết" đến từ vòng tay, tình yêu thương của mẹ. Bởi ở đó, chúng tôi được hít hà cái mùi thiêng liêng của tình mẹ, mùi của yêu thương đong đầy và hạnh phúc mãi mãi.
Vại củ cải muối của bà nội hội tụ đầy đủ ngũ vị ngọt cay mặn bùi chua, thêm cái kiểu dai dai, dẻo dẻo như xơ mít...