Mẹ vẫn chờ con bên căn bếp ấm
Từ 28 Tết, trong căn bếp nám đầy bồ hóng, mẹ nấu món thịt đông mát mịn, nồi măng khô ninh móng giò, từng sợi vàng ươm sóng sánh, và chảo thịt thủ trên bếp đang ngấm gia vị, thơm nức mùi hạt tiêu.
Cuối đông, gió mùa đã bớt tái tê. Bờ rào bên hiên nhà bấy lâu khô xác, nay bỗng bật lên những bông mai vàng ươm thắm sắc. Con trai tôi chạy ùa vào reo lên "Mẹ ơi, hoa mai nở kìa, Tết sắp đến rồi!”.
Những bông mai vàng xứ người, sao luôn chọn đúng vào dịp tết Nguyên đán để nở như vậy? Phải chăng mai vàng dù ở đâu, cũng biết cách báo hiệu Xuân về.
Tiếng điện thoại đổ chuông. Ở nơi cách xa hơn 11 ngàn cây số, mẹ tôi đang gọi. Giọng mẹ ân cần chu đáo " Năm nay, chắc con cũng không về ăn Tết? Bận gì thì bận, con nhớ chuẩn bị Tết cho bọn nhỏ nghe con!". Tôi đáp " Dạ" mà lòng bâng khuâng.
Mẹ tôi và con cháu bên mâm cơm ngày Tết.
Chắc mẹ lại ngóng chông tôi, đứa con đã 15 năm xa nhà, dù thỉnh thoảng vẫn về thăm mẹ, nhưng chưa một lần nào vào đúng dịp Tết. Mẹ không trách, nhưng lo mấy đứa cháu ngoại ở xa không có Tết, nên luôn nhắc nhớ tôi.
Cuối năm, những tờ lịch mỏng dần, lòng người hoang hoải. Thời gian tưởng vô hạn, mà đối với một đời người lại như gió thoảng, mây bay. Mẹ trầm hơn, lặng lẽ hơn. Người đàn bà sớm góa bụa, vất vả nuôi ba đứa con, nhưng luôn chu toàn để có những cái Tết ấm êm, no đủ.
Tôi vẫn nhớ vào mấy ngày cuối năm, khi đã lĩnh đủ tiền dán hộp mứt và đan áo len thuê, mẹ xách làn đi chợ. Trong cái làn nhựa cũ kỹ của mẹ, óng ả cả một mùa Xuân. Mẹ thích tự tay chọn nải chuối xanh nây đều, quả bưởi vàng ươm cuống vẫn còn tươi nguyên chiếc lá. Những quả quýt đỏ au, quả táo xanh mướt, và cả bó hoa thược dược đủ sắc màu.
Dù ở đâu thì những món ăn truyền thống không thể thiếu mỗi khi Tết đến
Mấy hôm đó, chị em tôi chỉ muốn buổi học kết thúc thật nhanh, để chạy về bên căn bếp ấm. Căn bếp mẹ đã tần tảo, nấu những bữa cơm thanh đạm, nuôi lớn chị em tôi.
Mẹ bảo, cả năm thế nào cũng được, nhưng nhất định Tết đến bếp phải hồng. Từ xa, làn khói trắng nhẹ nhàng len trong gió. Mẹ đang ngồi nhào bột, gói bánh. Xung quanh là lá chuối khô, là bột nếp, mật mía và đậu xanh. Mẹ ngào bột cùng mật mía, thêm chút nước gừng cho thật thơm, thật dẻo để làm bánh mật.
Tiết trời se se lạnh, cắn miếng bánh màu nâu đỏ, dậy mùi gừng, ngọt bùi nhân đậu xanh, mà thấy ấm áp trong lòng. Có năm mẹ còn làm cả chè lam, mứt khế, mứt dừa. Chỉ cần ngửi thấy mùi đường đang sôi, ngả màu vàng sậm rồi chuyển sang khô, là biết mẹ đang sao mứt ở công đoạn nào. Mấy đứa trẻ cứ lăng xăng chạy ra chạy vào, hít hà thứ hương thơm ngọt ngào, quyến rũ. Chờ được nếm những giọt mật còn sót trên đôi đũa xào của mẹ, nhón thử miếng mứt khế dịu chua mà cứ tấm tắc khen ngon.
Món canh măng và mộc của gia đình tôi.
Từ 28 Tết, trong căn bếp nám đầy bồ hóng, xèo xèo tiếng hành phi mẹ nấu món thịt đông mát mịn, nồi măng khô ninh móng giò, từng sợi vàng ươm sóng sánh, và chảo thịt thủ trên bếp đang ngấm gia vị, thơm nức mùi hạt tiêu. Chỉ chờ thịt chín, bì tiết đủ nhựa, mẹ sẽ đổ sang cái mẹt trải sẵn lá chuối tươi để cuộn cây giò. Vừa thoăn thoắt làm, mẹ vừa chỉ cách cho chị em tôi.
Họ hàng thì ở xa, cha không còn nữa, nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc vô bờ, khi căn bếp của mẹ luôn đỏ lửa. Mẹ sợ nhất Tết đến bếp lạnh, tro tàn. Lúc đó, trong ánh mắt của những đứa con thơ, chỉ còn niềm mong mỏi khôn nguôi những ngày tháng cũ. Mẹ muốn thấy mấy đứa cứ quanh quẩn phụ giúp mẹ nhặt rau, rửa lá, đãi đỗ, cùng mẹ chêm thêm khúc củi khô, xem nồi bánh bốc hơi nghi ngút.
Cùng tíu tít kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là chuyện, bên mâm cơm chiều cuối năm. Bởi mẹ biết, có ngày các con sẽ rời mẹ mà đi, như những cánh chim đủ lông đủ cánh, thiên di khắp chân trời.
Mẹ tôi cùng con cháu
Ngày đó cũng đã đến. Tôi theo chồng lập nghiệp bên Đức, hai em trai tôi cũng lấy vợ quê xa. Giáp Tết, các em đều bận rộn công việc ở cơ quan, chỉ còn một mình mẹ tất bật đi chợ chuẩn bị. Em trai tôi thường can ngăn " Mẹ đừng nấu nướng nhiều, bọn con chạy ù ra siêu thị một loáng là xong". Mẹ cười, bảo "Để cho tụi nhỏ có không khí Tết".
Mà đúng vậy, khi bố mẹ vẫn bận bịu với công việc, mấy đứa cháu lại xúm xít bên bà nội tập làm bánh. Cu Bi giúp bà rang vừng, còn cu Ben giúp bà bóc khoai để làm món bánh khoai Lệ Phố. Rồi chụm lại xem bà xếp lá, đổ gạo vào khuôn, gói bánh chưng. Từng cái bánh vuông vức khi tháo khuôn ra, là cả sự thán phục và ngạc nhiên cho bọn trẻ. Mấy đứa thích nhất tự tay gói riêng cho mình một chiếc, cái thì gạo thòi ra, cái thì như nắm cơm có đỉnh. Mùi bánh thơm lừng tỏa khắp gian bếp. Chốc chốc bọn trẻ lại hỏi " Bà nội ơi, bánh sắp chín chưa?". Sự háo hức mong chờ, đầy lên trong ánh mắt.
Ngày cuối năm là ngày mẹ vui nhất, con cháu tề tựu đông đủ, cùng mẹ làm cơm cúng Tất niên. Căn bếp râm ran tiếng nói tiếng cười, tiếng chặt gà, chặt thịt, thái giò, tiếng lách cách xào nấu. Mùi thơm của nem rán, của xôi gấc, của tất cả các món ăn ngon, hòa cùng mùi hương trầm thanh khiết, mùi quả chín trên ban thờ, mùi hoa đào đang bung nở, tạo thành một thứ mùi Tết đặc trưng riêng biệt.
Mẹ sang thăm gia đình tôi bên Đức
Trong không khí ấm áp đó, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm, kể cho nhau về một năm đã qua với những buồn vui hạnh ngộ. Mẹ ăn rất ít nhưng cười nhiều hơn. Nhìn con cháu ngon miệng, là mẹ thấy no rồi. Đôi lúc, trong ánh mắt mờ đục thoáng buồn "Giá như chị con có nhà thì vui biết mấy". Các em tôi cũng biết mẹ đang mong tôi, cô con gái ở nơi xa, chỉ biết gửi nhớ thương vào gió đông trong chiều cuối năm buốt lạnh.
Sáng mồng một Tết, các em đưa cả gia đình về quê vợ mấy hôm. Một mình mẹ thui thủi trong căn nhà trống trải, góc bếp đầu năm lại vắng hơi người. Tôi gọi điện bằng video về chúc Tết và ríu rít kể cho mẹ nghe. Năm nay mai vàng đượm sắc, con cắt được mấy cành cắm ban thờ trông đẹp quá mẹ ơi. Hai đứa nhỏ nhà con, cũng phụ gói bánh chưng được rồi mẹ ạ. Tôi gửi cho mẹ xem hình ảnh những món ăn ngày Tết, gia đình tôi đã làm, nào giò lụa, giò xào, nào thịt đông, canh măng, xôi gấc...chẳng thiếu thứ gì. Mẹ khen " Con ăn Tết ở tây mà to hơn ở nhà rồi". Tôi cười, nói
" Mẹ từng dạy con. Tình yêu luôn đi qua cái dạ dày. Là phụ nữ phải biết nấu ăn ngon, giữ cho căn bếp ấm. Và dù ở nơi xa, nhất định phải nhớ Tết cho các cháu của mẹ mà". Mẹ gật gù đồng tình.
Cành mai Tết ở xứ người
Tôi thấy mẹ bắt đầu bật bếp. Cái dáng tập tễnh vì chân đau, lại cần mẫn chuẩn bị nấu nướng. Ngày mai, các em tôi sẽ ở quê lên để hóa vàng. Giọng mẹ bâng quơ, đủ cho tôi nghe rõ " Nốt ngày mai sum họp, rồi ai lại về nhà nấy. Tết nhanh thật!". Mẹ lặng im pha tiếc nuối.
Tôi đã từng đọc đâu đó, người già hay sống bằng hoài niệm. Nhưng đối với mẹ tôi, bà đong đếm niềm vui bằng những lần cùng con cháu quây quần bên mâm cơm bà nấu. Chẳng biết, còn được bao lần?
Bất chợt, tôi thấy mình thật quá vô tâm, hai mắt tự dưng cay xè. Niềm vui của người mẹ đơn giản vậy thôi, mà đâu phải đứa con nào cũng hiểu. Bỗng nhiên, tôi nói rất to qua điện thoại " Mẹ giữ gìn sức khỏe mẹ nhé. Nhất định Tết năm sau con sẽ về".
Bên căn bếp ấm, mẹ mỉm cười, nụ cười rạng rỡ của mùa xuân, nụ cười chờ mong tôi trở về.
Cánh cửa bếp mở ra, mùi thơm cay nồng từ gừng đang sên trên bếp xộc thẳng vào mũi, bỗng chốc xua tan đi cái rét buốt...