Xúc động ghé thăm những cột cờ miền biên viễn
Trong những chuyến đi đây đó, tôi dành tình cảm đặc biệt cho những cột mốc, những cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Như thể chỉ cần nhìn về nơi ấy để biết rằng mình đang được sống một thời đại hòa bình, tự do đi đến bất cứ đâu trên từng tấc đất non sông.
Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
“Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi anh đầu nguồn con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ” - đó là những câu hát trong bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” mà tôi đã nghe giọng ca Anh Thơ - Việt Hoàn hát từ rất lâu.
Nhưng mãi đến mùa xuân năm nay, tôi mới có dịp được đến thăm cột cờ Lũng Pô thiêng liêng - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Từ thị trấn Sapa mờ sương, chúng tôi đi ngược lên huyện miền núi Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Những ngày đầu xuân, đất trời giao hòa, ven đường hoa đào hoa táo mèo đua nở. Những thửa ruộng bậc thang ở Y Tý đang chờ đổ nước, hứa hẹn một mùa vàng bội thu.
Ruộng bậc thang Y Tý mùa đổ nước
Gặp ngày chợ phiên, cậu em người Lào Cai dẫn chúng tôi vào chợ Mường Hum tham quan. Chợ bán đủ mọi sản vật địa phương, vài bó rau hái trên núi, những chiếc váy sặc sỡ bắt mắt của đồng bào dân tộc. Những em bé vùng cao mắt to tròn nhìn chúng tôi bẽn lẽn.
Những em bé vùng cao ở chợ phiên
Hơn 3 giờ đồng hồ men theo những con đường ngoằn ngoèo ở lưng chừng đèo dốc, chúng tôi đến được với cột cờ Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung. Cột cờ Lũng Pô được khánh thành vào ngày 16/12/2017, là công trình kỉ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Cột cờ Lũng Pô cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3143m, lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đứng từ trên cột cờ nhìn xuống dòng sông Hồng mang nặng phù sa chảy vào đất Việt mới thấy yêu hơn những câu hát ngày nào vẫn thường nghe.
Cột cờ Lũng Pô
Ngã ba nơi suối Lũng Pô hợp lưu dòng chảy với sông Hồng, bờ bên tay trái là Trung Quốc
Sông Hồng mùa nước cạn
Trước đây, khi chưa có cột cờ Lũng Pô, nơi đây chỉ là địa điểm được dân đi “phượt” chú ý vì có cột mốc 92 nằm sát bờ sông, nhìn xuống ngã 3 nơi con suối Lũng Pô hợp lưu với con sông Hồng thành một dòng chảy ra biển. Còn bây giờ, đây đã là địa điểm tấp nập các đoàn xe tham quan, về nguồn, trở thành địa điểm quan trọng trong tuyến điểm du lịch Sa Pa - A Mú Sung - Y Tý - Lào Cai.
Cột mốc 92
Bia thông tin về cột mốc Lũng Pô
Chụp hình kỷ niệm ở Lũng Pô
Cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu Tổ quốc
Vòng bánh xe lăn tiếp tục đưa chúng tôi từ Lào Cai sang Hà Giang – miền đất địa đầu Tổ quốc. Đường từ huyện Bắc Hà sang Hà Giang rất xấu và khó đi, do mỗi năm đều mưa lũ sạt lở, đường làm xong lại xuống cấp.
Từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn mất thêm một ngày chạy xe nữa, nhưng bù lại dọc đường có rất nhiều điểm tham quan không thể bỏ qua: Cổng Trời Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, dinh thự nhà Vương, nhà Pao, thị trấn Phó Bảng… Thế nên mãi đến khi nắng dần tắt, chúng tôi mới đến được cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú
Năm 2010, công trình nâng cấp cột cờ Quốc gia Lũng Cú hoàn thành. So với cột cờ Lũng Pô, công trình này còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, với quy mô bề thế hơn: cột cờ cao 33,15m, diện tích lá cờ 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước, chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn của mặt trống đồng Đông Sơn.
Lá cờ Tổ quốc diện tích 54m2
Bậc thang lên cột cờ
Từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đều mong một lần được đến với điểm cực Bắc thiêng liêng này, tự hào nhìn lá cờ dân tộc, phóng tầm mắt nhìn khung cảnh bình yên của xóm làng bên dưới. Để có ngày hôm nay, biết bao người đã ngã xuống, biết bao xương máu đã thấm vào lòng đất. Cột cờ Lũng Cú đã trở thành một biểu tượng vững chãi khẳng định chủ quyền đất nước, là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc.
Những bản làng dưới chân cột cờ
Chúng tôi nhìn thấy những bạn trẻ mặc áo đỏ vui vẻ chụp hình, nhìn thấy những em bé theo người lớn kiên trì leo từng bậc thang, gặp rất nhiều bác lớn tuổi trên ngực áo nặng trĩu huân huy chương đứng lặng lẽ trang nghiêm ở cột cờ Lũng Cú, mắt rưng rưng xúc động.
Chiều sớm, chúng tôi ghé quán café ở bản Lô Lô dưới chân cột cờ, quán có cái tên cũng thật đặc biệt: café Cực Bắc. Quán do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang xây dựng và giao lại toàn bộ cho gia đình một người Lô Lô quản lý.
Quán café Cực Bắc – điểm ngắm cột cờ không thể bỏ qua
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ quán café Cực Bắc
Từ quán cafe Cực Bắc, chúng tôi nhìn về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh, tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn trong bài 'Chiều biên giới':
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương.
Một niềm cảm xúc tự hào, xúc động dâng lên trong lòng tôi, và chắc chắn là trong lòng tất cả những ai từng đặt chân đến đây.
Hãng chế tác Thụy Sĩ Reuge vừa tung ra video ghi lại âm thanh từ hộp nhạc cơ khí phát bản nhạc “Tiến quân ca“ của nhạc...