Vẻ thanh tịnh ở ngôi cổ tự có khu vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam
Ngôi chùa là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thuộc thiền phái Trúc Lâm của Bắc Giang.
Nằm trên núi Bổ Đà thuộc dãy núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có một ngôi cổ tự thanh tịnh in dấu thời gian với nét kiến trúc độc đáo không lẫn vào đâu được. Đó là chùa Bổ Đà, hay còn được gọi là chùa Bổ.
Chùa Bổ Đà có tuổi đời hàng trăm năm. (Ảnh: quangviet167)
Theo dữ liệu lịch sử, chùa Bổ Đà có từ thời Lý thế kỷ XI cho đến khoảng thế kỷ XVIII thời vua Lê Dụ Tông thì tiếp tục được mở rộng quy mô. Với vị trí bao quanh bởi núi non xanh mượt, phía xa là bóng dòng sông Cầu uốn lượn, không gian chùa lúc nào cũng được phủ sắc thanh bình và tĩnh tại khiến lòng người nhẹ hẳn đi ngay khi vừa đặt chân đến.
Xung quang di tích được bao quanh bởi những ngọn núi cao. (Ảnh: Mai Mai)
Khu di tích chùa Bổ Đà trải rộng với nhiều công trình lớn nhỏ, trong đó những địa điểm chính như chùa cổ Bổ Đà sơn, Tứ Ân Tự, am Tam Đức, vườn tháp và ao miếu.
Ngay từ lối kiến trúc của chùa đã đem lại cho du khách cảm giác thanh tịnh, thoáng đãng, mộc mạc chứ không chú trọng vào sự hoành tráng, nguy nga. Khu di tích cũng có sự khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc với lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” cùng hệ thống tường thành vững chắc.
Dãy tường đắp đất kiểu trình tường xen lẫn hệ thực vật xanh tốt phủ quanh tạo nên không gian thanh tịnh, trong lành. (Ảnh: Việt Đức Trần)
Khung cảnh yên bình bên trong khu cổ tự. (Ảnh: Việt Đức Trần)
Các khu vực trong chùa, từ khu nội tự đến hàng chục dãy nhà lớn nhỏ đều được nối với nhau thông qua các dãy hành lang nhuốm màu rêu phong. Trong khi đó, sân và khuôn viên chùa được bao bọc bởi những bức tường đất cao và dày. Đặc biệt, các bức tường, cổng và một số công trình trong khu di tích được xây đắp bằng kỹ thuật trình tường, tiểu sành vô cùng độc đáo.
Mọi ngóc ngách trong chùa đều toát lên vẻ hoài niệm. (Ảnh: hoangthien2310)
Một gian nhà mang đậm phong cách kiến trúc miền Bắc. (Ảnh: Việt Đức Trần)
Những họa tiết chạm khắc được sử dụng trong kiến trúc của chùa mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với nhiều đề tài tinh tế như hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú…
Hoạt tiết tinh tế điểm tô ở các công trình. (Ảnh: Việt Đức Trần)
Không chỉ gây ấn tượng với kiến trúc, điểm được nhắc nhiều đến khi tham quan nơi đây chính là khu vực tháp tăng nằm trên diện tích gần 8.000m2. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng từng tu hành tại chùa qua các thời kỳ.
Với khoảng 100 ngôi tháp cổ xếp thành từng hàng, từng lớp chặt chẽ, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam.
Khu vực an nghỉ của các cao tăng. (Ảnh: trieuchien)
Mỗi tòa tháp an táng từ 4 - 26 thi hài. (Ảnh: quangviet167)
Ngôi chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Bộ kinh phật khắc trên gỗ thị lưu trữ bên trong chùa Bổ Đà cũng được đánh giá là cổ nhất thuộc dòng thiền Lâm Tế.
Chùa Bổ Đà còn là một địa điểm lý tưởng cho những nhiếp ảnh đam mê kiến trúc cổ. (Ảnh: heritagevna.magazine)
Vừa một di tích lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, chùa Bổ Đà vừa là địa điểm lý tưởng để du khách tìm chút trong lành và yên bình trong tâm hồn giữa không gian tôn giáo thanh tịnh. Cho dù là đến để chiêm ngưỡng, tham quan kiến trúc hay gửi gắm chút phút giây lắng lòng giữa cuộc sống hối hả, trải nghiệm một ngày tại chùa Bổ Đà sẽ không làm du khách thất vọng.
Hàng ngàn lỗ hổng tạo thành trên vách đá cheo leo và mỏng manh, nằm cách thềm thung lũng tới gần 50m khiến người xem có...