Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Huế đằm, Huế động
Trên đường xuyên Việt, nhà thơ U70 đã gặp Huế, một Huế vừa truyền thống, vừa hiện đại, cách tân trong khuôn khổ một khu resort.
Phải dừng thêm một kỳ để nói nữa về Huế.
Để về Huế, tôi đã từng đi rất nhiều phương tiện, nhưng thú nhất là tự lái ô tô. Cái ước mơ ấy hoàn toàn không có khi tôi là sinh viên ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ và cả khi ra trường đi làm được tới... 20 năm.
Mỗi năm về quê một lần là một cuộc hành xác xe đò. Huế và Đà Nẵng có lẽ là 2 địa phương "gìn giữ" kỹ nhất các loại ô tô tối cổ. Những cái Rờ nôn chạy bằng than như những con bọ hung chạy trên đường khiến ai nhìn thấy cũng phải thất kinh, nhưng với chúng tôi, cầm được tấm vé để bước lên những cái xe như thế lại là niềm kiêu hãnh.
Cách đây năm năm, tôi đã một mình một ô tô lái về Huế. Tiếc những người tôi muốn khoe nhất là ba và mẹ tôi thì đều đã mất. Ba tôi mất khi cụ chưa được đi máy bay lần nào. Mẹ tôi thì tôi mời bà đi được mấy lần. Xuống máy bay bà bảo: Chậm hơn đi ô tô. Là bà tính cả thời gian chờ đợi làm thủ tục ở sân bay, và hồi ấy còn chờ transit ở sân bay Đà Nẵng, có khi tới nửa ngày.
Huế có thành thị có nông thôn, có rừng có biển, có nước mặn, nước ngọt và nước lợ, có thị dân và có nông dân, ngư dân... Ngoài những mặt mạnh có sẵn như lâu nay là thành phố văn hóa du lịch lịch sử, thành phố kinh đô, thành phố Festival thì giờ có thế mạnh tiếp theo là sắp tới cả tỉnh sẽ là thành phố trực thuộc trung ương.
Vấn đề cần giải quyết lớn nhất của Huế chính là phát huy sự mâu thuẫn trong hòa hợp. Động trong tĩnh (tôn trọng tĩnh nhưng phát triển hợp lý để xã hội đi lên), Huế thức trong ngủ, Huế tâm linh và khoa học, Huế xưa Huế nay, Huế chậm mà nhanh, Huế khép trong mở...
aNhill Boutique Resort
Hòa hợp được những điều này, Huế sẽ là một thành phố đa dạng, đa sắc đa diện trong một cái khuôn chung đầy bản sắc có sẵn là Huế. Giải mã tâm thức Huế một cách cặn kẽ, thấu đáo cũng là một cách để cùng Huế phát triển.
Văn hóa Huế vừa là động lực để phát triển, nhưng đồng thời cũng là mục đích để vươn tới. Phát triển trên nền văn hóa Huế để Huế không bị lẫn, không bị hòa tan và cũng không tụt hậu.
Và tôi đã gặp Huế, một Huế vừa truyền thống, vừa hiện đại, cách tân trong khuôn khổ một khu resort.
Đấy là khu aNhill Boutique Resort do một chàng trai Huế 26 tuổi làm chủ. Không chỉ làm chủ một cách thông thường, mà chàng trai này nêu ý tưởng, thuyết phục ba mẹ bỏ vốn, ban đầu dự tính chỉ chừng dưới 10 tỉ, và giờ, nghe nói đã tới... 80 tỉ. Tức làm chủ từ ý tưởng, thực hiện và giờ là hoạt động.
Đậm chất văn hóa, một thứ văn hóa bản nguyên, bảo thủ đến lỳ lợm, nhưng có lý.
Nghe nói anh chàng này, tên là Nguyễn Quốc Tiến, thuê cả chục đơn vị thiết kế đều... không ưng. Cuối cùng thì... tự làm, có ông anh họ cùng tuổi là kiến trúc sư ngồi thể hiện ý tưởng của Tiến, và rồi nó thành hình như hôm nay.
Tôi vào nghỉ ở đấy 1 đêm. Từng đi nhiều khu du lịch, khách sạn 4, 5 sao cả trong và ngoài nước, tới đây tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên vì... nó chả đụng hàng với ở đâu cả. Nó vừa sang, vừa cổ kính, lại trật tự, ngăn nắp, nền nếp, đậm chất văn hóa, từ nhà hàng, quầy bar, lối đi tới cái... giường ngủ. Rất cung đình mà lại hiện đại, tiện nghi.
Tốt nghiệp đại học 2 ngành quản trị kinh doanh và kinh doanh nhà hàng, ra trường, Tiến bỏ ra mấy năm chuyên đi du lịch phủi, đặc biệt là Châu Âu và Thái Lan. Biết ba mẹ có một khu đất đẹp định làm homestay ở gần lăng Khải Định, Tiến đã mất hơn 1 năm để nhào nặn ý tưởng với mục đích đem đến cho mọi người một trải nghiệm về resort giải trí, độc đáo nằm ẩn mình nơi xứ Huế thơ mộng. Tháng 8 năm 2018 bắt đầu thi công và năm 2020, dự án được hoàn thiện.
Ngay cái tên "aNhill" cũng là suy nghĩ rất trẻ nhưng chín chắn dẫu có người bảo... khó đọc. Nó là kết hợp giữa truyền thống với nét chấm phá hiện đại. Chữ "aN" là sự an yên của phòng ốc, dịch vụ nơi đây, đem lại cảm giác thân thiện, thoải mái cho du khách tới nghỉ dưỡng tại boutique resort này.
Nét chấm phá với chữ N được viết hoa ngụ ý nơi đây quen thân mà lạ. Sự lạ ở đây đến từ kiến trúc, đồ ăn, dịch vụ cùng những hoạt động giải trí khác mà aNhill đem tới cho khách hàng. Logo của aNhill thì được sinh ra từ sự cách điệu khung cửa chữ Thọ của Huế...
Có những điều hết sức đơn giản nhưng lại gây nhiều bất ngờ đến thích thú, ví dụ, không có số phòng, mà tên khách được lễ tân gắn ngay ở cửa phòng. Toàn bộ gian phòng ở là chốn trú ngụ mà khách luôn phải bất ngờ, từ buồng tắm tới phòng ngủ.
Còn không gian xung quanh, không chỉ là một Huế thu nhỏ, mà là một Huế đang vươn ra. Rất nhiều cây và núi, và hồ. Có thư viện, có phòng gốm, và có cây ngô đồng nổi tiếng được chủ di thực về và chăm hơn chăm... trẻ con, hơn chăm cái hồ cá Koi hơn trăm con suốt ngày nhào lộn...
Bên cạnh cái Vincom dựng đứng khỏe khoắn như một lưỡi lam nhưng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát thì aNhill như một điểm xuyết cho Huế, vừa trữ tình như vẫn, thêm chút hiện đại trong dòng phát triển, để Huế, vẫn Huế mà hơn cả Huế.
Cũng như ai nghĩ, hôm rời Huế, tôi mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới ra khỏi thành phố để tiếp tục hành trình...
Có thể tại tôi xuất phát đúng giờ đi làm...
(Còn tiếp)
Theo chân nhà thơ Văn Công Hùng, ghé thăm làng mai trăm năm tuổi, nổi tiếng bậc nhất xứ Huế mộng mơ.