Phiên chợ hoa văn
Nơi con sông Xia len lỏi từ nguồn núi Pù Hoọc về gặp dòng sông Mã từ miền Tây Bắc ra biển Đông mọc lên một cái chợ. Chợ phiên nên buổi chợ theo mưa theo nắng, chợt tụ chợt tan. Hàng hóa cũng không cố định, nay măng, mai mộc nhĩ...
Chợ Co Lương nhỏ nhắn, đậu bên ngã ba sông và lọt thỏm giữa một vùng có dăm bảy sắc tộc. Co Lương là vạch giới cuối cùng của đất Mường Mùn (nay thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), bên kia sông Mã là lãnh địa của Triều Lê, Triều Mạc kéo dài lên tận Tắn Tèn, Mường Lát biên giới Việt - Lào (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ngả đường xuôi theo sông Mã về đông là Mường Khoòng, Mường Ống, Mường Ai. Ngả đường ngược sông lên là Co Me, Trung Lý, Sài Khao, quá hơn là Mường Sằm của đất nước Triệu voi. Một vùng đa văn hóa bản sắc, nhào trộn trong cái chợ nhỏ hẹp.
Chợ phiên bày bán những sản vật mộc mạc của núi rừng. Ảnh: Dương Vân Anh
Người đi chợ tíu tít từ ba ngả sông tụ lại, từ chợ xuôi theo ba ngả sông đi, tiếng cười và sắc áo lẩn hút vào màu xanh của rừng, lời réo rắt của suối. Ngựa bản Mí lộc cộc nhịp vó, reo sọt chè sao suốt đậm vị núi Trường Sơn. Thuyền bản Chiềng, Hin Chà vừa cập bến, những cum (bó) thóc nương vàng chóa, lùm lụm một góc chợ. Cái độc đáo của mặt hàng này là ở cách bán, họ bán cả cum lúa. Những cum lúa nương được bó lại gọn ghẽ, đều tăm tắp sẽ là gạo thơm, xôi dẻo ngày Tết, là nguyên liệu nấu rượu cần uống xuân.
Những tấm vải thổ cẩm muôn màu muôn vẻ. Ảnh: Dương Vân Anh
Còn đây là thứ nếp thơm vùng Thành Sơn, là thứ lúa giao sinh giữa nếp thơm Mường Lát và nếp đỏ dẻo quánh Mường Sằm. Hai khóm lúa trồng cạnh nhau, thụ phấn cho nhau để thành một giống khác. Cách lai tạo dân gian thật ngoạn mục kỳ lạ, hàng mấy thế kỷ giống nếp cứ tồn tại và tịnh tiến, để đến bây giờ là đặc sản ở chợ Co Lương.
Bầu trời như được vén lên màu xám bạc. Cả một dải chợ sáng tươi thoáng đãng. Các cô gái Thái thu gấp mảnh ni lông đang phủ lên những tấm vải thổ cẩm. Một dãy thổ cẩm muôn màu muôn vẻ. Những cô gái niềm nở với đôi mắt ngọt và lời mời thơm “Mời anh cứ xem, không mua cũng chẳng sao cả”. Mặt người, mặt vải đẹp như hoa. Mặt người trắng nõn, thổ cẩm rực rỡ, vải làm đẹp cho người, người làm ra vải đẹp.
Sắc màu rực rỡ của những họa tiết thổ cẩm của người Thái ở thung lũng Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nguyễn Thị Bình An
Nói không ngoa, thổ cẩm Thái Mường Mùn đạt đến độ tinh xảo, đa dạng. Thuở trước, đàn bà, con gái dệt vải may quần áo, chăn đệm, làm của hồi môn cho con gái, của để dành cho những việc hiếu hỉ, tín ngưỡng, rất hiếm khi họ đem ra bán hoặc trao đổi. Các cô gái Thái ngày nay, vẫn cái nết chăm chỉ dịu hiền ấy, đã tiếp nối truyền thống canh cửi ông cha, hơn thế nữa còn đẩy mạnh những giá trị của nó trong đời sống cộng đồng. Hàng thổ cẩm Mai Châu phấp phới bay trên mọi ngả đường. Khách du lịch nước ngoài thăm thung lũng Mai Châu, thích thú mãn nguyện khi mua những tấm thổ cẩm làm quà lưu niệm.
Giữa chợ đời ồn ào hối hả, một tiếng khèn bỗng ngân lên xao xuyến. Người thổi khèn là một người đàn ông trạc lục tuần. Ông vừa đi vừa thổi, từ đầu chợ đến cuối chợ lại vòng lên, trên vai ông khoác lủng lẳng vài chiếc khèn bè bằng nứa. Bảy đôi nứa như bảy đôi trai gái/ Chung tiếng yêu kết nhau lại thành bè. Ông hát thế, tiếng rao bán khèn của ông bằng lời hát. Thời trai trẻ ông cưới được vợ chắc hẳn cũng từ tiếng khèn này. Trong tình sử Thái, chuyện bắt đôi tìm bạn luôn được bắt đầu bằng tiếng khèn da diết ngoài sàn trăng.
Cách chợ dăm chục bước là bến thuyền sông Mã. Nắng trưa giục khách rời phiên chợ, lòng thì muốn nấn ná ít lâu. Nhưng thuyền đã đẩy mái, xuôi Phú Lệ, Mường Ánh, ngược Tân Hương, Mường Lát. Tiếng hò, tiếng khắp trên sông nước lại vang lên vòi vọi. Lời khắp tiễn đưa giã bạn như níu kéo bước chân, bước tiến lại bước lùi...
Hoa úm áo dọc đường muốn bung nở lắm rồi. Mùa xuân căng phồng trong nụ, mùa xuân căng phồng trong tôi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu hiện là phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM. Gắn...