Một thoáng hương xưa trên miền đất tài tử
Cho tới khi về đến TP.HCM kết thúc chuyến đi vỏn vẹn 36 giờ ở TP Bạc Liêu, câu hát trong bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vẫn bám theo nghe thao thiết kỳ lạ: “Biết bao thuở đó đây sum vầy?/ Duyên sắt cầm đừng lạt phai/ Là nguyện cho chàng/ Hai chữ an bằng an/ Trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi”.
Trăm năm vọng lại tiếng đờn
Tận bây giờ cũng khó ai biết được nguồn gốc hai chữ “Bạc Liêu”. Có khá nhiều giả thuyết về miền đất này, là nơi có đạo quân của người Ai Lao - Lào trú quân: Poanh Liêu - Bạc Liêu, hay gần hơn khi có những người Triều Châu phương Bắc trốn tránh nhà Thanh di cư vào tận đây làm nghề đi biển chài lưới đánh cá - đọc “Pô léo”- người Pháp vào phiên ra thành Phêcheri-chaume, nghĩa là đánh cá và cỏ tranh - Tiếng Việt thành Bạc Liêu. Một thuyết khác, Bạc Liêu - là “Cây đa cao” tiếng Kh’Mer là Po Loenh…
Có một sự thú vị đến kỳ lạ, “thủ phủ” của Bạc Liêu - TP Bạc Liêu, là một miền đất đa địa hình, có ruộng, có đầm lầy, có sông, có biển, và rất nhiều ao, hồ, mương, rạch... Không biết có phải vì thế mà con người ở miệt này mang trong mình đầy đủ tính cách đại diện đặc trưng của người Nam bộ: Hào hiệp, hào phóng, hào sảng, hào nghĩa, hào tình, và đặc biệt hào hoa lãng tử. Nơi đây là cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, và cũng nơi đây đã tạo nên một huyền thoại lừng danh cả lục tỉnh phương Nam “Công tử Bạc Liêu”.
Quảng trường trung tâm thành phố với biểu tượng cây đờn kìm và nhà hát hình nón lá
Đến TP Bạc Liêu, gần như ai cũng biết đây là miền đất di sản của “Đờn ca tài tử Nam bộ” với những “Thầy Đờn”- danh cầm tài hoa. Ở miệt đất nào lãng mạn như nơi đây, khi ngay chính quảng trường trung tâm thành phố dựng biểu tượng là cây đờn kìm và nhà hát mang hình ba chiếc nón lá. Khi mặt trời vừa buông những ánh nắng sau cùng của ngày, cây đờn kìm sáng lên lộng lẫy với bảy sắc màu, tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo.
Bất chợt đâu đó xung quanh văng vẳng khi gần khi xa phiêu ảo những giai điệu từ hơn trăm năm trước 10 bản Khách - còn gọi “Thập thủ liên hườn” (liên hoàn) của nhạc sư - danh cầm Trần Quang Quờn: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên.
Lại nghe rộn rã như một ban nhạc tài tử có tiếng đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn tỳ bà, đờn tam, đờn độc huyền, lục huyền cầm, sáo, tiêu, song loan, đang trình tấu bộ “Tứ bửu”: Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê, của nhạc sư Lê Tài Khị, giới Tài tử - Cải lương miền Tây tôn là hậu Tổ nhạc tài tử Nam bộ, người hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản tổ.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892- 1976), một học trò cưng của nhạc sư Lê Tài Khị, tại P.2 TP Bạc Liêu, nơi an nghỉ cuối cùng của ông và cũng là nơi lưu giữ một phần lịch sử của “Đờn ca tài tử Nam bộ”. Đứng dưới chân bức tượng ông ngồi cầm cây đờn kìm, phía sau lưng là bức tường đá xanh chạm khắc bài “Dạ cổ hoài lang”- tiền thân của bài Vọng cổ nhịp 32 sau này, chợt như nghe câu ca “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng”, sao mà thao thiết cả tâm can.
Ở nơi này, hàng năm từ 13-15/8 âm lịch diễn ra Lễ hội Dạ cổ hoài lang để tưởng nhớ ông, và khách bốn phương nếu yêu “Đờn ca tài tử Nam bộ” hãy ghé đến, để lắng mình vào những giai điệu hồn cốt phương Nam.
Hương xưa hoài cổ
Cả trăm năm nay, nhắc đến Bạc Liêu, mọi người nghĩ ngay đến “Công tử Bạc Liêu” với những giai thoại hư thực về chuyện ăn chơi xa xỉ, xa hoa của công tử con nhà. Dinh thự của gia đình “Công tử Bạc Liêu”, tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, P3, TP Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu, mang kiến trúc phương Tây sang trọng, hoa lệ, được xây dựng từ năm 1917- 1919.
Hơn 100 năm, dinh thự vẫn giữ được nét vàng son lộng lẫy mà tinh tế thuở đầu, trần nhà chạm trổ cực tinh xảo, mỗi cây cột cũng được đắp nổi hoa văn trang nhã, nội thất cực sang trọng, từ những đồ gỗ cẩn xà cừ như bộ bàn xoay “tam Lân”, chiếc bàn “Tượng bành”, chiếc sạp “tam Thành”, đến đồ gia dụng toàn gốm sứ men lam quý báu, đồ sứ châu Âu sang quý…
Đứng bên cạnh chiếc máy hát cổ với cái loa hình bông huệ Tây cách điệu, nghe diệu vợi, chơi vơi, man mác khúc nhạc “Hương xưa”, “Hoài cảm” của Cung Tiến: “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ/ Dù đã quên lời hẹn hò/ Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha/ Chờ đến bao giờ tái sinh cho người…”, “Thời gian tựa cánh chim bay/ qua dần những tháng cùng ngày/ còn đâu mùa cũ êm vui?/ nhớ thương biết bao giờ nguôi?”.
Một thời hoàng kim đã thành quá khứ, chỉ còn lại hương xưa hoài cổ để người đời sau chiêm ngưỡng, ngậm ngùi. Và du khách nếu muốn được trải nghiệm cái thú làm “công tử”, “tiểu thư”, có thể ngủ lại một đêm trong những căn phòng sang trọng đầy đủ tiện nghi của dinh thự này…
Phòng khách dinh thự Công tử Bạc Liêu
Chỉ mất chưa đầy 10 phút chạy xe từ đường Cao Văn Lầu, là đến cánh đồng điện gió, nằm tại vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, một thắng cảnh mới độc lạ và đẹp như ở trời Tây, xây dựng từ năm 2010, là dự án điện gió đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam với những cánh quạt khổng lồ quay chầm chậm in vào nền trời xanh ngắt, xung quanh là rừng ngập mặn với các cây mắm, đước, vẹt…
Con đường đi tới đây lại đi qua hai điểm danh thắng đẹp như thần thoại, cổ tích, là vườn nhãn cổ và chùa Xiêm Cán. Vườn nhãn có tuổi trên trăm năm, trải dài từ Hiệp Thành đến Vĩnh Trạch Đông, cây mang hình dáng uốn éo cổ quái, nhìn xa xa, có chút ảo giác, như những thần mộc đang cùng các sơn nữ trong một điệu luân vũ mê mải kỳ ảo. Thích nhất là khi vào vườn, bao bọc xung quanh là hương thơm ngọt của nhãn chín, đưa tay lùa vào những cành thấp, hái trái, muốn mê lịm trong vị ngọt thơm thần tiên.
Chùa Xiêm Cán. Ảnh: Hàm Yên
Chùa Kh’Mer Xiêm Cán được xây từ năm 1887, là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và lớn nhất miền Tây, rộng gần 5.000m2, trước có tên là Komphirsakor Pret Chru- sông sâu, sau được đổi thành Xiêm Cán - giáp nước, ý là chùa bên cạnh bãi bồi ven biển. Tất cả các hạng mục trong quần thể chùa đều được xây dựng quay về hướng đông, theo quan niệm của Phật giáo Kh’Mer, là con đường tu hành thành chánh quả của Đức Phật đi từ Tây sang Đông.
Chùa Xiêm Cán. Ảnh: Hàm Yên
Khuôn viên chùa có mấy chục tượng Phật lớn nhỏ diễn tả các thời kỳ hóa thân của Đức Phật, trong chánh điện, toàn bộ các bức tường và trần đều trang trí các bức bích họa, phù điêu kể về cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra và thành chánh quả. Chùa là điểm du lịch tâm linh của cư dân miền Tây, đặc biệt vào những dịp lễ hội lớn của người Kh’Mer như Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Sêne Đôlta (cúng ông bà), Ok Om Bok (cúng trăng).
Những món ăn bình dị, mặn mòi
TP Bạc Liêu còn níu chúng tôi bằng những mỹ vị nhân gian, bình dị mà thấm đẫm đậm đà, ngọt ngào sông, mặn mòi biển “chất” Bạc Liêu. Từ lẩu mắm cá sặc cùng nước dừa tươi, thơm sả và tỏi phi, kèm theo hàng chục loại rau lá hoa của miệt này, hay bún nước lèo nấu trong nồi đất, giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm, ăn kèm bắp chuối giá, lá quế..., thêm mực tươi, thịt heo quay, bánh cống... Tới ba khía “bảy món”: ba khía chua ngọt, ba khía rang me, ba khía rang muối, gỏi ba khía, mắm ba khía, ba khía nấu riêu, ba khía hấp bia.
Lẩu mắm. Ảnh: Du lịch Bạc Liêu
Dưa bồn bồn là một đặc sản của Bạc Liêu, ngoài xào tỏi hay xào với thịt heo- bò- gà- tép.., nấu canh chua cá, làm gỏi, thì bồn bồn muối là một món ngon bình dân mà khá sang chảnh bởi màu trắng nuột nà, vị chua ngọt dịu dàng, dai giòn của cọng dưa rất “bắt”. Xá bấu hay còn gọi là củ cải muối, món đặc sản của người Hoa Bạc Liêu, ngon nhất khi kết hợp cùng với cháo trắng, hay cháo đậu đỏ nước cốt dừa.
Mắm ba khía.
Bánh củ cải, được làm từ bột mì và bột củ cải làm vỏ bánh với nhân tôm, tép, thịt nạc heo trộn đậu xanh ướp gia vị rồi xào chín. Bánh tằm bột gạo xe sợi, trộn thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn, ăn cùng viên xíu mại, thịt ba rọi, bì heo, gan heo, củ sắn, thêm dưa leo xắt nhỏ, rau thơm, giá sống, nước sốt cà chua, nước mắm chua ngọt, nước cốt dừa...
Bún bò cay
Và một món chưa ăn chưa phải đã đến thành phố này, món ăn đã được lưu bản đồ du lịch của các hãng lữ hành quốc tế, Bún bò cay Ánh Nguyệt có tuổi mấy chục năm. Hương vị cay nồng của ớt, mùi thơm của các loại gia vị như sả, hồi, quế... hòa quyện với nước lèo đậm đà, sóng sánh ánh đỏ, ngọt lịm chất xương, thịt bò mềm dai giòn.., vừa ăn vừa chảy nước mắt xuýt xoa cay, nhưng ngon đến không cưỡng được.
Thoáng hương xưa miền đất tài tử chỉ như chút gợi để rồi một hẹn hò sẽ trở lại nhiều hơn, để Bạc Liêu là cái tên thương tên nhớ. Và câu thơ “giã bạn” của một “tài tử” miệt này, anh Hai Thúy, cứ như neo vào chúng tôi cái tình cái nghĩa của người Bạc Liêu đến vương vấn hoài:”Thêm lần đến, thêm lần thương/ Chắc cũng nhờ duyên bác Sáu/ Đi, Yêu, Viết… miền yêu dấu/ “Người ở đừng về…”./.
Bạc Liêu không chỉ là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ mà còn có hệ thống kiến trúc tín ngưỡng như Chùa...