Bạc Liêu bứt phá từ các sản phẩm du lịch văn hóa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tài nguyên văn hóa bản địa dồi dào, độc đáo tại Bạc Liêu đang được địa phương tận dụng để đưa ngành du lịch bứt phá.

Bạc Liêu bứt phá từ các sản phẩm du lịch văn hóa - 1

Gần 5 năm qua, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu dần tạo được “chỗ đứng” trong lòng du khách. Điều đó đã khẳng định rằng, Nghị quyết 11 năm 2018 của tỉnh đã trở thành hiện thực, khi địa phương mạnh dạn đề ra những mục tiêu mang tính vươn cao, đó là xác định đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng.

Để đặt ra con số như trên, Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định tận dụng những tài nguyên văn hóa bản địa phong phú để ngành du lịch bứt phá. Bạc Liêu là vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống độc đáo.

Sản phẩm du lịch đạt OCOP đầu tiên ở miền Tây

Nhiều năm qua, du lịch được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu và chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương này xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế, là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, du lịch Bạc Liêu đã có sự “chuyển mình” mạnh mẽ.

Bạc Liêu bứt phá từ các sản phẩm du lịch văn hóa - 2

Hiện nay, Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để đạt được điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó, phải kể đến việc tỉnh đã tích cực làm mới sản phẩm du lịch, xác định cụ thể định hướng phát triển sản phẩm du lịch để có hướng đầu tư và khai thác có trọng tâm, trọng điểm, cũng như tạo tiền đề liên kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Đây là con số nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Bạc Liêu cũng đã xác định một số sản phẩm du lịch trọng tâm, đặc biệt để khai thác những giá trị văn hóa đặc trưng, nhằm hình thành những sản phẩm đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, như du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang, của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bạc Liêu được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong những “cái nôi” của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Vì vậy, tỉnh đang tập trung khai thác phát triển Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là sản phẩm du lịch vừa được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, và là một trong những sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP đầu tiên của khu vực ĐBSCL.

Khát vọng vươn lên

Không chỉ là cái nôi của đờn ca tài tử, để hình thành nên sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP 4 sao, du lịch Bạc Liêu còn gắn với những giai thoại và giá trị “hào sảng” của Công tử Bạc Liêu. Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu cũng là điểm đến, là sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bạc Liêu bứt phá từ các sản phẩm du lịch văn hóa - 3

Ngoài ra, du lịch Bạc Liêu còn gắn với các sản phẩm liên quan đến văn hóa tâm linh, các cơ sở tôn giáo nổi tiếng được đông đảo du khách tham quan, chiêm bái, như Quán âm Phật Đài, chùa Hưng Thiện, nhà thờ Tắc Sậy...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, thông qua Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2022, địa phương đã giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch và tiềm năng, thế mạnh của xứ sở Công tử Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Nhất là thu hút đầu tư, thu hút du khách đến với Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thì cho rằng Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2022 với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đã mang đến cho du khách cái nhìn rõ nét hơn về đặc trưng văn hóa và tiềm năng du lịch, tiềm năng đầu tư của Bạc Liêu - xứ sở được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, gắn với hình ảnh Công tử Bạc Liêu nức tiếng xa gần.

“Đan xen với các sự kiện văn hóa - du lịch, Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thể hiện tinh thần năng động và khát vọng phát triển của quê hương Bạc Liêu”, ông Thiều chia sẻ.

Thành công lớn nhất của chuỗi sự kiện năm 2022 ở Bạc Liêu không chỉ là thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn có Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Bạc Liêu - Tiềm năng và khát vọng phát triển”. Tại hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng. Đồng thời, đã có 9 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện thủ tục đề xuất 14 dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, với tổng vốn đăng ký trên 166.000 tỷ đồng.

“Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã công bố danh mục 195 dự án trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục để mời gọi đầu tư. Đây chính là tiền đề rất quan trọng, là nền tảng để Bạc Liêu bứt phá vươn lên, nhằm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của khu vực ĐBSCL”, ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Duy Khang | Ảnh: Duy Khang, Thanh Cường

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.