Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đặt mục tiêu xây dựng đô thị xanh theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện, nghĩa tình
Nằm trên vùng đất hiền hòa, thơ mộng bên dòng sông ĐăkBla trong xanh chảy ngược, thành phố Kon Tum là nơi hội tụ của 35 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc bản địa.
Thành phố có tổng diện tích tự nhiên 43.601ha, dân số trên 183.000 người. Với vị trí địa lý chiến lược ở khu vực Bắc Tây Nguyên, thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng - an ninh và là vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum.
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc thành phố Kon Tum đồng lòng, dốc sức vươn lên bằng chính nội lực của mình, giành được nhiều thành tựu quan trọng, vun đắp niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng trở thành một thành phố phát triển ngày càng giàu đẹp.
Cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được địa phương chú trọng gìn giữ, bảo tồn. Giữa nhịp sống của đô thị hiện đại, trong lòng thành phố Kon Tum vẫn còn hiện hữu những không gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa như: BahNar, Ja Rai... với những phong tục tập quán tốt đẹp luôn được giữ gìn, phát huy, đây là nguồn tài nguyên phong phú cho du lịch cộng đồng đang từng bước phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với thành phố Kon Tum.
Đến nay, thành phố Kon Tum đã có 02 làng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận “Làng du lịch cộng đồng” (làng Kon Kơ Tu và Kon Jơ Ri thuộc xã Đăk Rơ Wa), ngoài ra còn có rất nhiều điểm du lịch trên địa bàn thành phố để du khách đến và trải nghiệm.
Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP Kon Tum, cho hay để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, địa phương tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí trung tâm của tỉnh và tiềm năng, nguồn lực của địa phương; phát triển đô thị theo hướng ba đường vành đai, 6 vùng phát triển; hình thành các trung tâm đô thị được gắn kết bằng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện và hiện đại.
Thành phố Kon Tum phát huy tối đa bản sắc văn hóa, lợi thế, tiềm năng tự nhiên để hình thành cấu trúc đô thị kết hợp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống hạ tầng diện rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài.
Phát triển thành phố Kon Tum ngoài tính chất là đô thị tỉnh lỵ, còn là trung tâm thương mại - tài chính, là cầu nối giữa các địa phương trong giao thương, kết nối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ; đồng thời là trung tâm du lịch, dịch vụ, gắn kết các tour du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đầu tư phát triển các khu đô thị mới nhằm mở rộng không gian đô thị theo hướng: “Lấy dòng sông Đăk Bla làm trung tâm, làm xương sống để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch”. Phát triển các khu đô thị mới theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng dọc hai bên bờ sông Đăk Bla.
Theo ông Mân, phát triển thành phố Kon Tum tạo sự lan tỏa và thúc đẩy phát triển liên kết các vùng, địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng mối liên hệ trong chuỗi cung ứng “vùng nguyên liệu - vùng chế biến, sản xuất - vùng tiêu thụ” với các vùng kinh tế động lực khác là các vệ tinh phát triển trong nhiều lĩnh vực; đặc biệt là thương mại - du lịch - dịch vụ. Đặc biệt, địa phương tiếp tục duy trì kết nối về du lịch - dịch vụ giữa thành phố Kon Tum với các đô thị trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và định hướng kết nối với các thành phố lớn khác trên cả nước.
Thời gian tới, Thành phố Kon Tum phát triển kinh tế đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện, nghĩa tình.