Tăng hành trình du lịch lên rừng - xuống biến, tăng chuyến bay kết nối là những giải pháp nhằm phát triển du lịch giữa các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên…
Sáng 20/12, tại TP. Kon Tum (Kon Tum), 6 tỉnh Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên và Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch và bàn phương hướng. triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo 6 tỉnh;;Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch các tỉnh; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành; đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Năm 2023, ngành du lịch tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tổng lượt khách du lịch đến các địa phương tăng cao, hình thành nhiều tour, tuyến đặc trưng, hấp dẫn của từng địa phương.
Trong đó, tỉnh Bình Định đón 5 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 16.400 tỷ đồng. Tỉnh Đăk Lăk thu hút hơn 1,1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 925 tỷ đồng. Gia Lai thu hút 1,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng, Kon Tum thu hút trên 1,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 520 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Yên thu hút 3,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.900 tỷ đồng.. đều tăng mạnh so với năm ngoái. Quảng Ngãi thu hút trên 1 triệu lượt khách (tăng 64% so với 2022), doanh thu du lịch ước đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, ngành du lịch 6 tỉnh đã triển khai có hiệu quả hoạt động liên kết, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn và dài hạn, hoạt động du lịch, tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến và chính sách đối với cộng đồng, doanh nghiệp; trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch…
Các địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các cấp quản lý về du lịch, góp phần đưa ra những định hướng xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch các tỉnh kết nối tour hiệu quả hơn.
Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như hoạt động tuyên truyền, quảng bá giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ và liên tục trong hoạt động liên kết; chưa có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá chung xuyên suốt theo từng năm; chưa hình thành tour du lịch chung 6 tỉnh mang đặc sắc riêng của mỗi địa phương; chưa liên kết tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung giữa các địa phương tạo thành chuỗi sự kiện, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng liên kết phát triển du lịch, làm rõ những khó khăn, thách thức mà các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch cần giải quyết; giải pháp xây dựng các chương trình tour, tuyến điểm du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của 6 tỉnh nhằm tăng cường công tác thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; phát huy vai trò liên kết, hợp tác của 6 tỉnh đối với xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch trong chiến lược chung của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề xuất xây dựng chương trình hành động, hành trình tour du lịch lên rừng, xuống biến…, tăng chuyến bay kết nối với các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên… nhằm tiếp tục tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tới.
Hội nghị cũng giới thiệu các chương trình hoạt động/sự kiện, lễ hội tiêu biểu trong năm 2024 của 6 tỉnh: Kon Tum, Bình Định, Đak Lak, Gia Lai, Quảng Ngãi và Phú Yên; thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm về hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh năm 2024, đồng thời chuyển giao nhiệm vụ Trưởng nhóm cho UBND tỉnh Bình Định vào năm 2024.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam, chia sẻ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gồm: Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên và Quảng Ngãi là khu vực có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Nhiều điểm du lịch của 6 tỉnh được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như: Bản Đôn (tỉnh Đăk Lăk), thủy điện Ialy, Biển Hồ - Hồ Tơ Nưng (Gia Lai), Khu du lịch sinh thái Măng Đen (tỉnh Kon Tum), Cù lao xanh, Eo Gió (tỉnh Bình Định), Ghềnh đá đĩa, Hòn Yến (Phú Yên), bãi biển Mỹ Khê (tỉnh Quảng Ngãi)…
Đặc biệt, không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện nhân loại là một lợi thế trong thu hút khách du lịch đến với vùng miền Trung – Tây Nguyên, cần được chú trọng khai thác phát triển.
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch là hoạt động ý nghĩa trong việc phát triển du lịch chung của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần phát huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương, khai thác nguồn lực hợp lý, tạo động lực phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương.
“Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt giữa các quốc gia ASEAN và trong khu vực Châu Á, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng, tạo ra những sản phẩm độc đáo có sức cạnh tranh cao, đưa ngành du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương và đất nước”, ông Phúc nhấn mạnh.