Làng du lịch mới ở Kon Tum
Đây là nơi sinh sống của hơn 120 hộ gia đình người dân tộc Gié Triêng. Làng còn lưu giữ nhiều lễ hội cũng như nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng Đăk Răng còn lưu giữ các nghề truyền thống, trong đó có dệt thổ cẩm. Ảnh: HL
Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng vừa được công nhận điểm du lịch tại Quyết định số 671/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Hiện nay, làng Đăk Răng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc, giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống của dân tộc Gié Triêng. Làng có nhà trưng bày sản phẩm truyền thống của 17 dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nằm ngay cạnh nhà rông của làng và không gian trưng bày các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Gié Triêng trong khuôn viên nhà ở của già làng, nghệ nhân ưu tú A Vẻ.
Làng còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: Tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ độc đáo; các hoạt động văn hóa, như cồng chiêng, múa xoang. Một số hộ gia đình trong làng đã kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, tổ chức phục vụ, hướng dẫn du khách tham quan các hoạt động văn hóa tại làng…
Trên cơ sở thực tế và căn cứ các điều kiện công nhận điểm du lịch theo quy định tại Luật Du lịch 2017 và Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, Tổ thẩm định đánh giá Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng đạt các tiêu chí: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Đây là điểm du lịch nhiều tài nguyên, rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, nghiên cứu tìm hiểu về văn hóa.
Tại đây có một số hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Sau khi làng Đăk Răng được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, địa phương sẽ thành lập Câu lạc bộ văn nghệ dân gian để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Gié Triêng, liên kết cộng đồng Gié Triêng ở các thôn, làng trên địa bàn để làm du lịch, tổ chức truyền dạy tiếng nói Gié Triêng cho thế hệ trẻ.