Chỉ cách thủ đô chưa đầy 100km, Đà Bắc - Hoà Bình khiến nhiều du khách ngạc nhiên bởi lưu giữ được nhiều ngôi làng nguyên bản và những danh thắng hoang sơ. Cũng ở nơi đây, nhiều điểm đến đang phát triển theo hướng du lịch cộng đồng ngày càng nhận được nhiều sự yêu thích của người ưa trải nghiệm.
Đà Bắc còn lưu giữ nhiều nét hoang sơ
Du lịch vùng núi trong mùa đông đang là xu hướng của người TP.HCM, Hà Nội. Dịp này mỗi năm, hàng ngàn người thi nhau chia sẻ những tấm ảnh cực đẹp về phong cảnh hồ nước mênh mông soi bóng núi hay những “tiên nữ" thả mình trên nước như ở Maldives, tại nơi cách Hà Nội chưa đầy 2 giờ chạy xe.
Những khu nghỉ an lành
Hơn 2 năm trở lại đây, Xoan Retreat ở xóm Mơ, xã Hiền Lương, Đà Bắc, Hoà Bình đang nổi lên trong cộng đồng du lịch Hà Nội bởi vẻ đẹp thuần khiết, nhiều người ví von như khu “Six senses” miền Bắc.
Khu nghỉ nằm ngay bên bờ hồ Sông Đà mênh mông sóng nước. Thấp thoáng trong rừng cây là những ngôi nhà sàn được thiết kế tinh tế, vừa giữ lại nét truyền thống vừa đảm bảo sự tiện nghi.
Ké Retreat
Gần hơn Xoan Retreat khoảng 20 phút về phía trung tâm thị trấn, Ké Retreat ở ngay đầu xã Hiền Lương như một làng dân tộc thu nhỏ với nhiều nếp nhà gỗ từ ven hồ lên đỉnh đồi. Trong “làng" Ké, ở vị trí triền đồi nhìn ra hồ nước lớn là đan xen những ngôi nhà sàn kiểu người Mường hay nhà gỗ của người Dao.
Một góc bản Sưng
Ngoài Xoan hay Ké, Đà Bắc giờ còn có Maida Lodge ở xã Tiền Phong theo phong cách nhà ngói tinh tế, sang trọng mang phong cách Bắc Bộ. Nằm ẩn mình trong một bản làng xinh xắn bên hồ Hòa Bình cách Hà Nội chừng 120km, với kiến trúc gạch mộc mạc, Maida Lodge như một nét chấm phá nổi lên giữa màu xanh bạt ngàn của tre trúc.
Bên cạnh một số khu nghỉ cao cấp mới xây dựng, các khu homestay giữa bản làng như Hữu Thảo, Khanh Hà, Sắc Luyến, Sánh Thuấn ở xóm Ké, xã Hiền Lương hay bản Sưng ở xã Cao Sơn là những điểm đến được nhiều người yêu thích bởi sự hoang sơ, trong lành và giàu tính bản địa. Ở đây, du khách dễ dàng tìm được những homestay đúng theo mô hình khách ở cùng người nhà, dân dã, hòa mình, trải nghiệm cuộc sống vùng cao Tây Bắc.
Bản hòa ca của núi và nước
Hồ Sông Đà là viên ngọc bích khổng lồ ở vùng Tây Bắc với vẻ đẹp hùng vĩ của núi và mênh mông nước, nhiều người ví đây như vịnh Hạ Long ở Tây Bắc. Nước hồ sâu 30 - 40m trong xanh, bao bọc bởi núi.
Đà Bắc bốn mùa đều đẹp. Ảnh: Trọng Đạt
Bốn mùa ở Đà Bắc đều đẹp, ngay cả mùa đông, khi những cơn gió mùa ùa về là lúc các triền đồi vàng rực hoa dã quỳ. Các khu nghỉ như Ké Retreat, Hữu Thảo homestay hoa dã quỳ khắp nơi, khiến du khách tưởng như Đà Bắc đã trở thành một Đà Lạt ngay kề Hà Nội.
Vào buổi chiều tà, trên các homestay lưng chừng đồi, các chủ khu nghỉ thường chuẩn bị một khay trà, cùng du khách thả hồn ngắm tia nắng cuối ngày thả dài trên sóng, ngắm những đàn chim về tổ, ngắm khói lam chiều. Tất cả chìm dần vào khung cảnh rừng núi nguyên sơ. Trải nghiệm đó giúp tâm hồn con người thư thái, cảm nhận rõ hơn sự “tĩnh" của đất trời - một cảm giác mà những tháng ngày ở phố thị gần như không thể nào có được.
Cái lạnh của miền núi là chất xúc tác gắn kết con người với nhau. Tối tối du khách quây quần bên bếp lửa, thưởng trà, ăn cá hồ mới bắt nướng trên than hồng, thưởng thức thịt lợn bản nướng với hạt dổi hay mắc khén thơm lừng cánh mũi. Đó là những cảm xúc đặc biệt mà chỉ khi xa chốn đô thị, trở về với thiên nhiên, với bản sắc văn hoá người ta mới có thể trải nghiệm.
Bản sắc văn hoá hút khách miền xa
Bản Sưng ở xã Cao Sơn là điểm dừng chân tuyệt vời cho những người muốn khám phá văn hóa bản địa. Với ngôi làng truyền thống của người Dao Tiền có vài trăm năm tuổi, bản Sưng thu hút du khách bởi sự tĩnh lặng và bản sắc.
Ở Sưng, du khách thực sự được hòa mình cùng cuộc sống của người dân, họ có thể theo người dân bản địa vào đồi chè cổ thụ hái búp chè từ những cây chè cả trăm năm tuổi đường kính gốc cây 1 người ôm không xuể. Người dân cũng sẵn lòng cho bạn đi cùng đi hái lá thuốc về đun lên ngâm tắm để có làn da hồng hào, khỏe đẹp như làn da người phụ nữ Dao Tiền.
Những ngôi nhà ở bản Sưng
Từ xóm Sưng ở Cao Sơn đến xóm Ké ở Hiền Lương, du khách luôn có cơ hội được thưởng thức các điệu múa truyền thống của người dân. Các bà, các chị ở mỗi bản du lịch đều tập hợp thành đội văn nghệ và biểu diễn các điệu múa truyền thống quê hương khi có du khách muốn thưởng lãm.
Ẩm thực nồng nàn dư vị bản địa
Ẩm thực là một nét đặc trưng của văn hóa ở Đà Bắc, là điểm hấp dẫn khiến nhiều du khách đến rồi muốn quay trở lại. Với nguồn thực phẩm hầu hết được nuôi trồng tự nhiên: cá dưới hồ, lợn thả rông trên núi, gà đồi, người các dân tộc Mường, Dao, Tày lại có thêm những bí quyết riêng trong chế biến, nên các món ngon ở đây luôn làm nức lòng khách đến và quyến luyến khi ra về.
Trong tiết trời se lạnh, khách xuýt xoa với món thịt gà nấu măng chua; cá nướng, thịt trâu lá lồm. Người Mường ở xóm Ké, xã Hiền Lương nấu xôi cẩm tuyệt ngon, gạo nếp nương ngâm trong lá cẩm, đồ trên chõ đồ bằng gỗ gọi là cốp làm cho hạt gạo dẻo, thơm.
Cá hồ sông Đà có cá lăng, cá trắm, người dân từng câu được những con cá trắm 15 - 20 kg, thịt dày, chắc, mình cá hấp hoặc nướng, đầu cá nấu măng chua cho chút hạt dổi để lại dư vị khó quên.
Chưa kể, ở Đà Bắc còn có nhiều đặc sản khó tìm ở nơi khác như: rượu thóc, rượu Hoẵng hay món thịt chua ủ tới 3 năm của người Dao Tiền ở xóm Sưng. Cũng chỉ tới đây, người dân sẽ được thưởng thức món cá nướng hạt dổi với cách ướp gia vị “có một không hai" của người bản địa.
Và những cơ hội mới cho dân bản
Với sự đầu tư của ban lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc, bản đồ du lịch huyện đã khép kín đường ô tô đi lại thuận tiện, từ những khu nghỉ dưỡng bên hồ đến bản Sưng trên núi, du khách có thể dễ dàng kết nối trong vòng 1 tiếng đồng hồ di chuyển.
Từ việc chỉ trông vào nương ngô, nương sắn, người dân đã có việc làm ở những khu du lịch cao cấp, các bà các chị đã biết làm buồng phòng, làm lễ tân; thanh niên vốn chỉ thể hiện tài nấu ăn khi có cỗ cưới, đám hỏi nay trổ tài tại các khu nghỉ dưỡng để quảng bá ẩm thực quê hương cho du khách thập phương.
Điều đáng quý nhất tại Đà Bắc chính là tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo địa phương. Từ chính quyền tỉnh tới chính quyền các cấp của huyện, phát triển du lịch bền vững, du lịch hài hoà với thiên nhiên, bảo tồn văn hoá bản địa luôn được coi là động lực để phát triển kinh tế.
Bà Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, cho hay tại bản Sưng, xã Cao Sơn, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ người dân lợp nhà bằng lá cọ, có thể lợp lá cọ phủ trên mái tôn để có mái nhà truyền thống, hài hoà với thiên nhiên nhưng vẫn tiện nghi, bền vững. “Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn văn hóa, huyện Đà Bắc cũng đang nỗ lực quảng bá và thu hút đầu tư vào du lịch. Thông qua những ngày hội văn hóa thể thao quảng bá du lịch với nhiều hoạt động phong phú mang bản sắc riêng, tạo cơ hội để du khách cả nước biết đến Đà Bắc nhiều hơn nữa", bà Bàn Kim Quy nói.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh cũng thúc đẩy du lịch phát triển, đường từ Hà Nội lên xóm Ké, xã Hiền Lương đã rất tốt, đảm bảo cho ô tô 45 chỗ di chuyển dễ dàng. Từ Hà Nội lên đến Ké chỉ còn chưa đầy 2 tiếng thay vì hơn 3 tiếng như trước đây. Cung đường từ xóm Ké vào Tiền Phong đang được xây dựng, sắp tới sẽ càng thuận lợi hơn.
Vài năm nữa, khi cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu hình thành, Đà Bắc sẽ xích lại gần Hà Nội với chỉ hơn 1 giờ xe chạy. Cửa ngõ vùng Tây Bắc tuyệt đẹp này sẽ ngày càng phát triển, hứa hẹn chào đón thêm nhiều du khách tới đây để trải nghiệm.