Lặng thinh là khi không còn những cuộc gọi tới tấp vì sóng điện thoại gần như không có. Lặng thing vì, bạn có thể nghe thấy tiếng gió xào xạc trên những cây Dó, tiếng trẻ gọi trêu đùa nhau khắp làng. Lặng thinh là bởi, nhịp sống của bạn chậm lại đến… 10 lần, bạn nghe rõ tim mình đang thổn thức vì hít hà được mùi cây, mùi gỗ hay đơn thuần xốn xang vì một điều rất lạ lùng ở đây. 

Cách Hà Nội chừng 100 km, mất 2 giờ đi ô tô theo Google Maps. Bản Sưng của người Dao Tiền nép mình bên núi Biều, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, nơi không có sóng điện thoại.

Xóm Sưng có 73 hộ gia đình, chỉ có 3 nhà làm homestay, nhưng nếu sống ở đây 2 ngày, đi bất cứ đâu du khách cũng có người bản địa sẵn sàng trò chuyện, làm tourguide dẫn bạn khám phá các cung đường.

Theo lời những người dân, xóm Sưng có từ hơn 300 năm (trước gọi là xóm Sâng - chỉ tên một loài cây mọc nhiều ở vùng đất này, nhưng do phát âm khó, người dân đọc chệch đi thành Sưng cho dễ nhớ).

Giờ đây giao thông đến xóm Sưng tương đối thuận tiện, nhưng chỉ trước đó 5 năm, đường lên xóm Sưng rất khó đi, người trong bản di chuyển chủ yếu bằng đi bộ nên phụ nữ, trẻ em liên tục vấp ngã, bị sưng chân tay, mặt mũi. Tên Sưng còn chứa đựng một phần tính “lịch sử” này.

Cũng vì “tính lịch sử” ấy, xóm Sưng tách biệt với cuộc sống hiện đại và vẫn giữ được đa số nét truyền thống của người Dao. Ở Xóm Sưng, người dân sống dưới các căn nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ. Giữa mỗi căn nhà là một gian bếp, trên có gác để đựng các vật dụng và đồ ăn cần bảo quản, tránh mốc và ẩm vào mùa xuân.

Người dân ở xóm Sưng vẫn nhuộm chàm, tự in hoa văn lên vải bằng sáp ong. Đặc biệt, vì lo trẻ con lớn lên chỉ có thể nói mà không thể đọc hiểu tiếng dân tộc mình, ở đây có lớp dạy tiếng Dao để bảo tồn văn hoá của chính mình.

Đến bản Sưng không chỉ hưởng một cuộc sống nguyên sơ, thưởng lãm một bản làng xinh đẹp bên cạnh những cánh rừng xanh thẫm, khám phá hang động, hít hà đầy ngực bầu không khí thanh lành, tránh xa những âm thanh náo nhiệt của thành phố. Xóm Sưng còn là bản làng hiếm hoi cách thủ đô không xa, chứa đựng những điều nguyên bản đến kỳ lạ của một tộc người.

Ở Bản Sưng, con gái không bắt buộc phải lấy chồng nhưng có thể sinh con. Đàn ông lấy người phụ nữ đã có con riêng vẫn sẽ yêu thương con của vợ như con đẻ. Ở đây từ lâu dân bản đã thực hiện - điều mà người miền xuôi gọi là “nếp sống mới” - chỉ sinh từ 1-2 con. Đặc biệt là, nếu ai đó sinh con ra không đủ điều kiện chăm sóc, có thể cho người khác nuôi dưỡng.

Gia đình nhận nuôi và người cho con trở thành bạn bè, cùng vun đắp và dõi theo sự trưởng thành của đứa trẻ chung đó. Đứa trẻ mang họ nhà nào thì thuộc về nhà nấy và sống vui vẻ, đi lại giữa hai nhà bố mẹ nuôi và cha mẹ đẻ. Những người đàn ông lớn tuổi nhất trong xóm được gọi là “bố” - như cách thể hiện sự kính trọng đối với các bậc lão niên.

Mọi thứ nhiều tuổi ở xóm Sưng đều được người dân bảo vệ, chăm sóc. Chẳng hạn như cây dổi hàng trăm năm tuổi mọc giữa xóm được cả làng bảo vệ. Hạt dổi luôn được các cô, cậu bé và người dân săn đón. Vì là cây quý, dân bản không cho phép bất cứ ai leo lên cây thu hoạch, hạt nào rơi xuống đất, người may mắn sẽ nhặt được và trở thành của người đó. Mỗi hạt dổi như vậy có thể bán với giá từ 1 - 2 ngàn đồng.

Điều quan trọng nhất mà người Dao Tiền nào cũng phải nằm lòng, và ở xóm Sưng, tất cả còn nguyên vẹn. Đó là: Tất cả đàn ông Dao Tiền phải biết ngôn ngữ của mình để thờ cúng tổ tiên. Phụ nữ Dao Tiền có nhiều “đặc cách” hơn phụ nữ truyền thống trong chuyện lấy chồng, sinh con nhưng ai cũng có một bàn tay đen vì mọi phụ nữ ở đây đều phải tự nhuộm vải để làm một bộ trang phục truyền thống cho mình từ năm 10 tuổi.

Ở Bản Sưng, thức ăn ngoài những thực phẩm mang đậm phong vị núi rừng với thịt lợn thả rông, gà đồi, cá sông Đà, rau rừng, còn có những đặc sản “có một không hai”, mà ngay từ khâu chế biến đã khiến người ta phải khâm phục bởi độ kiên nhẫn lạ lùng của người làm ra nó. 

Món đầu tiên phải kể đến là rượu Hoẵng. Đồ uống này, xưa có cái tên rất thơ: “rượu tiêu bầu”, nhưng sau sợ người đọc dài khó nhớ, dân bản đổi thành “rượu Hoẵng”. Rượu được chế biến từ gạo hoàn toàn chứ không hề có con hoẵng nào, ủ men từ cơm như cách người dưới xuôi nhưng chưng cất lại hoàn toàn khác biệt. 
 

Bình thường, rượu được nấu trên bếp lửa, đến lúc sôi, hơi bốc lên, giọt tụ xuống, nhỏ thành rượu. Rượu Hoẵng lại được nấu bằng sức nóng của than, tức, người dân không dùng lửa, mà phải vần than, dùng sức nóng vừa phải ấy để đợi rượu sôi lên, khi rượu sôi, họ vẫn tiếp tục vần than để cơm rượu quyện đều, bốc lên mùi thơm dịu ngọt. Khi ấy, người dân mới chắt lấy ra thứ tinh chất vàng sánh mềm như màu rượu nếp cái hoa vàng, cho vào lu sành, đặt xuống nền đất lạnh. Việc dùng sức nóng vừa tầm của than thay vì sức nóng cháy của lửa mất rất nhiều thời gian nhưng cũng là bí kíp khiến rượu Hoẵng có độ quyến rũ chết người, vừa thong thả, dịu dàng, vừa khiến người ta chìm vào mê đắm ở khúc không ngờ nhất. 

Rượu Hoẵng vì vậy được gọi là “rượu ba cây”. Người uống chỉ cần nhấp một ngụm ở đầu môi đã thấy vị ngọt nơi cuống lưỡi, cảm được hương rượu mềm môi nên càng uống… càng vào. Rượu uống đến tàn cuộc vẫn tỉnh, đi thêm ba cây số… thì say. Say xong ba ngày.. thì tỉnh lại. Nên, chỉ cần một lần say ở bản Sưng sẽ không thể nào thôi nhớ.

Bên cạnh rượu, món không thể không nhắc đến là Thịt Chua. Nếu thịt chua của Phú Thọ làm xong 3 ngày được ăn, thịt chua của người Dao Tiền ở bản Sưng cần đến 3 năm. Một món ăn chỉ cần nghe kể thôi, bất cứ thực khách nào cũng muốn thử một lần trong đời.

Thịt chọn miếng to bản: 9 phần mỡ, 1 phần nạc, rửa sạch, thát lát, chìa lại riềm chừng 2-3mm, rắc muối vào các mặt của miếng thịt, sau đó xếp vào vại sành. Nấu cơm chín, bắc ra, lúc còn nóng, đổ cơm thật dày đến miệng vại. Đậy kín nắp, ủ cùng thịt một năm. Đủ thời gian, dỡ thịt ra, phủi sạch cơm bám vào, lại xếp thịt vào vại, ủ một lượt cơm nóng mới lên. Tiếp tục ủ một năm rồi lại bỏ ra, phủi sạch cơm, xếp vào vại, ủ một lần cơm mới nữa. Làm đúng 3 lần như vậy, sau khoảng ba năm có thể lấy thịt ra  ăn. Nhưng theo người dân, thịt càng ủ lâu càng ngon, có nhà đã ủ thịt đến 10 năm.

Làm cầu kỳ là vậy, nhưng mỗi vại thịt nếu đã dở ra  phải ăn hết trong vòng 1 tuần, để lâu hơn sẽ hỏng. Bởi thế, thường người dân làm mỗi vại từ 20-30kg và món ăn này thường chỉ được dùng trong dịp các gia đình có cỗ. Nên nếu đến Bản Sưng - Đà Bắc được ăn món thịt chua của người Dao Tiền ở đây, du khách chắc chắn sẽ thấy mình là một thực khách may mắn. Vị thơm mùi tự nhiên của thịt, miếng mỡ chua ngậy mà giòn ngọt quyện men gạo ngấu, ăn cùng lá mơ rừng, tất cả tạo nên một món ăn đượm màu thời gian mà thực khách khó lòng được gặp lại ở một nơi chốn khác. 

Có ai đó nói, lòng kiên nhẫn là bức tường thành nếu bạn vượt qua sẽ đi đến sự bình an, thì mỗi khoảnh khắc ở Bản Sưng, mỗi đặc sản của người dân nơi đây sẽ dạy cho bạn thấu đạt… hành trình vượt qua bức tường thành kiên cố ấy.

Nhưng hành trình khám phá bản Sưng chưa hết. Thứ đặc sắc nhất của thiên nhiên ở Bản Sưng chính là những cánh rừng tiếp nối.

Từ Bản Sưng, đi xe 6km để đến rừng Luồng. Từ đây du khách đi bộ xuyên rừng là tới bản Đá Bia nằm bên mép hồ sông Đà rộng lớn. Xen giữa những cây luồng cao vút khoe thân thẳng tắp là những cây Dó được trồng đan xen. Theo người dân ở đây, nếu đến đúng mùa, du khách sẽ được chứng kiến hoa dó nở từng chùm màu trắng, toả mùi thơm quyến rũ. Hoa dó nở từ tháng 12 đến hết tháng 2 dương lịch, thời điểm trời khô lạnh, vì thế hương hoa như ngưng tụ trong không gian, gặp gió rừng cứ thế mà bung ra, bay xa mãi. Màu trắng của từng chùm hoa  buông bay lững lờ theo gió, điểm xuyết trên nền xanh thẫm của cây rừng sẽ cho du khách một cảm giác bước vào một khung cảnh thanh bình kỳ lạ.

Ngoài rừng Luồng, xung quanh bản Sưng còn có rừng keo lá tràm, rừng tre đan xen giữa những cây chè shan tuyết cổ thụ những vạt xuyến chi tim tím. Tất cả tạo nên một bức tranh tự nhiên đầy màu sắc trên nền rừng xanh thẫm.

Đến với xóm Sưng, nhiều du khách có nhu cầu muốn “đi lạc”, để thả trôi mình trong không gian. Họ sẽ quên mất sự khó chịu khi không có sóng điện thoại, chỉ thấy mình được đi mãi vào một vùng thanh âm của lá, của hoa, của những tiếng cười đùa hồn hậu. Trong những âm thanh chộn rộn tự nhiên ấy, sẽ nhiều người bất chợt nắm bắt được những giây phút… lặng thing của lòng người. Họ nhớ  ra một điều gì đó từ ấu thơ xa lắc, hoặc bất giác giật mình, lâu rồi quên gọi điện về thăm mẹ. 

Chỉ khi ta yên lặng đủ lâu, những thẳm sâu mới được dội lên, giống như Thiền Không Sư từng viết: “Hãy nhìn một thân cây, một bông hoa,... hãy để thiên nhiên dạy cho ta thế nào là tĩnh lặng”.

Sau chuyến đi 99 ngày xuyên Việt, ca sĩ – nhà báo Bông Mai chia sẻ rằng: “Tôi nhận thấy, hoá ra không phải bản thân ngại giao tiếp, hoá ra tôi nói rất nhiều và rất thích thể hiện mình. Nhưng tôi đã dường như mất kết nối khi ở quá lâu trong thành phố”. Tâm sự của nhà báo Bông Mai phản ánh một thực trạng chung của sự mất kết nối khi con người sống quá lâu trong sự ồn ào.

Năm 2021 Bản Sưng có đường internet được kéo về, nhưng nhiều người dân trong xóm vẫn muốn duy trì cuộc sống cũ. Đa số nhà dân vẫn không có tivi. Bởi vậy, về xóm Sưng là rời xa cuộc sống công nghệ, không có điện thoại, sống ở những homestay không có tivi. Trời cuối thu, 5h chiều đã tối. Cả xóm chìm trong khung cảnh yên bình, tĩnh mịch. Cắm sạc pin điện thoại để hôm sau sẵn sàng chụp ảnh, cuộn tròn trong chăn đọc truyện. Rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. 

Vậy cớ gì, bạn còn chần chừ không hò hẹn với … lặng thinh ở Bản Sưng!

CHỊ “NHUNG - GIÓ”

Tôi biết đến xóm Sưng 5 năm, tất nhiên mất 2 năm Covid không làm được gì nhiều. Tôi từng yêu xóm Sưng thanh bình ở thời điểm nó như một nơi chốn hoàn toàn tách biệt cuộc sống của người thành phố. Xóm Sưng sau 5 năm đã có rất nhiều đổi khác, đôi lúc tôi cũng lo lắng, tự hỏi: Những điều đẹp đẽ này sẽ còn lại bao nhiêu, khi cuộc sống công nghệ tràn về đây, khi giao thông không còn là cản trở bước chân người lữ khách. Tôi biết, mọi sự phát triển đều có tính hai mặt, và mặt còn lại của phát triển du lịch cộng đồng ít nhiều sẽ gây xáo trộn cho một nơi chốn bình yên xưa là xóm Sưng.

Vì thế, tôi chỉ mong, người dân ở đây sẽ giữ được sự thuần hậu thật lâu. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây sẽ không bị tác động nhiều, dù có thêm du khách. Tôi đang hướng dẫn người dân trồng Dó để có cuộc sống tốt hơn. Làm việc với dân bản thực ra rất khó, nhưng nếu cố gắng, chắc chắn mình sẽ làm được một điều gì đó.”

Từ cuối năm 2021, nhóm cựu du học sinh gồm là Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Thuỳ, Nguyễn Hà Hải, Phạm Nhật Nga, Káp Thành Long và Đỗ Thị Hường đã cùng nhau viết dự án, xin được hơn 300 triệu từ chương trình Aus4skill của Chính phủ Úc để thực hiện dự án ở bản Sưng.

Dự án hướng tới hỗ trợ đồng bào Dao Tiền ở bản Sưng phát triển ba nghề truyền thống là: làm giấy Dó, thu hái sản xuất thuốc nam và nhuộm chàm, thêu thổ cẩm. Với nguồn kinh phí của chương trình, các cựu du học sinh đã hỗ trợ 1 số tổ nhóm trong bản Sưng mua máy móc, thiết bị và mời chuyên gia về dạy cho bà con các kỹ năng, kiến thức liên quan đến 1 số nghề truyền thống trên.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ, thành viên nhóm dự án, người đã lên Sưng nhiều lần trong năm 2022 cho biết, bản Sưng rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Tuy du lịch cộng đồng đã mang đến những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế và duy trì những bản sắc văn hoá của dân tộc nhưng nhiều nghề truyền thống của bà con ở Sưng vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một. 

Chị Thuỳ chia sẻ: “Trong tương lai, chúng tôi rất mong các sản phẩm của bà con ở Sưng được biết đến trên khắp Việt Nam và được đưa ra thế giới, từ đó giúp nâng cao đời sống, duy trì và phát triển văn hoá và các nghề truyền thống ở Sưng. Tôi nghĩ rằng khi giá trị văn hoá giúp mang lại thu nhập thường xuyên cho bà con thì giá trị văn hoá sẽ được lưu giữ và phát triển bền vững hơn”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Chủ Nhật, ngày 30/10/2022 07:10 AM (GMT+7)

Kim Sen