Đá Bia - Bản Mường bình yên còn sót lại bên dòng Đà Giang
Cách Hà Nội chừng 120km, Bản Đá Bia (huyện Đà Bắc – Hoà Bình) là điểm đến lý tưởng cho cho những ai muốn được trải nghiệm sống ở một nơi chưa có dấu ấn “thương mại hóa” trong cơn bão của ngành du lịch những năm gần đây.
Chỉ có 5 hộ dân làm du lịch cộng đồng/40 hộ dân trong bản, nhưng những căn homestay liền nhau ở bản Đá Bia (thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) cung cấp mọi dịch vụ khép kín: từ nhà ở, các bữa ăn đậm hương vị núi rừng và một chương trình văn nghệ phục vụ đủ một buổi teambuiding, nếu cần.
Hành trình tái tạo năng lượng tuyệt vời
Chúng tôi đến với Đà Bắc vào những ngày đầu Thu năm 2022 theo lời mời của một người bạn và bị hấp lực mạnh mẽ từ mảnh đất này. Bầu trời xanh cao lộng lẫy, không khí mát lành và đặc biệt là sự nồng hậu của con người nơi đây như chất men say khiến người ta ở thì thương, xa thì nhớ.
Vẻ đẹp thanh bình của Đá Bia
Khởi hành từ Hà Nội, đi theo đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình, xuống bến cảng 3 cấp, trải nghiệm du lịch lòng hồ sông Đà, ngắm dòng sông như áng tóc tuôn dài giữa mây trời Đà Bắc. Khi chúng tôi đến, sông Đà vừa trải qua mấy ngày mưa dầm triền miên nhưng nước sông vẫn thủy chung một màu xanh ngọc bích. Sắc nước sắc trời hòa vào nhau thành bức tranh tuyệt bích của hóa công. Trong hành trình đến bản Đá Bia, bạn có thể ghé thăm và làm lễ ở Đền Bà chúa Thác Bờ thuộc địa phận xã Vầy Nưa của huyện Đà Bắc.
Đền Bà Chúa thác Bờ: Đây là đền thờ vua Lê Lợi và nữ tướng Đinh Thị Vân. Tương truyền, khi vua Lê Lợi đi dẹp loạn cuộc nổi dậy của Đèo Cát Hãn (một tên tay sai đắc lực của giặc Minh), khi qua vùng đất này được bà Đinh Thị Vân - một người Mường giúp đỡ. Nhờ vị nữ tướng này, nhà Lê vừa đánh đuổi được giặc Minh vừa giúp dân trị thuỷ. Đền Chúa Thác tựa lưng vào vách núi, mặt hướng ra hồ nước mênh mông. Đây vừa là điểm du lịch tâm linh, vừa là nơi để du khách ngắm dòng Đà giang thơ mộng. Ảnh: Thế Anh
Bản Đá Bia, xã Tiền Phong nằm sát mép hồ sông Đà, có 40 hộ người Mường sinh sống. Sinh kế chủ yếu của người dân vẫn là nông nghiệp. Bắt đầu từ tháng 6/2014, dự án “Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc” được triển khai từ sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ Úc là Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc.
Du khách đi tàu cập bến Đá Bia.
Hiện nay bản Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng, mỗi nhà có sức chứa từ 15 đến 20 người. Người dân làm du lịch homestay ở Đá Bia đã học tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch quốc tế. Nơi đây không gian văn hóa, cảnh quan vẫn còn gần như nguyên bản, phù hợp với du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt hấp dẫn khách du lịch quốc tế.
Chị Đinh Thị Nhiệu, chủ homestay Quang Thọ, từng là đội trưởng đội Văn nghệ Đá Bia nói với chúng tôi: “Hầu như tuần nào cũng có khách quốc tế đến thăm bản. Họ thường đi theo nhóm khoảng trên dưới mười người, nghỉ lại qua đêm, thích tìm hiểu bản sắc văn hóa, đời sống của nhân dân địa phương. Du khách muốn đến Đá Bia vào dịp cuối tuần thường phải đặt phòng trước ít nhất 2 tuần.”
Khách du lịch có thể đi bộ khám phá rừng già, vịnh nước, chèo thuyền kayak, tắm sông, bơi mảng, đánh bắt cá, tôm trên dòng Đà Giang. Tối đến, khách được tham gia văn nghệ, nhảy sạp, uống rượu cùng các cô gái bản.
Khi hoàng hôn buông xuống, lòng hồ hoà vào màn đêm của rừng cũng là lúc tiếng cồng chiêng trong hương rượu mềm môi được cất lên. Giữa sự yên tĩnh ấy, tiếng hát mời trầu trên nền những âm thanh sống động của sáo, cồng, chiêng hoà quyện lấy nhau, vang lên, bay vào không gian thẳm thẳm. Điều lạ là, dù chỉ có 5 hộ dân, các tiết mục văn nghệ của bản Đá Bia vẫn vô cùng phong phú và được sắp xếp hết sức khoa học. Nếu chỉ muốn thưởng thức những bài ca của người Mường, của Tây Bắc, du khách được phục vụ trọn gói theo chương trình của Bản. Nhưng nếu cần sắp xếp xen kẽ các chương trình lửa trại, team building theo nhóm, thì trưởng nhóm văn nghệ trong bản cũng giúp đoàn đưa ra một lịch trình cân đối, hài hoà.
Đến Đá Bia, du khách được thưởng thức những món đặc sản được bày trên những chiếc mẹt tre lót lá chuối xanh: cơm đồ gói lá chuối, xôi ngũ sắc, cá nướng sông Đà, các món ăn chế biến từ lợn Mường, đặc biệt là các món từ hoa đu đủ mà người dân nói rằng chỉ Đà Bắc mới có như hoa đu đủ xào tỏi, nộm hoa đu đủ, đu đủ đồ và các món rau rừng ăn cùng mẻ xào lòng cá,
Dù vui là thế, nhưng đúng 22h, bản làng bình yên lại trở về sự tĩnh mịch vốn có với tiếng ếch nhái kêu đêm, tiếng mái chèo khua dưới lòng hồ, tiếng đôi bàn chân những người dọn dẹp muộn dưới nhà sàn. Bởi, người dân nơi đây thực hiện tuân thủ mô hình nếp sống mới – “cứ 10 giờ đêm chúng em phải tắt loa đài”. Cũng khi ấy, từng nhóm du khách nhỏ bắt đầu những câu chuyện tâm tình. Nên cảm giác như, mọi cuộc chơi ở đây đều có đủ cung bậc: bổng trầm.
Anh chị chủ homestay Quang Thọ còn hướng dẫn du khách cách đồ xôi, nướng cá trong câu chuyện chung ấm tình. Theo anh chị, khách có thể đặt cơm theo nhu cầu, kể cả với các món Âu, nhưng hầu như ai đến đây cũng muốn thưởng thức những món ăn đặc sản của người bản địa.
Đá Bia đưa ta về nhịp sống sơ khai giữa bao ồn ào phố thị và bình yên nhất có lẽ là buổi sớm mai. Trải qua một giấc ngủ không máy điều hòa, đúng ra là trong chiếc máy điều hòa khổng lồ của thiên nhiên, bình minh Đá Bia chào đón các giác quan con người bằng sương mai mát lạnh, không khí thanh sạch ban sơ đánh thức các giác quan. Cái cảm giác thức dậy ở một bản làng ven sông, đi bộ theo những con đường rừng mà hương hoa quấn quýt có khả năng tái tạo năng lượng tuyệt vời. Đâu đó trên đường đi ta gặp nụ cười thân thiện của người dân bản địa như lời mời, lời hẹn nhất định phải trở lại Đá Bia.
Nét “chấm phá” khác biệt của Đá Bia và Đà Bắc
Một nét đặc sắc của bản Đá Bia, níu chân du khách là mô hình “Quán tự giác”. Đây được coi là “siêu thị đầu tiên của người Mường Hòa Bình”, thể hiện nét văn hóa lâu đời của người Mường Ao Tá. “Siêu thị” đặc biệt bày bán những mặt hàng nông sản như chuối, mật ong, măng, trứng gà,… không có người bán. Dưới mỗi món hàng đã được niêm yết giá, du khách chọn món đồ nào, đặt lại giỏ khoản tiền tương ứng và đi.
Đến Đá Bia thực tế có hai con đường: một đường mòn ven theo dòng Đà Giang, một đường thuỷ trên lòng hồ sông Đà. Nhưng hầu hết du khách chọn đi theo đường lòng hồ để cảm nhận trọn vẹn hành trình đến với ốc đảo đặc biệt này. Khi tàu cập bến, những người đàn ông trở thành tay vịn cho các cô gái chân yếu, sức mỏng bám vào để leo lên bờ. Cái cảm giác vừa leo lên con dốc hơi ngược vừa trầm trồ mình đã chinh phục thành công đoạn đường khó khăn mang tới cảm giác rất lạ.
Khi đặt câu hỏi cho ông chủ tịch huyện Đà Bắc - Lường Văn Thi rằng: “Tại sao chính quyền không khuyến khích người dân làm con đường lên bản dễ dàng hơn?”. Ông Thi cho biết: “Để làm mọi thứ theo hướng dễ dàng không khó, nhưng giữ được sự nguyên sơ của vùng đất, cho du khách những trải nghiệm sống như một người dân khi tới bản Đá Bia mới thực sự là mong muốn của chúng tôi”.
Ông Lường Văn Thi cũng giãi bày: “Phát triển du lịch ở Đà Bắc còn đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng đó lại là may mắn. Tôi ấp ủ ước muốn, mang đến những mô hình phát triển du lịch bền vững để Đà Bắc không lặp lại những ‘nỗi đau’ của những vùng thiên nhiên trù phú nhưng đang bị khai thác quá đà”. Để giải bài toán đó, uỷ ban nhân dân huyện Đà Bắc một mặt đang chiêu mộ các nhà đầu tư có nguồn lực, có tầm, một mặt đi học hỏi kinh nghiệm của nhiều vùng phát triển du lịch trên cả nước. Ông Lường Văn Thi cho biết, Đà Bắc sẵn sàng đi chậm hơn, nhưng miễn giữ được hồn cốt riêng của vùng đất.
“Tôi ấp ủ ước muốn, mang đến những mô hình phát triển du lịch bền vững để Đà Bắc không lặp lại những ‘nỗi đau’ của những vùng thiên nhiên trù phú nhưng đang bị khai thác quá đà”.
“Giữ được hồn cốt riêng” có lẽ là điều mấu chốt trong hành trình đến với Đà Bắc. Du khách chắc chắn sẽ thấy hình ảnh về một bản Mường rất khác khi dành thời gian trải nghiệm ở đây. Sẽ rất khó quên một buổi sáng ngồi trên chiếc chõng tre đặt trên mỏm đất ven sông, ngắm dòng Đà Giang xanh thẫm. Sẽ khó nhạt phai khúc hát mời trầu của cô gái Mường Ao Tá ở bản: “ Tay em têm miếng trầu thương nhớ. Bóng núi như tình anh âm thầm. Tiếng suối tiếng lòng em gọi anh. Lời thề giữa đất trời, tình trầu với nghĩa cau bao đời”... Sẽ khó để có thể đến một bản làng thứ hai, giống với Đá Bia. Và vì thế, có thể khi ra về, người ta mong, một ngày trở lại.
Bản Đá Bia có khoảng 40 hộ dân, trong đó có 5 hộ làm du lịch cộng đồng. Cuộc sống của cộng đồng người Mường nơi đây có nhiều thay đổi từ khi xây dựng khu du lịch cộng đồng. Năm 2019, khu du lịch cộng đồng Đá Bia vinh dự nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng Asean. |