Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không nức tiếng như chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chẳng hề sầm uất như chợ nổi Cái Răng (thành phố Cần Thơ), chợ nổi Long Xuyên của tỉnh An Giang mang một nét đẹp rất riêng, chân chất và mộc mạc…

Do vị trí địa lý đặc trưng, miền Tây Nam bộ chằng chịt những sông, những ngòi, những kênh, những rạch, chợ nổi đã hình thành một cách tự nhiên, đóng vai trò lớn trong việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các địa phương quanh vùng.

Tự bao giờ, chợ nổi chẳng những là nét đặc trưng trong văn hóa vùng sông nước, mà còn trở thành một “điểm sáng” trong việc phát triển ngành du lịch ở miền Tây Nam bộ.

Nếu như Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền sầm uất, thì An Giang cũng có chợ nổi Long Xuyên, một ngôi chợ không quá ồn ào tấp nập, mà nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách bởi vẻ đẹp bình dị, mộc mạc.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 1

Chợ nổi Long Xuyên nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách bởi vẻ đẹp bình dị, mộc mạc.

Chợ nổi Long Xuyên có lịch sử hình thành từ lúc nào, chẳng ai còn nhớ rõ, chỉ biết là rất lâu đời. Chợ nằm trên dòng sông Hậu, thuộc địa phận phường Mỹ Phước, gần trung tâm thành phố Long Xuyên. Từ chợ Long Xuyên, đi ra khu vực bến đò kế chợ, sát bên bến phà Ô Môi, du khách sẽ thương thảo giá cả với các chủ đò, bắt đầu chuyến đò khám phá chợ nổi.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 2

Chợ Long Xuyên kề bến phà Ô Môi.

Cũng như những ngôi chợ nổi khác của miền Tây Nam bộ, hàng ngày chợ nổi Long Xuyên rục rịch hoạt động từ rất sớm, khoảng chừng 3-4g sáng. Đến 6g, chợ xem chừng đã đông đúc, náo nhiệt lắm rồi. Cho đến độ 8g thì chợ bắt đầu vãn. Du khách muốn không bỏ lỡ khoảnh khắc sầm uất của ngôi chợ nổi thực thụ thì phải chịu khó dậy sớm.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 3

Hàng ngày chợ nổi Long Xuyên rục rịch hoạt động từ rất sớm.

Có lẽ, đọng lại trong lòng du khách khi đến với chợ nổi Long Xuyên ấy chính là không khí chân chất, là nét đẹp thanh bình, là không gian thưa vắng du khách, chưa quá du lịch hóa. Chính việc chưa được kích cầu phát triển du lịch ồ ạt mà chợ nổi Long Xuyên vẫn còn mang đậm vẻ nguyên sơ, hoàn toàn là ngôi chợ nổi địa phượng mang tính năng giao thương, trao đổi hàng hóa của dân quanh vùng.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 4

Không gian thưa vắng du khách, chưa quá du lịch hóa của chợ nổi Long Xuyên.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 5

Treo món hàng lên “cây bẹo” – nét đặc trưng trong văn hóa chợ nổi vùng sông nước.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 6

Đây hoàn toàn là ngôi chợ nổi địa phượng mang tính năng giao thương, trao đổi hàng hóa của dân quanh vùng.

Đến với chợ nổi Long Xuyên, du khách sẽ thực sự hòa mình vào không gian bán buôn trên vùng sông nước, học hỏi thêm nhiều điều lạ lẫm về văn hóa miền Tây Nam bộ. Chẳng hạn như phong tục thú vị treo món hàng lên “cây bẹo” (cây sào). Thuyền nào bán món gì thì treo món ấy lên, để từ xa ai cũng có thể nhận biết được. Tất nhiên, điều này chỉ áp dụng cho một số mặt hàng như rau củ quả.

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 7

Nhà bè nuôi cá trên sông Hậu

Chợ nổi Long Xuyên bình dị, mộc mạc; nhẹ nhàng để lại dấu ấn với du khách - 8

Một góc cù lao Ông Hổ

Nếu có thời gian, du khách cũng có thể thương lượng với chủ đò để đưa bạn tham quan nhà bè nuôi cá, hay đến cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên). Đi bộ một vòng cù lao, ngắm nhìn đời sống sinh hoạt của người dân miền Tây Nam bộ đôn hậu, thấy yêu mến quê hương Việt Nam của chúng ta biết nhường nào!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Bình An

CLIP HOT