12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bạn đã từng đi hết đất nước mình chưa? Một vài vị du khách nước ngoài đã từng hỏi tôi như vậy, tôi trả lời: “Có thể đã từng”. Bởi vì tôi và một số bạn bè thân đã thực hiện chuyến đi tạm gọi là xuyên Việt. Trong chuyến đi này, điều mơ ước của tôi đã được thực hiện, đó là đi trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi chọn lượt đi là Quốc lộ 1A.  Chiều tối đến TP Nha Trang và đêm đầu tiên của chặng đi được anh Cường, chị Tiên, chủ Khách sạn Bảo Trúc - đường Tháp Bà chiêu đãi hải sản và nghỉ tại Khách sạn. Sáng sớm rời TP Nha trang, đi một mạch đến Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) . Một vài người thân đã liên lạc với tôi để chờ ăn tối ở Nhà hàng Phì Lũ (Đà Nẵng). Vậy là sau khi ghi vài tấm ảnh đẹp của biển Sa Huỳnh, chúng tôi đi thẳng về Quảng Nam. Cũng cần nói thêm, trên xe vỏn vẹn có Anh Lê Ích Phần - Tổng Giám đốc Công ty Lâm Phần (Lâm Đồng), Luật sư Phan Thanh Huân (Đoàn Luật sư TPHCM ), tôi là Nhà báo và một Tài xế tên Thiện, có kinh nghiệm lái xe đường dài. Đến chiều thì đi qua Tam Kỳ (Quảng Nam) định kiếm cháo gà lót bụng, nhưng ở đất này thì nổi tiếng chỉ là cơm gà, nên thôi đành phải ra Đà Nẵng luôn. Sau khi ăn tối, chúng tôi xuyên đường hầm Hải Vân và nghỉ đêm ở Huế. Buổi sáng trên đường ra Quảng Trị, cả nhóm dừng lại ghi ảnh lưu niệm ở Cầu Hiền Lương, địa điểm nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, còn gọi là Vĩ tuyến 17, được ngăn bằng dòng sông Thạch Hãn chia ra hai bờ Bắc – Nam.

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 1

Nhà thờ Đá Phát Diệm – Ninh Bình (bên phải tác giả là anh Lê Ích Phần)

ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG - QUẢNG BÌNH

Mỗi vé vào tham quan là 150.000đ/người. Được xe điện đưa vào tận chân núi, chúng tôi bắt đầu đi lên núi theo con đường hình chữ Z mất khoảng 1/2 giờ là đến hang động. Theo những bậc thang gỗ bằng phẳng và sạch sẽ, chúng tôi bắt đầu đi xuống lòng núi. Nhiệt độ không khí mát lạnh khoảng 18-20oc. Nếu Động Phong Nha – Kẻ Bàng là động nước, thì Động Thiên Đường này gọi là động khô. Càng đi xuống sâu, càng thấy sự kỳ vĩ của hang động với nhiều thạch nhũ đa dạng màu sắc, hình thù kỳ lạ và huyền ảo như ở chốn bồng lai. Trong hang động có hệ thống chiếu sáng vừa đủ. Với ánh sáng này, không có một chiếc máy Compac nào chụp rõ được, ngoại trừ các loại máy ảnh chuyên nghiệp có đèn flash hỗ trợ, mới có thể thấy rõ được tầm xa. Động Thiên đường thuộc loại động khô dài nhất Châu Á (31,4km ), rộng từ 30 đến 100m và từ đáy lên đến trần cao hơn 100m. Đây là hang động được khám phá vào năm 2005 và sau đó, Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng Gia Anh đã sang đây khảo sát và công bố vào năm 2010 là hang động kỳ ảo và đẹp nhất thế giới.

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 2

Thạch nhũ đá màu trong hang Thiên Đường

Đường đến Động Thiên Đường, phải vượt qua Động Phong Nha – Kẽ Bàng. Từ Huế theo Quốc lộ 1A đến Đồng Hới, qua khu vực Phong nha – Kẻ Bàng đi tiếp khoảng 30km cách nhánh Tây Trường Sơn 5km là đến Động Thiên Đường, muốn thăm phải mất một ngày. Ngay trong chiều, chúng tôi rời Quảng Bình đi thẳng một mạch về Huyện Nga Sơn - Tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây những người bạn thân, hiếu khách đã kiên trì chờ chúng tôi về đến tận 2 giờ sáng với nồi cháo gà bốc khói.

VỀ HANG TỪ THỨC,  ĐỀN MAI AN TIÊM

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 3

Đền An Tiêm – Huyện Nga Sơn – Thanh Hóa

Ở miền này, cái sự “hiếu khách” cũng lạ lắm! Mới sáng bửng ra, anh em được đãi ăn sáng bằng món tiết canh lợn và vài chung (ly) rượu nếp cái Nga Sơn. Đây là một loại rượu cũng nổi tiếng ở đất Bắc giống như Bàu Đá (Bình Định), rượu nếp Gò Đen (Bình Chánh) với nồng độ trên 45 độ, uống vào tới đâu nghe nóng tới đó. Cũng vào gần trưa mới vào tới Hang động Từ Thức. Trước khi vào hang, mỗi người phải thuê một đôi dép và một cái đèn pin, vì trong hang rất tối và trơn trợt. Đường vào hang có nhiều trãng nước sâu gần tới đầu gối. Hang không sâu lắm, nhưng có nhiều nhũ đá đẹp. Hang Từ Thức còn có tên gọi là Động Bích Đào, phía trước hang còn thờ Từ Thức, một tấm bia ghi lại truyền thuyết hang động. Với điển tích lấy nàng Giáng Hương là Tiên nữ làm vợ. Về sau, Từ Thức trở lại trần thế và biệt tích ở núi Ngũ Hành Sơn. Nơi đây còn lưu dấu tích của nhiều tao nhân mặc khách, trong đó có Vua Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Chúa Trịnh Sâm…

Cách không xa hang Từ Thức là Đền thờ Mai An Tiêm. Ngôi Đền nằm trên khoảng đất rộng dựa lưng vào núi. Đền có kiểu kiến trúc giản dị bằng gỗ theo kiểu 5 gian tiền và 4 gian hậu. Phía trong gian chính thờ Mai An Tiêm - người có công sản sinh ra quả dưa hấu vào thời Hùng Vương đời thứ 6. Đền thờ An Tiêm được xếp hạng Di tích Văn hóa cấp Tỉnh. Lễ hội Mai An Tiêm diễn ra hằng năm từ 12 – 15/3 Âm lịch.

Trên chặng đường đến Ninh Bình để thăm chùa Bái Đính và Khu Di tích Tràng An, chúng tôi đã ghé qua thăm Nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng tại Huyện Kim Sơn (Ninh Bình ) giáp Tỉnh Thanh Hóa. Đây là công trình kiến trúc độc đáo bằng đá, có hình dáng giao hòa giữa Phật giáo và Công giáo, với mái cong của đền chùa và tháp chuông kiểu Phật giáo, độc nhất vô nhị không chỉ Việt Nam mà còn là Thế giới. Khuôn viên nhà thờ có tượng đài, ao hồ, các nhà nguyện và các hòn non bộ. Ngồi trong Thánh đường, tôi quan sát và kinh ngạc của kiến trúc vòm trần, các cột toàn bằng gỗ quý gần 200 năm (khai sinh năm 1828).

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 4

Chùa Bái Đính - Ninh Bình

 CHÙA NÚI BÁI ĐÍNH - NINH BÌNH

Tôi đến đây là lần thứ hai, lần đầu cách đây trên 5 năm, khi đó tại chùa Thượng mới an vị Tam Tượng Phật mà chùa xây chánh điện. Lúc đó, tôi đã thấy hai cây Bồ đề do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới trồng lưu niệm.

Là 1 trong 4 khu chức năng của Khu Di tích Sinh thái Tràng An, khu núi chùa Bái Đính rộng 539 ha. Quần thể Bái Đính do tập đoàn kinh tế Xuân Trường xây dựng. Hệ thống vào chùa Bái Đính có hai lối đi và xuống, dài trên 3km, với 500 tượng La Hán bằng đá Cẩm Thạch dọc bên lối đi. Tại chùa Thượng, ngoài Tam Tượng Phật dát vàng lớn nhất Châu Á,  trước sân có tượng Phật Di Lặc bằng đồng đen lớn nhất Đông Nam Á. Thời điểm chúng tôi đến thăm (cuối năm 2012), chùa Bái Đính đạt 8 kỷ lục Châu Á và khu vực. Năm 2014, khu chùa Bái Đính được chọn là địa điểm tổ chức Đại Lễ Phật Đản Liên hiệp quốc- VESAK do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai.

 12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 5

Tượng phật La Hán chùa Bái Đính

Rời Khu Di tích Tràng An-Ninh Bình, chúng tôi đến Hà Nội, tranh thủ thưởng thức bún mộc, dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rồi tiến về đại lộ Thăng Long (Láng – Hòa Lạc ), qua Sơn Tây đi Yên Bái, rẽ đường 70 để đi Lào Cai. Cung đường từ Yên Bái đi Lào Cai nhỏ hẹp, quanh co như đường đèo dài khoảng 40km rất nhiều xe Container siêu trọng chạy trên đường này vận chuyển hàng lên và về từ Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai giáp cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc). Sau khi nghỉ đêm ở Lào Cai, sáng sớm chúng tôi theo quốc lộ 4D di Sapa. Đây là tuyến đường nối liền Lào Cai với các huyện Bát Xát, Mường Khương. Đường vào Sapa cảnh đẹp ngoạn mục với đồi núi, sông nước và những thửa ruộng bên sườn đồi hình bậc thang. Sapa có nhiệt độ khá lý tưởng, mùa Hè từ 18 đến 20oC, mùa Đông từ 10 đến 12oC, cá biệt có vùng dưới 5oC. Sapa hội tụ các dân tộc Tày, Dao, Mông, Xa Phó. Đi dạo quanh Nhà Thờ Sapa quen thuộc, ngồi uống cà phê phía sau khu chợ thổ cẩm và trưa thì lai rai cơm lam, thịt nướng cùng với rượu táo mèo, trong không khí mát lạnh của vùng cao thật là thú vị. Anh em tranh thủ mua quà lưu niệm, mua vài ký sâm ba kích tươi của người Dao bán dọc theo phố, dạo quanh Sapa ngắm phố và người rồi trở ra Lào Cai ngay trong chiều. Sở dĩ chúng tôi không ở lại Sapa vì tất cả anh em hầu như ai cũng đã đến Sapa rồi. Chúng tôi về lại đường cũ xuống Sơn Tây, ngược đường cao tốc  Thăng Long rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh xuôi về Nam.

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 6

Nhà thờ Sapa Lào Cai

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Bỏ lại sau lưng đường cao tốc Thăng Long, đi Xuân Mai là chúng tôi đang bắt đầu đi trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đi qua địa phận Ninh Bình rồi qua khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương là vào lúc đã quá nửa đêm. Lê Ích Phần thay tài xế, cầm lái nhấn ga, chiếc xe lao vút trong màn đêm không bóng người, không xe cộ, không nhà cửa, vất vả lắm mới tìm được một nhà nghỉ bình dân nằm khiêm tốn tại một khu dân cư thưa thớt địa phận Thanh Hóa.

Rong ruổi qua địa phận Nghệ An – Vinh trời nắng oi bức, con đường trước mặt thẳng tắp, nhấp nhô và bốc khói, con đường vắng hoe đến nỗi gây cảm giác buồn đến lạ. Không một trạm xăng, không quán ăn, nhà cửa lác đác, chủ yếu rừng núi và đồng bằng. Trên xe Luật Sư Huân mở màng ngủ gật, Phần bật ghế lim dim sau khi kể mấy chuyện tiếu lâm làm anh em cười một trận đến sặc ho. Còn tôi, cảm giác lần đầu đi trên con đường huyền thoại thật là khó tả. Đi qua Hà Tĩnh, rồi Quảng Bình là đi vào nhánh Tây Trường Sơn, đây là đoạn giao nhau giữa Đông và Tây Trường Sơn. Tại điểm giao nhau này toàn là núi rừng, chúng tôi nghỉ chân ăn trưa tại một quán ăn có sân rộng, khá đẹp nhưng vắng người. Bụng ai nấy đã đói meo, vậy mà chỉ có một cô đứng bếp và một cháu phục vụ. Trong khi chờ nấu cơm và món gà xào xả ớt, tôi vào bếp làm thêm món trứng chiên. Anh Phần ra sau quán hái rau muống vào luộc, anh Huân thì dọn chén. Bữa ăn nhanh chóng dọn ra, có kèm món nước luộc rau muống làm canh. Sau khi cơm nước xong, người uống trà, kẻ uống cà phê thư giãn một chút, sẵn nước thì xịt rửa chiếc xe lại cho sáng xủa, kiểm tra lại thắng xe, bánh xe rồi lên đường về Quảng Trị. Đến ngã ba Cam Lộ, rẽ phải đi vào đường 9A đi tiếp khoảng 40km thì rẽ trái vào cầu Dakrông tiếp tục đường Hồ Chí Minh về địa phận Huế.

12 NGÀY ĐÊM DU KHẢO XUYÊN VIỆT - 7

Cầu Dakrông – Đường Hồ Chí Minh

Còn khu vực cầu treo Dakrông huyện Dakrông Quảng Trị cũng là địa điểm xuất phát bài hát Sơn Nữ Ca của Nhạc sĩ Trần Hoàn. Nghỉ tại Huyện A Lưới thuộc địa phận Thừa Thiên Huế một đêm, tại đây nếu muốn đi Huế sẽ có một đường Quốc lộ 49. Đi hết cung đường Quảng Nam, đến đoạn ngã ba Ngọc Hồi và vào địa phận Kon Tum, gần với đường biên giới địa phận ATTAPU (Lào) nếu chúng ta đi qua cửa khẩu Bờ Y.

Dưới cơn mưa tầm tã, chúng tôi dừng lại Dakto, địa danh khốc liệt thời chiến tranh để uống tách cà phê, ngắm mưa rừng. Thật là ngược đời, trong khi nhìn mưa rừng xối xả, thì lại nghe văng vẳng bài hát Hạ Trắng của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn… “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…”. Dưới làn mưa của một buổi chiều chạng vạng, chúng tôi tiếp tục trực chỉ Pleiku. Chiều tối anh em đã thưởng thức món lẩu dê được cho là nổi tiếng của thành phố núi và không còn chút gì để nhớ, anh em bảo nhau đi thẳng về Ban Mê Thuột. Đến đây thì các bạn và quý độc giả đã hình dung được là nếu đi tiếp về Daknim, Dakrông, Đồng Xoài (Bình Phước), thẳng đường Nha Bích ra Chơn Thành (Bình Dương) là tạm kết thúc đường 14B (Đường nối tiếp đường Hồ Chí Minh trừ đoạn Kon Tum). Tất cả mọi chuyện đã quá quen thuộc, ngay trong đêm anh em chọn  quốc lộ 27 đi về hướng Lâm Hà, ra Liên Khương về Đà Lạt. Đây là điểm cuối cùng của chuyến đi du khảo suốt 12 ngày đêm.

Hồi tưởng lại, thú thật nếu đi du lịch mà chọn đường Hồ Chí Minh ít có điểm dừng, ngoại trừ các điểm Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và rẽ vào Động Thiên đường (Quảng Bình). Đối với thế hệ chúng tôi, đi đường Hồ Chí Minh là để đi lại con đường huyền thoại – đường Trường Sơn với nhiều địa danh lịch sử. Đây là tuyến đường hành lang kinh tế Đông  - Tây, xe khách ít khai thác vì thiếu những dịch vụ hạ tầng như trạm xăng, khách sạn, bệnh viện, quán ăn... Tuy vậy, đây là con đường có cảnh quan đẹp, thơ mộng đến nao long, nhất là cung đường tiếp giáp Đông – Tây Trường Sơn. Sự yên tĩnh đến độ nếu bạn xuống xe, đứng dưới chân núi sẽ nghe tiếng chim kêu, vượn hú lảnh lót và còn có thể nghe thấy  tiếng xoàn xoạt vỗ cánh cửa những con chim Hồng hoàng to lớn bên vạt rừng thưa dưới triền đồi.

T.C.Đ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT