Vì sao nhiều người bị ám ảnh bởi Bali?
Bali chỉ là một trong số hơn 17.500 hòn đảo ở Indonesia nhưng dường như là điểm đến duy nhất nhiều người biết tới với hàng triệu khách du lịch quốc tế đổ về mỗi năm, theo SCMP.
Indonesia bao gồm hơn 17.500 hòn đảo, hơn 270 triệu người sinh sống và là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.
Dù vậy, Indonesia dường như thiếu sự công nhận tên tuổi ở nước ngoài. Đó là điều mà cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri than thở trong sự kiện trực tuyến gần đây.
“Khi tôi đến một đất nước xa lạ, ai đó hỏi tôi tới từ đâu và tôi nói là Indonesia, họ sẽ hỏi ngược lại: ‘Indonesia ở đâu?’”, bà nói với trang tin tức Coconuts Bali.
Để giúp những người này bớt bối rối, Megawati sau đó hỏi: “Bạn có biết Bali?”.
Bà cho rằng khó có cách giải thích nào cho thắc mắc “Indonesia ở đâu?” nhanh chóng bằng cách đề cập tới hòn đảo này.
Đền Uluwatu trên hòn đảo Bali nổi tiếng thế giới.
Nhưng tại sao lại như vậy?
Megawati nêu quan điểm: “Bởi vì Bali lưu giữ được những nét văn hóa địa phương, giá trị vùng miền”.
Tuy nhiên, theo cây viết Mercedes Hutton của SCMP, điều đó dường như quá đơn giản. Mặc dù nuôi dưỡng bản sắc Ấn Độ giáo, “hòn đảo của các vị thần” không phải là nơi duy nhất ở Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, ca ngợi sự độc đáo đó.
Theo ước tính của Nhóm Công tác Quốc tế về Các vấn đề Bản địa trên khắp Indonesia, 50-70 triệu người bản địa cố gắng bảo tồn văn hóa và các giá trị khu vực. Họ thường xuyên đối mặt với “tội phạm hóa và bạo lực, thường liên quan đến việc đầu tư vào các vùng lãnh thổ bản địa”.
Hàng triệu du khách quốc tế đổ về Bali mỗi năm có thể là một yếu tố. Điều đó kéo theo rất nhiều hình ảnh trên Instagram và bài báo. Dường như khách du lịch và giới truyền thông đang bị ám ảnh bởi Bali, Hutton nhận định.
Hàng triệu du khách quốc tế đổ về Bali mỗi năm và liên tục check-in trên mạng xã hội.
Vẻ đẹp của Bali là điều không còn phải nghi ngờ. Nhưng hòn đảo cũng tồn tại các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, xây dựng không ngừng và núi rác thải nhựa.
Bali cũng không đẹp hơn một số địa điểm ít được biết đến của đất nước. Những gì hòn đảo này có là cơ sở hạ tầng; trình độ thông thạo tiếng Anh và ngày càng nói tốt tiếng Quan Thoại và tiếng Nga; không có các hạn chế về rượu hoặc quy định trang phục.
Tất cả điều trên đều giải thích được sự quan tâm của du khách đối với hòn đảo. Điều này vẫn tồn tại ngay cả khi du lịch phải tạm dừng vì những hạn chế liên quan đến Covid-19.
Gần đây, những câu chuyện về hòn đảo này bao gồm: Bali thiệt hại như thế nào khi không có người đến; hòn đảo là “thiên đường” cho khách du lịch và người nước ngoài chọn ở lại; nơi này trở thành “địa ngục” khi số ca bệnh gia tăng.
Tờ Daily Mail Australia mới đây đưa tin: “Hàng trăm người Australia phải sơ tán khỏi Bali do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Điều này cho thấy đại dịch đã tàn phá thánh địa du lịch một cách tồi tệ như thế nào”.
Bất cứ ai đã từng đọc “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” của nữ nhà văn Elizabeth Gilbert ắt hẳn sẽ thầm thương trộm nhớ Bali...