Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế trong đón khách du lịch quốc tế
Từ cải cách thủ tục xuất nhập cảnh, quản lý chất lượng dịch vụ đến chống gian lận thương mại, mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu nâng cao trải nghiệm và vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế từ hoạt động đón khách quốc tế vào Việt Nam, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Công điện số 34 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ VHTTDL trong việc đề xuất các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế. Ông yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là các giải pháp đột phá về quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy nhanh chuyển đổi số và xanh, cải thiện tiếp cận điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Bộ VHTTDL được giao tiếp tục theo dõi xu hướng du lịch toàn cầu, nghiên cứu chính sách cạnh tranh của các nước, từ đó tham mưu Chính phủ các chiến lược dài hạn. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, lưu trú, điểm đến và xử lý vi phạm để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh.
Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, cư trú và lao động nước ngoài trong ngành du lịch. Bộ này cũng được giao nghiên cứu cải tiến thủ tục tại cửa khẩu nhằm giảm chi phí, thuận tiện hơn cho du khách, nhất là ở khu vực biên giới.
Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra điểm bán hàng phục vụ khách quốc tế, xử lý các hành vi gian lận thương mại. Bộ Nội vụ và các địa phương kiểm soát chặt việc sử dụng lao động nước ngoài không phép. Bộ Tài chính được giao giám sát thuế, cải cách quy trình hoàn thuế VAT cho du khách quốc tế, ứng dụng công nghệ để tăng tính minh bạch, thuận tiện.
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện pháp lý và hạ tầng thanh toán điện tử an toàn, kết nối thanh toán xuyên biên giới với các thị trường trọng điểm. Đồng thời, siết chặt giám sát gian lận tại các điểm thanh toán.
UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm. Công tác tuyên truyền ý thức du lịch trong cộng đồng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng dịch vụ, xử lý tình trạng “chặt chém”, lừa đảo du khách cũng được nhấn mạnh.
Các địa phương cần hoàn thiện hệ thống tiếp nhận phản ánh như đường dây nóng, ứng dụng du lịch thông minh để kịp thời hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi du khách. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo Bộ VHTTDL xử lý theo quy định.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các hiệp hội địa phương được giao tăng cường kết nối hội viên, đào tạo nhân lực du lịch, tổ chức chương trình kích cầu gắn với đảm bảo chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực.