Phượt thủ là tương lai của du lịch hậu Covid-19?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dân du lịch bụi giúp giảm thiểu áp lực xã hội và môi trường lên những nơi họ tới thăm, điều nhiều điểm đến mong muốn thực hiện sau đại dịch.

Ngành du lịch và những nền kinh tế phụ thuộc vào nó đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải chính quyền nào cũng muốn nhanh chóng quay trở lại tình trạng trước đây, theo South China Morning Post.

Cụ thể, ở New Zealand, việc đóng cửa trong đại dịch đã tạo cơ hội thu hút du khách thượng lưu. Quốc gia này đã thành lập Chương trình Đối tác Cao cấp để tài trợ công ty du lịch nhắm tới khách hàng giàu có.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Tây Ban Nha, ông Reyes Maroto, khẳng định với tờ Financial Times: "Chúng tôi đang chuyển mục tiêu từ tăng lượng du khách sang thu hút người giàu đi nghỉ dưỡng dài hạn".

"Tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp giúp duy trì doanh thu, đồng thời giảm áp lực môi trường và xã hội lên điểm du lịch", Denis Tolkach, giáo sư ngành du lịch tại Đại học James Cook (Australia), cho biết.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là du khách thượng lưu luôn tốt hơn khách du lịch bình dân. Ví dụ, dân du lịch bụi có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương, thậm chí hơn cả những vị khách giàu có.

Phượt thủ là tương lai của du lịch hậu Covid-19? - 1

Dân du lịch bụi là đối tượng khách hàng tiềm năng cho ngành công nghiệp này sau Covid-19. Ảnh: Along Dusty Roads.

Lợi thế của du lịch bình dân

Ở châu Á, Thái Lan và Sri Lanka đang cố gắng thu hút những du khách có khả năng chi trả cao.

Viktor Laiskodat, thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara (Indonesia), phát biểu với tờ Tempo vào tháng 11/2020: "Những du khách đến nơi đây phải là người giàu có. Nếu không thuộc tầng lớp thượng lưu, họ nên tới các điểm như Jakarta, Bali hoặc Lombok (Indonesia)".

Tuy nhiên, không phải điểm du lịch nào cũng đủ tiền và tham vọng để kén chọn du khách.

"Một số nơi thiếu nguồn lực tài chính, nhân sự và khung chính sách để phát triển dịch vụ du lịch cao cấp", Tolkach nhận định.

Dù vậy, sức hấp dẫn của khách hàng thượng lưu là không thể chối cãi. Tập trung vào phân khúc này có thể giảm tình trạng quá tải ở các thành phố như Venice (Italy) và Amsterdam (Hà Lan) trước đại dịch, hoặc sự ô nhiễm tại các bãi biển châu Á.

Phượt thủ là tương lai của du lịch hậu Covid-19? - 2

Nhiều điểm đến muốn tập trung vào nhóm du khách thượng lưu nhằm giảm áp lực môi trường, xã hội. Ảnh: Shutterstock.

Khách du lịch bình dân cũng gồm nhiều loại người. Trong đó, dân du lịch bụi có cách hành xử khác với khách đi theo chuyến trọn gói.

“Những phượt thủ thường chịu tiếng xấu là keo kiệt. Trên thực tế, họ chỉ lựa chọn cẩn thận khi tiêu tiền. Họ có thể tránh những nhà hàng, khách sạn đắt tiền, nhưng rất sẵn lòng bỏ hàng trăm USD cho những hoạt động mạo hiểm như lặn biển, leo núi”, Nikki Scott, người sáng lập nền tảng Backpackers International, cho biết.

“Số tiền họ bỏ ra sẽ trực tiếp đến tay người dân địa phương, từ đó giúp phân bố lại tài sản”, Bruce Poon Tip, người sáng lập công ty du lịch G Adventures, cho hay.

Theo những nghiên cứu của giáo sư Tolkach, dân du lịch bụi có ý thức về môi trường hơn khách đại trà. Hơn nữa, họ thường ở lại điểm đến trong thời gian dài, nên tổng chi tiêu sẽ lớn hơn khách hàng cao cấp ngắn ngày.

Nhiều người cho rằng dân du lịch bụi là những kẻ thác loạn, nghiện ngập. "Điều này hoàn toàn không đúng", Scott nói.

Poon Tip thừa nhận rằng dù có một vài du khách như vậy, cụm từ “dân du lịch bụi” bao gồm rất nhiều loại người. Hầu hết đều không như những lời miêu tả trên.

“Họ có thể là gia đình du mục, người đang có khoảng nghỉ sự nghiệp hoặc dân du mục kỹ thuật số. Những doanh nghiệp nhỏ đã luôn trân trọng giá trị của khách du lịch bụi", Scott cho biết.

Tương lai cho du lịch bụi

Mối quan tâm về môi trường ngày càng được đặt nặng. "Khách du lịch bụi có gây ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Đó là bởi họ không thuê phương tiện cá nhân và thường đi theo nhóm nhỏ”, Poon Tip nói.

Scott cho biết những du khách giàu có không hiểu rõ tình trạng của đất nước họ tới thăm. Họ chỉ tiếp xúc với hình ảnh hào nhoáng mà không để tâm đến những vấn đề như sự đói nghèo hay tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa.

“Mặt khác, dân du lịch bụi sẽ được mở mang về tình hình thế giới từ chuyến đi của họ. Một số người còn dành hàng tuần hoặc tháng làm tình nguyện ở một đất nước hoặc bắt đầu các dự án xã hội và môi trường của riêng mình”, Scott chia sẻ.

Tolkach chỉ ra rằng sự giao lưu văn hóa sẽ giảm thiểu tình trạng bài ngoại ở các nước.

“Ở Australia và New Zealand, khách du lịch bụi có thể ở lại và làm việc trong ngành nông nghiệp và khách sạn”, ông cho biết.

Tony Wheeler, người sáng lập công ty Lonely Planet, đam mê du lịch bụi. "Chúng tôi là người tiên phong khám phá những điểm đến tuyệt vời", ông nói.

Ông hy vọng những khách du lịch độc lập sẽ khởi động lại ngành này hậu Covid-19.

Phượt thủ là tương lai của du lịch hậu Covid-19? - 3

Khách du lịch bụi sẽ khởi động lại ngành này sau Covid-19. Ảnh: Tortuga Backpacks.

"Nhu cầu du lịch đã bị dồn nén trong đại dịch. Có một mối lo ngại là khi bình thường mới trở lại, du khách sẽ dồn dập kéo đến những điểm họ đã thăm trước đại dịch", Tolkach cho biết.

Bali là một trường hợp thú vị. "Một mặt, hòn đảo muốn thay đổi hướng phát triển du lịch sau đại dịch để tăng tính bền vững. Mặt khác, người dân khao khát có thật nhiều du khách để khôi phục nền kinh tế", ông nói thêm.

Cuối cùng, điều quan trọng đối với một điểm đến là phải có sự kết hợp tốt giữa chất lượng dịch vụ và thị trường. "Không nên dựa dẫm vào một kiểu khách hàng duy nhất", Tolkach nhận định.

Du lịch cao cấp có lợi cho việc tăng trưởng doanh thu. Nhưng du lịch bình dân mang lại nhiều cơ hội việc làm và kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.

Với các điểm du lịch đang loay hoay tìm hướng đi, liệu họ có muốn khách hàng chỉ là những người đến tham quan ngắn ngày và dành phần lớn thời gian trong khu nghỉ dưỡng?

"Chẳng phải nên đầu tư vào những du khách ở lại lâu dài và ủng hộ kế sinh nhai của người dân địa phương?", Wheeler đặt câu hỏi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mai Hoàng (Zing News)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.