Phân biệt sâm thật - sâm giả tại phiên chợ bán “quốc bảo” núi rừng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phiên chợ sâm Ngọc Linh không chỉ quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum mà còn là dịp để du khách thập phương biết và mua sắm “quốc bảo” núi rừng ngay giữa thủ phủ của sâm Ngọc Linh.

Ngày 24/4, UBND huyện Tu Mơ Rông đã khai mạc phiên chợ sâm Ngọc Linh với 46 gian hàng của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cơ sở trồng, sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và các sản phẩm đặc hữu trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tham gia.

Phân biệt sâm thật - sâm giả tại phiên chợ bán “quốc bảo” núi rừng - 1

Gian hàng phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả tại phiên chợ

Phiên chợ sâm được diễn ra theo hình thức chợ trực tiếp và trực tuyến trên trang thương mại điện tử. Chương trình nhằm quảng bá du lịch của huyện gắn với các sự kiện lớn của tỉnh; đón khoảng 700 khách du lịch là các hiệp hội du lịch, lữ hành của các tỉnh, các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan truyền thông cả nước về tham quan phiên chợ và tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Đây là lần đầu tiên, huyện vùng sâu này đón tiếp một lượng khách du lịch đông đảo như vậy. Không chỉ du khách, hàng trăm chuyến xe của các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng nối nhau đem sản phẩm của mình đến phiên chợ để chào bán, trưng bày. Khách hàng tham dự phiên chợ có thể yên tâm lựa chọn, mua cho mình những củ sâm, sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tốt nhất. Bên cạnh đó, có thể mua thêm các loại cây dược liệu khác như: hồng đẳng sâm, nấm linh chi…

Phân biệt sâm thật - sâm giả tại phiên chợ bán “quốc bảo” núi rừng - 2

Phân biệt sâm Ngọc Linh và tam thất rừng

Tại phiên chợ, UBND huyện Tu Mơ Rông đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum dành riêng một gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh thật và các loại củ giống với sâm Ngọc Linh để du khách đến tham gia phiên chợ có thể nhận biết, phân biệt. Không chỉ vậy, gian hàng này còn trưng bày hàng loạt hình ảnh sâm Ngọc Linh giả được rao bán trên mạng xã hội, hình ảnh sâm Ngọc Linh giả mà các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý.

Phân biệt sâm thật - sâm giả tại phiên chợ bán “quốc bảo” núi rừng - 3

Những cây sâm Ngọc Linh được trưng bày tại phiên chợ

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, các sản phẩm trước khi được đưa vào bán tại các gian hàng đã được sàng lọc rất kỹ lưỡng.

Các gian hàng bày bán sản phẩm tại đây phải có xác nhận của thôn, xã nơi trồng sâm Ngọc Linh để xác định vùng trồng. Bên cạnh đó, thành lập tổ thẩm định sâm, gồm những cán bộ chuyên môn, người dân trực tiếp trồng sâm có kinh nghiệm lâu năm để có thể phân biệt sâm Ngọc Linh và những loại củ giống sâm Ngọc Linh. Với các sản phẩm nghi ngờ sẽ niêm phong, gửi kiểm định để xác định về gen, chi phí do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Phân biệt sâm thật - sâm giả tại phiên chợ bán “quốc bảo” núi rừng - 4

Các hoạt động bên lề phiên chợ được tổ chức như: Chiến dịch và rừng sẽ lên xanh với mục tiêu trồng, quản lý và bảo vệ rừng để bảo đảm mục tiêu phát triển dược liệu; các hoạt đông văn hóa thể thao gồm giải bóng đa tranh cúp K5; liên hoan cồng chiêng và liên hoan ẩm thực; hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm, chiến dịch đưa lan về rừng. Những hoạt động này mang thông điệp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh gắn với du lịch và các sản phẩm đặc hữu huyện Tu Mơ Rông do Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tài trợ chính.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax Vietnamensis, được phát hiện lần đầu vào năm 1973, ở vùng núi Ngọc Linh giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam. Loài cây này khiến các nhà khoa học sững sờ bởi họ liên tục phát hiện ra những tính năng “thần dược” của nó.

Theo nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế, sâm Ngọc Linh có tới 52 loại hợp chất saponin có tác dụng đặc biệt tốt với sức khỏe con người, đặc biệt trong việc phòng ngừa ung thư, trong khi sâm Hàn Quốc chỉ có 24 hợp chất saponin. Hơn thế nữa, sâm Ngọc Linh còn chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Vì thế, với giới khoa học và y dược học, sâm Ngọc Linh được xếp vào top đầu những loài sâm quý hiếm nhất thế giới, có giá trị ngang bằng, thậm chí còn hơn cả sâm Hoa Kỳ hay sâm Hàn Quốc. 

Từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng do bị khai thác vô độ của con người, năm 1997, nhờ được bảo tồn kịp thời tại khu vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 rộng gần 1.000 ha thuộc huyện Tu Mơ Rông, cây sâm đã được hồi sinh và hiện đang được gieo trồng, phát triển hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển theo quy mô lớn, UBND huyện Tu Mơ Rông và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh còn tổ chức tặng cây giống, khuyến khích người dân tự trồng sâm để ổn định cuộc sống, bảo vệ rừng, làm giàu cho gia đình, đồng thời tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, hướng tới mục tiêu phát triển thành ngành công nghiệp chế biến sâu dựa trên sản vật quý báu này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT