Kon Tum nằm ở vị trí xa nhất về phía Bắc của dải đất Tây Nguyên màu mỡ. Theo ngôn ngữ Ba Na, thì Kon là làng, Tum là hồ nên Kon Tum là cách chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông Đăk Bla.
Dạo quanh trung tâm thành phố Kon Tum có hàng loạt địa điểm phải ghé thăm. Nổi tiếng nhất là Nhà thờ Chính Tòa, hay còn có tên gọi thân thuộc là Nhà thờ gỗ Kon Tum, công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt cả về mặt tôn giáo lẫn du lịch, văn hóa.
Nhà thờ gỗ Kon Tum.
Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, được xây dựng từ năm 1913 và kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Chính vì vậy, Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác giao thoa giữa văn hóa bản địa và phương Tây.
Đặc biệt, việc xây dựng nhà thờ gỗ không dùng đến một cây đinh nào, tất cả đều là mộng gỗ ghép lại với nhau. Dù vậy, trải qua hơn 100 năm sương gió, nắng mưa, cùng bao biến động lịch sử, công trình vẫn đứng vững cùng thời gian.
Ngày nay, nhà thờ gỗ không chỉ là nơi giáo dân đến cầu nguyện, làm lễ mà còn mở cửa cho khách du lịch tham quan, chụp hình kỷ niệm, các cặp đôi đến chụp hình cưới.
Rời Nhà thờ gỗ, du khách có thể tới nhà rông Kon Klor có chiều dài 17m, rộng 6m và chiều cao của nóc là 22m. Đây được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum và Tây Nguyên nói chung.
Nhà rông Kon Klor được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết sắc sảo đặc trưng của dân tộc Ba Na. Nhà rông là nơi rất quan trọng với đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, thường diễn ra những sinh hoạt văn hóa quan trọng của thôn làng: đám cưới, lễ hội, họp…
Ngay cạnh nhà rông là cầu treo Kon Klor bắc ngang dòng sông Đăk Bla xanh trong nối đôi bờ phố thị và làng mạc của người đồng bào dân tộc.
Cây cầu Kon Klor mang sắc đỏ vàng bắt mắt, nên cũng trở thành một điểm check-in khá nổi tiếng ở Kon Tum. Cầu có chiều ngang khá nhỏ nên chỉ vừa một xe ô tô chạy – các xe hai đầu cầu phải quan sát và nhường đường, ra hiệu cho nhau khi qua cầu.
Sau khi dạo chơi ở trung tâm, bạn có thể lái xe hoặc thuê một chiếc xe máy hướng về huyện Ngọc Hồi thăm cột mốc ngã ba Đông Dương, biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, nơi mà trước đây tôi chỉ nghe trong các bài học Địa lý: một con gà gáy, cả ba nước cùng nghe.
Con đường từ thành phố Kon Tum ra ngã ba Đông Dương rộng và dài thẳng tắp, đi giữa những khu vườn trồng mía, xa xa trước mặt là núi, trên đầu là nền trời xanh thăm thẳm. Sau khi qua cửa khẩu Bờ Y và làm thủ tục tại trạm biên phòng, du khách có thể lái xe theo con đường quanh co, uốn lượn quanh những sườn đồi dốc, rồi tự mình chinh phục những bậc thang dốc lên cột mốc biên giới ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia và tận hưởng sự hùng vĩ, bao la của đất trời.
Đến Kon Tum, nếu thong thả bạn có thể dành thời gian nghỉ dưỡng ở Măng Đen - vùng đất được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên.
Thiên đường nghỉ dưỡng Măng Đen. Ảnh: Hà Nguyễn.
Măng Đen là một thị trấn cao nguyên thuộc huyện Kon Plông cách trung tâm thành phố Kon Tum 60km. Măng Đen được ví như nàng công chúa vẫn đang say ngủ giữa núi rừng. Cung đường lên Măng Đen với điểm nhấn đặc biệt là rừng thông xanh mướt hai bên đường. Nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển, giữa hai con đèo Măng Đen và đèo Violac, nhiệt độ ở thị trấn này chỉ dao động từ 18-22 độ C, quanh năm mát mẻ.
Thế nhưng có một điều rất khác ở Măng Đen: sự vắng bóng của du khách và những phút giây trầm lắng của thị trấn giữa rừng khi cả con đường lớn chìm vào yên tĩnh, chỉ nghe tiếng thông reo, tiếng gió cuốn lá khô xào xạc. Đến Măng Đen, thậm chí chẳng cần bản đồ hay chỉ dẫn, bạn dễ dàng bắt gặp những thác nước, cánh rừng hoang sơ. Đi sâu vào những con đường xa là những nông trại bạt ngàn cam, dâu tây, cà chua và hoa trái theo mùa. Hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ muốn ngồi thật lâu ở những quán café ấm áp nhỏ xinh nhìn ra những cánh rừng chìm dần trong màn sương, hay hít hà xuýt xoa bên những nồi lẩu cay nghi ngút khói.
Nếu mê núi rừng, bạn có thể chinh phục đỉnh Ngọc Linh. Với độ cao 2.605m, núi Ngọc Linh được mệnh danh là nóc nhà của Tây Nguyên và cả khu vực phía Nam, tính từ Bạch Mã trở vào. Đây là ngọn núi linh thiêng của người Xê Đăng và cũng là niềm ao ước của những người thích leo núi. Vượt hơn 100km đường đèo núi quanh những cánh rừng già, đỉnh núi Ngọc Linh với nhiều truyền thuyết bí ẩn sừng sững hiện ra trước mắt.
Vườn Sâm Ngọc Linh K5 do công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chủ quản.
Với lớp đất vàng đỏ trên đá granite dày trên 50cm, có độ mùn cao, tơi xốp và rừng nguyên sinh còn rộng, đây là vùng đất hội tụ của các loài thảo dược quý, trong đó có sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 - thương hiệu bao hàm những giá trị của truyền thống và hiện đại.
Sâm Ngọc Linh được trồng hoàn toàn tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh trên đỉnh Ngọc Linh.
Vườn Sâm Ngọc Linh K5 do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chủ quản, là một trong những đơn vị bảo tồn, nhân giống và phát triển gen gốc giống lớn nhất Việt Nam. Vườn Sâm Ngọc Linh K5 rộng hơn 7.000ha, với hơn 1.000ha sâm Ngọc Linh đã được đưa vào hoạt động, khai thác. Sâm ở đây được trồng hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên dưới những tán rừng nguyên sinh trên đỉnh Ngọc Linh.
Đây là loài thảo dược quý hiếm, từ xa xưa đã được đồng bào Xơ Đăng sống quanh vùng dùng để chữa rắn cắn, đau bụng. Năm 1973, sâm Ngọc Linh được các dược sĩ phát hiện, có nhiều tên gọi khác như sâm K5, sâm đốt trúc, củ ngải rọm con, cây thuốc giấu. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 52 hợp chất saponin, trong khi sâm Hàn Quốc chỉ có 24 saponin. Ngoài ra, 26 hợp chất saponin của sâm Ngọc Linh có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác.
Con đường chinh phục đỉnh Ngọc Linh bắt đầu từ ngôi làng Năng Long, băng qua những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, xuyên qua những tán rừng già rậm rạp. Nhiều đoạn phải men theo thác nước trơn trượt, dây leo chằng chịt.
Tạm rời thành phố náo nhiệt, hãy đến với Kon Tum để hòa mình vào tiếng cồng chiêng rộn rã, ngất ngây say men rượu cần và lắng lòng mình trong khung cảnh thiên nhiên trong lành bình yên.