Băng rừng, vượt dốc… Mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ mới lên đến gần đỉnh núi Ngọc Linh.
Mười năm trước, người ta phải trèo đèo lội suối như thế mới đến được một khu vườn “bí mật” nằm trên đỉnh núi: Vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Để có được khu vườn sâm quý giá vào hàng bậc nhất thế giới này, từ hơn 20 năm qua, chủ vườn đã bỏ ra lượng công sức và tiền của khổng lồ để bảo tồn cây sâm trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Bắt đầu từ việc đi gõ cửa từng nhà để tìm mua từng cây sâm tự nhiên về làm giống, rồi gieo trồng, có lúc mất mát, hư hại đến 70-80%… nhưng những người trồng sâm vẫn kiên trì giữ sâm và giữ rừng, như những báu vật thiêng liêng của đại ngàn.
Và trời đã không phụ lòng người!
Cây sâm, sau hơn 20 năm bảo tồn và phát triển, giờ đã trở thành sản phẩm mang lại doanh thu cao và danh tiếng đáng tự hào không chỉ của Kon Tum. Năm 2018, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, đến thăm vườn sâm, ông đã trao danh hiệu “quốc bảo” - báu vật của quốc gia - cho loài cây quý này.
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học là Panax Vietnamensis, được phát hiện lần đầu vào năm 1973, ở vùng núi Ngọc Linh giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam. Loài cây này khiến các nhà khoa học sững sờ bởi họ liên tục phát hiện ra những tính năng “thần dược” của nó.
Theo nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế, sâm Ngọc Linh có tới 52 loại hợp chất saponin có tác dụng đặc biệt tốt với sức khỏe con người, đặc biệt trong việc phòng ngừa ung thư, trong khi sâm Hàn Quốc chỉ có 24 hợp chất saponin. Hơn thế nữa, sâm Ngọc Linh còn chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Vì thế, với giới khoa học và y dược học, sâm Ngọc Linh được xếp vào top đầu những loài sâm quý hiếm nhất thế giới, có giá trị ngang bằng, thậm chí còn hơn cả sâm Hoa Kỳ hay sâm Hàn Quốc.
Nhưng sâm Ngọc Linh không dễ trồng. Một khi đã nhổ lên để lấy củ thì đồng nghĩa với việc chấm dứt vòng đời của một cây sâm. Vì thế, nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn, cả vùng rừng nguyên sinh rộng lớn cũng có thể hoang tàn trơ trụi chỉ sau vài thập kỷ.
Ở vùng sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, chữ “nếu” đó cũng suýt từng là sự thật.
May thay…
Cuối những năm 1990, trước nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn do sự khai thác vô độ của con người, sâm Ngọc Linh đã được một doanh nghiệp âm thầm bảo vệ, “bí mật” trồng và giữ gìn. Kiên trì và lặng lẽ, họ đã bền bỉ phát triển từ vườn sâm nhỏ ban đầu thành vùng nguyên liệu lên đến gần 1.000 hecta trong suốt hơn 20 năm qua. Khu vườn này được đặt tên là “vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5”, hiểu đơn giản là vườn sâm Ngọc Linh ở khu 5 thuộc tỉnh Kon Tum. Cùng với tên gọi mang tính chất “chỉ dẫn địa lý” như thế, trên mỗi củ sâm chính gốc được trồng từ khu vườn này còn gắn thêm mã QR Code để bất cứ ai cũng có thể “quét” và kiểm tra xuất xứ của sản phẩm.
Nhưng mấy ai biết, để có một củ sâm có lai lịch rõ ràng như vậy, những người bảo tồn phải mất khoảng chục năm gian nan vất vả. Chỉ sống trong đất có độ mùn dày, không được bón bất kỳ loại phân gì, và tiếp nhận ánh nắng từ 30% đến 40% nên sâm Ngọc Linh phải được lớn lên dưới các tán cây cổ thụ. Vì thế, nếu phá rừng thì đồng nghĩa với phá sâm. Chưa kể sâm có rất nhiều địch hại. Nhím, sóc, dúi, tê tê… rất khoái ăn củ sâm, chim thì tìm ăn hạt, còn con người… thì thích ăn hết, từ rễ cho tới lá, thân, hoa, hạt… bởi họ biết đây là “thần dược”. Do vậy, bảo vệ cây sâm nghĩa là phải bảo vệ qua ít nhất ba lớp tấn công: mưa nắng tự nhiên, các loài chim thú và… những người đào trộm.
Ai đến thăm vườn sâm cũng sẽ thấy, sâm được trồng trong những lưới sắt được đào xuống đất 40cm để chống thú rừng, rồi lại được chụp thêm chiếc giỏ đan bằng mây để bảo vệ những bông hoa quý… Y như nàng công chúa đẹp giữa thành cao hào sâu vững chãi.
Sâm Ngọc Linh từng được trồng thử ở một số vùng khác, nhưng do tính đặc hữu liên quan đến thổ nhưỡng, khí hậu nên không thành công. Ngay ở khu vực núi Ngọc Linh, cũng không phải nơi nào cũng trồng được giống cây quý này. Phải ở độ cao xấp xỉ 2.000 mét và trong môi trường của rừng tự nhiên, loại sâm này mới có thể phát triển. Chính giá trị quý thật sự của cây sâm, cùng với sự khó khăn trong bảo tồn và phát triển, khiến cho sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 chính hiệu hiện nay có giá rất cao trên thị trường, có thể lên tới 300 triệu đồng/ký cho những cây sâm trên 15 năm tuổi.
Sau khi bảo tồn thành công, vườn sâm “bí mật” vẫn tiếp tục được giữ gìn và phát triển theo hai hướng: vừa được ươm tạo trong vườn của doanh nghiệp, vừa được Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát giống miễn phí để bà con có thể tự trồng và thu hoạch cho riêng mình.
Đây là chiến lược để đưa loài dược liệu quý này trở thành sản phẩm xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu, cho nhiều bản làng tại Tây Nguyên. Từ khi chuyển qua trồng sâm, đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Xơ Đăng, vừa có thêm đồng lương ổn định hàng tháng, vừa được doanh nghiệp tặng cây giống để làm giàu cho mình. Vì thế, bà con nay đã bỏ tập tục đốt rừng làm nương, kiên quyết bảo vệ rừng bởi họ hiểu: chỉ khi giữ được rừng già thì sâm mới phát triển, nhờ đó họ mới có cuộc sống ổn định, vững bền.
Không dừng lại ở đó, chính quyền tỉnh cũng như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang hướng tới một tầm nhìn chiến lược hơn. Đó là phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu từ cây sâm Ngọc Linh, biến “quốc bảo” trở thành các sản phẩm quốc kế dân sinh.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt sản phẩm mới ra đời, chiết xuất từ sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, như nước tăng lực sâm Ngọc Linh Night Wolf, yến sâm Ngọc Linh, rượu sâm, viên uống sắc đẹp và sinh lý Love, trà sâm Ngọc Linh Kon Tum K5… đã bắt đầu hiện diện trong các siêu thị, tạp hoá, hiệu thuốc, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tiếp cận được sản phẩm quý với giá thành hợp lý nhất. Cây sâm Ngọc Linh đã được hồi sinh và đang tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, mang về doanh thu tiềm năng hàng tỉ đô la cho đất nước, đồng thời tạo ra cơ hội phát triển thêm một thương hiệu quốc gia mới cho Việt Nam, bên cạnh cà phê và lúa gạo.
Đó thật sự là quà tặng của rừng thiêng!