Nơi tận cùng của Trái Đất
Bờ biển Skeleton, thường được biết đến với tên gọi "nơi tận cùng của Trái Đất", là một lời nhắc nhở lạ kỳ và đẹp đẽ về sự choáng ngợp của con người trước thiên nhiên và thời gian.
Trong chuyến hành trình đi đến bờ biển Skeleton ở Namibia, cây bút Genna Martin của New York Times kể lại họ đã lái xe suốt 4 tiếng đồng hồ nhưng chưa từng thấy một sinh vật nào khác. Không có người. Không có ôtô. Chỉ có sự lạ kỳ, hư vô trải dài về phía nam đến tận chân trời.
Namibia là một quốc gia ở phía Nam châu Phi. Bờ biển Skeleton hoang sơ bắt đầu từ biên giới phía bắc của Namibia với Angola, và kéo dài 482 km về phía nam đến thị trấn Swakopmund - nơi trước đây là thuộc địa của Đức, từng có các tiệm bánh và quán bia sân vườn nằm đầy các con phố.
Thị trấn cảng Swakopmund được thành lập năm 1892 với tư cách là thuộc địa của Đế quốc Đức. Đến nay, ngôn ngữ và kiến trúc Đức vẫn còn ngự trị ở đây. 2.000 người của bộ lạc Herero từng bị giết tại trại tập trung do quân đội Đức điều hành, trong các cuộc chiến Herero vào đầu những năm 1900. Nhiều năm sau, thị trấn trở thành điểm đến du lịch của người dân Namibia, chủ yếu là người da trắng.
Trong ảnh, đường cao tốc C34, dọc theo bờ biển của Namibia, hầu như không thể phân biệt được với sa mạc xung quanh. Bên trái sa mạc. Bên phải đại dương. Ở giữa là một con đường đầy muối và cát nối chặt giữa hai phần. Dưới bầu trời u ám, ba bề mặt cát - biển - đường mờ dần thành một vệt màu nâu xám không thể phân biệt được.
Cổng Ugab, lối vào phía nam của bờ biển Skeleton, với hình ảnh cảnh báo về những nguy hiểm và điều kiện khắc nghiệt đang chờ đợi du khách ở phía bên kia. Điều kiện khắc nghiệt và khô hạn là lý do cho sự ra đời của tên gọi Skeleton (tạm dịch: bộ xương). Tới Skeleton, người ta sẽ nhìn thấy sự nổi bật của các bộ xương động vật và xác tàu đắm rải rác trên bờ biển. Nhiều loài động vật đã thử và thất bại, thậm chí là bỏ mạng khi cố gắng biến nơi này thành nhà hoặc điểm dạo chơi. Vùng đất này trở thành một trong những điểm du lịch khắc nghiệt, cô độc nhất hành tinh.
Trong bài viết của mình, Genna Martin đánh giá khu vực này cất giữ một sự pha trộn không giống bất kỳ nơi nào khác trên quả địa cầu - giữa các nền văn hóa, phong cảnh và giống loài - đôi khi gợi lên hình ảnh của một vùng đất hoang vu hậu tận thế.
Điểm tận cùng của sa mạc khô cằn này là Đại Tây Dương hung hãn - nơi biển khơi từng khiến nhiều thủy thủ, tàu bè, máy bay và động vật phải bỏ mạng. Những xác tàu biển, máy bay rỉ sét, hay xương động vật phơi trắng xóa là lời nhắc nhở về sự nghiệt ngã của nơi đây. Đó là một vùng đất khắc nghiệt, hầu như không có gì mọc lên, và nguy hiểm rình rập mọi nơi, từ những ngọn núi hoang vu đến sương mù dày đặc ven biển. Trong ảnh là dấu tích của South West Seal, một tàu cá mắc cạn năm 1976.
Những dấu vết nhân tạo ít ỏi ở đây đều đang trong tình trạng mục nát: Biển báo chỉ đường đã phai màu loang lổ, một giàn khoan dầu bỏ hoang chỉ còn lại đống rỉ sét, đang dần bị ăn mòn bởi thời gian, cát và không khí biển. Trong ảnh là tàn tích của một giàn khoan dầu cũ bị ăn mòn (bên phải), cùng hộp sọ của một con linh dương châu Phi và các động vật khác được gắn vào cột gỗ dọc theo đường cao tốc (bên trái).
Dọc theo con đường, Genna Martin băng ngang những địa điểm kỳ lạ khác như khu bảo tồn hải cẩu Cape Cross, nơi sinh sống của hơn 200.000 con hải cẩu lông nâu lớn nhất thế giới.
Genna Martin cũng đi qua khu khai thác muối ở Vịnh Walvis, nơi những vựa muối khổng lồ có màu hồng sáng rực bởi sự hiện diện của loài vi tảo Dunaliella salina, trông rất đồng bộ với những con hồng hạc đang rình rập săn tôm ở vùng đầm lầy gần đó.
Màu sắc của cảnh vật và đường bờ biển từ từ thay đổi, cát đỏ dần khi đi xa hơn về phía nam và đi vào Công viên Quốc gia Namib - Naukluft, nơi có sa mạc lâu đời nhất thế giới: Sa mạc Namib. Cồn cát 7 trên sa mạc đã được chụp lại vào lúc hoàng hôn. Được đo ở độ cao hơn 382 m, đây là cồn cát cao nhất ở Namibia.
Với tôi, cái đẹp của Lào không nằm ở những phong cảnh hay kiến trúc lịch sử mà chính là những người dân hiền hòa...