Tôi từng tới Lào 2 lần vào năm 2015 và 2017, kết hợp đi công việc và đi chơi. Năm 2020, tôi có ý định tự lái xe từ Việt Nam qua để khám phá nhiều hơn và thỏa mãn cái thú chạy xe lang thang nơi đất khách nhưng dịch bùng phát nên mãi đến bây giờ tôi mới quay lại đất nước xinh đẹp này.
Từ TP.HCM, chúng tôi thẳng tiến về cửa khẩu Bờ Y. Thay vì đi đường 14, tôi chọn đường 13 rồi lên đường 14C qua vườn quốc gia Bù Gia Mập và đi dọc biên giới Campuchia. Nếu bạn đi chơi và có thời gian thì nên trải nghiệm cung đường này, cảnh đẹp, đường đẹp và khá vắng.
Đến Buôn Mê Thuột, chúng tôi nghỉ lại một đêm, sau đó chạy thẳng theo quốc lộ 14, dự định ngủ ở thành phố Kon Tum nhưng lang thang chụp hình nhiều quá nên phải ở lại Pleiku. Chúng tôi hạ trại tại ở Biển Hồ. Bãi cắm trại đẹp vô cùng với bãi cỏ cực rộng, view hồ nhìn ra xa là núi lửa Chư Đăng Ya.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến cửa khẩu Bờ Y, check-in cột mốc 3 nước Đông Dương - nơi giao nhau giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau đó, đến cửa khẩu làm thủ tục giấy tờ cho 2 xe, đổi tiền mất hơn 2 giờ, các loại chi phí mất khoảng 1 triệu đồng. Đến cuối giờ chiều, chúng tôi chính thức đặt chân lên đất Lào. Vượt qua khoảng 100km đường đèo, chúng tôi đến Attapeu lúc 10 giờ 30 tối và nghỉ ở khách sạn.
Rời Attapeu, đoàn thẳng tiến về Pakse - nơi đông dân thứ 2 ở Lào. Cung đường đi khá giống với trên Tây Nguyên. Hai bên đường, người dân bán rất nhiều cây trái, có cả sầu riêng và bơ. Đến Pakse khá sớm, chúng tôi lên chùa Wat Phou Salao trên núi ngắm cảnh rồi định xuống trung tâm tìm khách sạn thì tình cờ thấy con đường mòn nhỏ. Máu đi bụi nổi lên và cái kết là có 1 bãi cắm trại với view đẹp ngẩn ngơ.
Rời Pakse, chúng tôi ngược xuống biên giới Nam Lào để bắt đầu hành trình từ Nam tới Bắc. Trên đường đi, chúng tôi có ghé thăm di tích thành cổ Wat Phu nhưng nơi này đóng cửa. Đường từ Pakse về Si Phan Don hơi xấu và phải đi phà qua sông Mê Kông. Đến Si Phan Don, chúng tôi đi dọc theo bờ sông Mê Kông tìm nơi hạ trại nhưng không thấy điểm nào phù hợp cộng thêm thời tiết quá nóng nên quyết định ngủ ở khách sạn. Du lịch Lào hiện vẫn còn chưa phục hồi nên giá phòng ở đây cũng khá rẻ và rất vắng.
Lịch trình của chúng tôi có vẻ hơi ngược đời khi đang ở trung tâm lại đi ngược xuống phía Nam dọc theo sông Mê Kông rồi vòng lại lên phía Bắc. Mục đích xuống hướng này là để khám phá Si Phan Don - một nơi nổi tiếng với rất nhiều đảo nhỏ ven sông Mê Kông. Ngoài ra, nơi này còn có thác Khone Phapheng - một thác nước trên sông Mê Kông nằm trong tỉnh Champasak của Lào gần biên giới với Campuchia, đây cũng là thác lớn nhất Đông Nam Á.
Đến đây, chúng tôi muốn qua các đảo nhỏ tham quan nhưng không có cách nào đưa xe qua được nên ăn trưa xong, chúng tôi quyết định quay về Pakse. Ở Pakse người Việt rất nhiều nên đi ăn uống mua sắm khá tiện, đỡ mỏi tay ra hiệu như 1 vài nơi khác.
Rời Pakse, chúng tôi tới Savanakhet - thành phố giáp biên giới Thái Lan nên ở đây gặp xe Thái khá nhiều. Chỉ cách nhau một con sông nhưng nhìn sang bên kia cơ sở hạ tầng phát triển hơn rất nhiều.
Hôm sau, khi chúng tôi đang đi về hướng trung tâm Thakhek thì tình cờ được một người bạn gửi cho tấm hình về 1 hang nước nằm chung hệ thống núi với tỉnh Quảng Bình có tên là Xe Bang Fai Cave.
Cung đường rất xấu, toàn bộ đường đất đỏ, tốc độ di chuyển trung bình khoảng 10km/h với đủ thứ ổ gà. Đi được khoảng 30km đến đoạn qua sông thì không qua được vì cầu bị nước cuốn, không có phà để qua. Hơi tiếc vì đã bỏ công đến đây nên chúng tôi tiếp tục mò theo dọc sông với hy vọng có đường qua, thế nhưng không tìm được. Lúc này cũng đã trễ và mệt, cả đoàn quyết định quay xe về để tìm quán ăn và khách sạn.
Sáng hôm sau, cả đoàn quyết định tới hồ nước ở Ban Tham, thế nhưng vào đến nơi thì họ đang tạm ngừng hoạt động. Đoạn đường từ đường 13 rẽ vào nơi đây rất đẹp, có nét hơi giống với đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi đi đến động Konglor tìm nơi hạ trại, để vào đây bạn sẽ băng qua 1 con đèo xung quanh là núi đá, đoạn núi đá này khá giống với cao nguyên đá Đồng Văn. Sau dịch, các dịch vụ ở đây vẫn chưa phục hồi, nhà hàng, quán ăn bỏ hoang khá nhiều. Tôi ghé vào 1 resort sát bên chỗ hạ trại, tới nơi phải tự mở cửa và vào trong đi tìm nhân viên để hỏi thuê.
Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định mua tour đi tham quan hang Konglor. Đây là một hang nước rất lớn, để đi hết thì phải đi bằng xuồng máy, vì dòng nước bên trong chảy khá xiết và quãng đường quá dài không đủ sức chèo tay. Chúng tôi cầm đèn pin soi mò từng bước vì toàn bộ hệ thống điện đều bị cắt điện do lâu nay không có khách. Đi cung này còn được khuyến mãi thêm 1 số đoạn cảm giác mạnh khi vượt qua vài đoạn nước cuồn cuộn, đường chạy xe đến bến tàu cảm giác như lạc giữa rừng già với những cây cổ thụ khổng lồ.
Rời hang động, chúng tôi về Pakxane tìm chỗ nghỉ nhưng không tìm được nơi phù hợp nên quyết định chạy thẳng tới Viêng Chăn. Tại đây người Việt cũng rất nhiều, phần lớn là người Thanh Hoá, Nghệ An nơi giáp biên với Lào sang đây làm việc.
Lần đầu đến Lào điều tôi ấn tượng nhất chính là sự tốt bụng của những người dân. Có đôi lần xe hỏng ở vùng hẻo lánh, đói bụng mà không mua được đồ ăn đều được họ giúp đỡ thân tình. Văn hóa giao thông của người Lào cũng rất đáng học tập. Do không rành đường nên đôi khi tôi dừng đèn nhầm vào làn được đi, những xe phía sau vẫn giữ khoảng cách chờ mình, không hề bóp còi và luôn chủ động nhường nhịn nhau trên đường đi.
Sau 3 ngày ở Viêng Chăn, chúng tôi đến Vang Vieng - một điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến Lào. Vang Vieng hiện vắng hơn tôi tưởng tượng, chủ yếu khách nội địa chứ không nhiều khách nước ngoài như trước.
Nơi này nổi tiếng nhất là các con suối thác có màu nước màu xanh ngọc rất đẹp nên chúng tôi muốn hạ trại ở đây. Loanh quanh tìm vài điểm nhưng không vào được, tình cờ lại ghé vào khu du lịch nọ nghỉ trưa kế bên có dòng nước từ hang chảy ra nên tìm cách xin ở lại đây cắm trại. May mắn được cho phép nên chờ đến 5 giờ chiều, khách về hết, chúng tôi đưa xe vào hạ trại một mình một cõi.
Luang Prabang là một trong những nơi không thể bỏ qua khi đến Lào, nơi đây nổi tiếng với rất nhiều công trình cổ và gần đó có thác nước Kuang Si vô cùng đẹp. Để đến đây từ Vang Vieng phải qua một con đèo khá nguy hiểm là đèo Kasi. Không có quá nhiều đoạn cua gắt nhưng dốc cao liên tục khá dài, hết con đèo đếm sơ cũng gần chục xe nằm đường.
Luang Prabang với tôi không phải là một nơi có nhiều cảnh đẹp nhưng lại cho tôi cảm giác bình yên nhất khi đến Lào. Rất khó diễn tả được cái cảm giác bình yên và nhẹ nhàng ở đây, có lẽ là vì những ngôi chùa cổ kính, những khu phố cổ mộc mạc và những người dân hết sức thiện lành. Ngay cả trong chợ tấp nập bạn cũng rất khó mà nghe người dân lớn tiếng với nhau. Họ luôn nói chuyện rất nhẹ nhàng và sẵn sàng nở nụ cười chào bạn khi nhìn họ. Một nơi rất nổi tiếng và có nhiều khách quốc tế nhưng không có cảnh chèo kéo mời mọc hay chặt chém khách.
Đến Luang Prabang có một cái thú vị mà bạn không nên bỏ qua đó là thức dậy sớm nhìn các nhà sư đi khất thực hay còn gọi là lễ Tak Bat. Khất thực là một nét văn hóa có mọi nơi ở Lào thế nhưng tôi lại thích ngắm nhìn cảnh đó diễn ra trên phố cổ ở đây.
Tak Bat là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào, nghi lễ này bắt đầu bằng việc các nhà sư khởi hành trên đôi chân trần từ các ngôi đền trong thành phố để nhận đồ ăn trong ngày từ những người dân. Hàng ngày, khi trời còn mờ sáng, các nhà sư xếp thành hàng dài, lặng lẽ tỏa đi dọc các con đường nhận đồ khất thực từ những người dân và người dân cũng đã chuẩn bị thức ăn để dâng cho các nhà sư. Theo tôi biết thì đây cũng là bữa ăn trong ngày duy nhất của các nhà sư.
Rời Luang Prabang, chúng tôi quyết định đến Nong Khiaw. Đường tới Nong Khiaw có nhiều đoạn khá giống với Hà Giang với cảnh một bên sông một bên núi, và nhiều đoạn đèo hẹp. Tiếc là mưa lớn quá nên tôi không chụp lại được những cảnh đẹp nơi này. Cũng vì thời tiết bất lợi mà chuyến đi xuyên Lào của chúng tôi kết thúc sớm hơn dự định. Đoàn trở về Việt Nam qua cửa khẩu Tây Trang ở Điện Biên.
Cũng như những chuyến đi ở Việt Nam, tôi luôn thích tìm tòi khám phá những ngóc ngách, những con đường có cảnh đẹp, ngắm nhìn nhiều hơn cuộc sống của người dân chứ không phải là những con đường nhựa tốc độ cao.
Kết thúc chuyến đi an toàn, chúng tôi đến được những nơi mình muốn đến, được trải nghiệm những cung đường đồng quê, những cung đèo ngoạn mục và hiểm trở trên đất Lào. Nếu được hỏi có định quay lại đây lần nữa không thì tôi vẫn trả lời là có. Dự định năm sau, tôi lại có thể vi vu trên đất Lào vào dịp Tết té nước truyền thống của họ.