Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm: Người giữ lửa với nghệ thuật múa rối nước
Sinh ra trong “cái nôi” của nghệ thuật múa rối nước, hơn 20 năm qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm luôn dành hết tình yêu, niềm đam mê của mình cho nghệ thuật truyền thống này. Ông miệt mài lao động, sáng tạo, tỉ mỉ từ cách làm con rối đến biểu diễn, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Giữ lửa với nghệ thuật truyền thống
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình 7 đời biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạch (xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, Nam Định). Cha ông là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của thủy đình đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay, cũng là "cha đẻ" của chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Bởi vậy, từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với các con rối, cách làm các đạo cụ, tình yêu với sân khấu rối nước ngày một lớn thêm.
Nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm (Nguồn: Phóng viên)
Ông Liêm chia sẻ rằng, dù được thừa hưởng truyền thống từ gia đình nhưng để thành công trong nghệ thuật nhất định phải có đam mê, tình yêu với nghề đủ lớn mới có thể theo đuổi nó lâu dài. Đặc biệt, với nghề diễn rối nước, một nghề vô cùng vất vả, niềm đam mê ấy phải lớn hơn gấp bội.
Từ thuở nhỏ ông cũng có nhiều đam mê khác nhưng đam mê rối nước lớn hơn tất cả. Suốt cả tuổi thơ đến khi trưởng thành, Phan Thanh Liêm được theo phường nghệ thuật của cha đi biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ. Thời gian rảnh, ông tự tìm tòi, khám phá.
Trong quá trình tham gia biểu diễn cùng gia đình, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nhận thấy mô hình sân khấu múa rối nước vừa cồng kềnh, vừa khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người theo kiểu gia đình. Những buổi biểu diễn dù đông khán giả đến xem nhưng vẫn không bù lại được chi phí phải bỏ ra, như: công vận chuyển, đồ nghề cồng kềnh, hao tốn nhân lực... khiến người làm nghề nản chí.
Với suy nghĩ cần phải thay đổi, sau nhiều ngày trăn trở, ông đã mày mò nghiên cứu, cho ra đời mô hình rối nước thu nhỏ, với những cải tiến về thủy đình và con rối, thuận tiện cho những chuyến biểu diễn phục vụ khán giả ở xa.
Sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm (Nguồn: Phóng viên)
Năm 2000, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được ra mắt. Sân khấu thu nhỏ vẫn giữ nguyên được những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, song gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều: Toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng khoảng 2-3m2. Mô hình múa rối nước đặc biệt độc đáo ở điểm có thể biểu diễn bởi một người thay vì 3-4 người điều khiển con rối như ở mô hình truyền thống.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ rằng, mô hình sân khấu múa rối nước "mini" này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều, rất tiện lợi khi di chuyển, phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế, chật hẹp, như: trường học, cơ quan, gia đình… Đồng thời, tiện lợi khi đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khi ra nước ngoài biểu diễn. Mô hình sân khấu thu nhỏ này kéo gần khoảng cách giữa sân khấu và khán giả, người nghệ sỹ biểu diễn và công chúng có cơ hội giao lưu, tìm hiểu kỹ hơn về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam.
Sứ giả văn hoá thầm lặng
Cùng với sân khấu múa rối nước thu nhỏ của mình, ông đã đi biểu diễn khắp nơi không chỉ ở trong nước mà cả ở nhiều nơi trên thế giới. Nghệ sĩ cũng đã đưa múa rối nước đến với nhiều ngày hội văn hóa ở các nước trên thế giới như: Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Italy, Ba Lan, Mỹ… Ông muốn mang nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình tới tất cả bạn bè thế giới; sử dụng mặt nước làm sân khấu, những con rối vô tri vô giác trở nên có hồn. Bởi đây là ngôn ngữ hình động, khán giả dù không biết tiếng vẫn có thể xem con rối biểu diễn và hiểu ý nghĩa hành động của chúng.
Ông luôn ấp ủ muốn quảng bá văn hóa Việt qua những hình ảnh “Cây đa bến nước sân đình” hay “cây tre Thánh Gióng”. Thế nên không chỉ biểu diễn, ông còn tạo cơ hội cho khán giả giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối truyền thống, cũng như giới thiệu về lịch sử, những đặc trưng của người Việt sau những trò diễn. Càng đi biểu diễn nhiều nơi, nhận được nhiều sự cổ vũ của bạn bè quốc tế, Phan Thanh Liêm lại càng trăn trở làm sao để nghệ thuật rối nước nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung không bị mai một.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ: “Là một người làm trong nghệ thuật truyền thống, mình cần có trách nhiệm nhỏ bé để có những ý kiến, những biện pháp tuyên truyền bảo tồn để nó không mai một. Hiện nay, chúng ta không chỉ có nhiệm vụ bảo tồn mà cần phải làm gì để phát triển.”
Ông mong muốn nghệ thuật truyền thống có thể đi sâu nhiều hơn trong trường học, trong đời sống hằng ngày và trở thành “công cụ” để tuyên truyền nét đẹp trong văn hoá Việt Nam.
Ngay ngày đầu tiên của năm mơi 2025, vịnh Hạ Long đón nhiều đoàn du khách quốc tế đến tham quan, báo hiệu một mùa du lịch...