Mùa hè qua ô cửa sổ
Tôi từng đọc một bài viết có cái tên rất thơ: “Mùa hè lướt ngoài cửa sổ” kể về trải nghiệm đi tàu Bắc Nam đầy thú vị của một bạn trẻ. Cửa sổ máy bay chủ yếu là mây và mây, cửa sổ ô tô là nắng gió bụi đường. Còn cửa sổ tàu hỏa là hoa, là biển, là núi, là trời, là khoảnh khắc mùa hè lướt qua thật đẹp và kỳ vĩ…
Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa là năm 17 tuổi, thẳng một mạch từ Sài Gòn ra Hà Nội, vội vàng đến mức chẳng có nhiều ấn tượng. Thậm chí lúc ấy tôi đã nghĩ, sau này, có cho tiền tôi cũng không bao giờ đi tàu nữa vì quá lâu và vất vả.
Với tất cả sự lãng mạn, trong tưởng tượng của tôi, ngồi tàu là chống tay mơ màng ngắm những thị trấn, những làng quê lướt qua cửa sổ. Nhưng, ký ức lần đầu đi tàu của tôi là chiếc ghế nhỏ bé khó xoay người, lối đi nhỏ vừa đủ chiếc xe đẩy bán đủ thứ trên đời từ đồ ăn tới nước uống. Ô cửa sổ ngày ấy vẫn còn gắn tấm sắt nhỏ nên tầm nhìn rất hạn chế.
Trong tưởng tượng của tôi, ngồi tàu là chống tay mơ màng ngắm những thị trấn, những làng quê lướt qua cửa sổ.
Chuyến tàu ngang qua những địa danh thơ mộng mà tôi đã từng học trong sách giáo khoa, là sông Hương vừa “phóng khoáng, man dại” nhưng cũng đầy “dịu dàng, trí tuệ” trong bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường; là ga xép nghèo nàn ở Cẩm Giàng, Hải Dương gắn với truyện ngắn Hai đứa trẻ; là “đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”, này biển xanh, kia núi thẳm. Tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường ray. Những chiếc hầm hun hút tối hay cảnh biển xanh ngắt bên hông thân tàu chỉ kéo tôi ra khỏi chán chường trong phút chốc.
Đoàn tàu lướt qua khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên.
Sau này, khi có dịp đi vài tuyến tàu du lịch Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết, cảm tình của tôi với đường sắt mới được vun đắp nhiều hơn. Bởi tàu đi những tuyến này rất sạch sẽ, dừng lại ở ít ga, ghế ngồi trên tàu thoải mái tiện nghi, máy lạnh mát mẻ.
Tùy vào giá tiền, bạn có thể chọn giường nằm khoang riêng. Tuy nhiên, đi tàu du lịch sẽ không được chứng kiến cảnh mua bán ở mỗi ga ngang qua mỗi tỉnh - một trải nghiệm theo tôi là cực kỳ thú vị chỉ có ở tàu Thống Nhất Bắc Nam. Kiểu như nếu bạn mang theo một chiếc túi đi buôn, chỉ cần chăm chỉ shopping qua mỗi ga, chắc chắn khi xuống tàu, túi của bạn sẽ không còn chỗ nhét: từ thanh long Phan Thiết, táo và nho Ninh Thuận, bánh gai, bánh ú, nem chua…
Sau này, khi có thêm kha khá chuyến đi bằng đủ loại phương tiện hiện đại lẫn thô sơ ở vài quốc gia khác, tôi nhận ra đi tàu hỏa có rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những khung cảnh độc đáo mà đi máy bay hay đường quốc lộ không thể có. Đường ray xe lửa được thiết kế riêng chỉ dành cho tàu chạy nên ngang qua đa dạng địa hình. Có khi bên ngoài cửa sổ là bạt ngàn lúa chín, khi là đường bờ biển dài bát ngát xanh thẳm. Lại có lúc tàu đi xuyên qua những vườn rẫy trĩu quả, những vách núi cây cối rêu phong, lúc lại dừng nơi ga xép đìu hiu cô quạnh.
Đi tàu cũng cho bạn nhiều khoảng không gian, thời gian cho nhiều mục đích khác nhau: có thể quây quần tán gẫu hay trầm tư một mình đọc sách. Tôi đặc biệt yêu thích khoảnh khắc được ngắm nhìn bình minh dần hiện diện từ ô cửa tàu, khi vạn vật hai bên đường từ màn đêm đen dần hiện ra trong ánh sáng mặt trời.
Bình minh ló dạng bên ô cửa sổ tàu.
Paul Theroux, nhà văn và tiểu thuyết gia du lịch người Mỹ, tác giả cuốn sách "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ", cuốn du ký là hành trình đầy màu sắc rực rỡ và chân thực về những con người và vùng đất mà ông đã đi qua, trong đó có Việt Nam. Ông lên con tàu băng qua đèo Hải Vân và ngỡ ngàng trước một vùng vịnh màu xanh lá lung linh tươi sáng trong ánh nắng: “Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những vách đá nhô ra, và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây - những khối màu độc lập. Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này”. Ông thốt lên rằng: “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất”.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Lăng Cô - đèo Hải Vân được xem là cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam, bởi đây là tuyến đường độc đáo bậc nhất khi một bên dựa vào núi cao sừng sững, một bên hướng ra biển xanh sâu thẳm.
Điều thú vị nhất chính là mỗi khi có tàu vượt đèo Hải Vân, trạm ga đầu đèo từ hai bên dốc đều bật bài hát Tàu anh qua núi với giọng hát của NSND Thanh Hoa: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ khi xưa qua đèo qua suối. Mà lòng ta mơ, tàu qua núi cao…”.
Đoàn tàu vượt đèo Hải Vân.
NSND Thanh Hoa từng chia sẻ, đầu năm 1978, bà và chồng là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa cùng đi chung trên chuyến tàu Thống Nhất. Khi đến đèo Hải Vân, bà nghe một hồi còi rất dài và tàu dừng lại. Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và anh Quý - trưởng tàu đi xuống, sau đó lúc lên, mắt hai người đều đỏ hoe.
NSND Thanh Hoa được chồng kể lại: “Đây là đoạn đường mà người yêu của anh Quý đã từng ngã xuống nên mỗi lần đi qua đây anh ấy đều kéo một hồi còi dài và thắp nén nhang như một lời chào đến người đã mất”. Thương cảm với tình yêu của anh Quý, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ngay lập tức sáng tác một ca khúc để tặng anh.
“Khi ấy, mọi người tụ tập lại trong một toa tàu, Thanh Hoa hát cho mọi người nghe. Nhưng tôi hát không được trọn bài vì nước mắt cứ tuôn rơi không kiềm chế được”, NSND Thanh Hoa vẫn nhớ như in.
Tôi xem nhiều phim tài liệu nói về những con tàu, trong đó có Hành trình xuyên Siberia. Đây là một trong những đường sắt ngoạn mục nhất thế giới kéo dài hơn 9.000km, từ thủ đô Moscow đến Vladivostok, ngang qua Mông Cổ. Tôi cũng từng đọc bài của một bạn trên một diễn đàn du lịch chia sẻ nhiều ảnh đẹp chụp cảnh dọc đường sắt. Bài viết ấy nhận được nhiều lời khen hình đẹp quá, làm sao chụp được những góc như thế, sau này bạn ấy mới bảo: "mình là lái tàu". Một gã lái tàu khá là… mơ mộng.
Người ta hay ví von so sánh cuộc đời mỗi con người với hình ảnh một chuyến tàu. Cũng có ga khởi hành và ga kết thúc, cũng những mục tiêu lớn nhỏ mà ta phải đạt được, hệt như những nhà ga nơi con tàu phải đến; cũng có những người mà ta sẽ đi cùng vài trạm hoặc đồng hành bên ta đến trạm cuối. Đôi lúc trong đời người, ta sẽ hoài niệm những chiếc vé của chuyến tàu mình không bao giờ có cơ hội sở hữu:
“Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà / Đến ga, xếp hàng, mua vé / Lần đầu tiên trong nghìn năm. / Có lẽ, cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ. / Vé hạng trung / Người bán vé hững hờ, khe khẽ đáp: Hôm nay vé hết! / Biết làm sao! Vé hết, biết làm sao! / Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?” (Vé đi tuổi thơ - Robert Rozhdestvensky, Thái Bá Tân dịch)
Chúng tôi từng nói với nhau về một lần ngông cuồng tuổi trẻ rằng hôm nào đó, chẳng nhân dịp gì, mình ra ga mua vé tàu, dừng ở một ga nào đó bất kỳ dạo chơi thong dong rồi trở về. Hay từng bàn nhau một lần chơi lớn đi Trung Quốc: đi tàu từ Hà Nội sang Nam Ninh, rồi cứ đi tiếp cho tới khi nào đến… Tây Tạng, Thanh Hải.
Nhưng đó là chuyện xa xôi sau này, còn hiện tại, hẹn một chuyến đi không vội vàng, tôi sẽ lại ngắm nhìn Việt Nam tươi đẹp lần nữa qua ô cửa kính tàu hỏa.