Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 trở thành "Thiên đường xanh"
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư là gần 48.000 tỷ đồng.
Ngày 18/4, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá”.
Hội thảo là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thật sự đột phá, quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững, thành nơi đáng đến, xanh, thân thiện, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lâm Viên.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau ngày giải phóng nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng rất khó khăn khi đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt, chịu sự tàn phá của chiến tranh, chủ yếu là sản xuất nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng.
Thế nhưng, sau 50 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng và là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu ngân sách 13.100 tỉ đồng.
Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đã đón hơn 10 triệu du khách.
Sau khi sáp nhập với 2 tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tổng GRDP đứng thứ 8 toàn quốc, sẽ có biển, có rừng, biên giới, hải đảo. Dự kiến Lâm Đồng có sản lượng cà phê, sầu riêng, tơ tằm, cá nước lạnh hàng đầu của nước… Đây là những tiềm năng lợi thế vô cùng lớn để đưa Lâm Đồng thành tỉnh phát triển hàng đầu cả nước.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia… Đặc biệt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của Châu Á.
Cảng hàng không Liên Khương được công nhận là Cảng hàng không quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện tạo điều kiện thông suốt trong giao thông; hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Du khách tham quan tại các khu, điểm du lịch ở TP Đà Lạt.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những năm qua, ngành Du lịch Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao, từ đó vị thế của ngành Du lịch không ngừng tăng lên, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh.
Đến nay, Lâm Đồng đã thu hút 120 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đầu tư là gần 48.000 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành "Thiên đường xanh", với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.