Kinh tế Việt Nam lập kỳ tích, tạo đà năm mới 2023 tươi sáng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt đáng tự hào". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

Kinh tế Việt Nam lập kỳ tích, tạo đà năm mới 2023 tươi sáng - 1

Kinh tế Việt Nam đang trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới. Ảnh: Nguyễn Ái Hòa Bình

Tăng trưởng trong suy thoái kinh tế toàn cầu

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm 2022 kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh, bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Năm 2022, hoạt động kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Các nền kinh tế hàng đầu phải chống chọi với nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của nước ta. Rủi ro, bất ổn đan xen buộc các nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành vĩ mô. Lạm phát tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nhiều nền kinh tế, giá năng lượng, lương thực biến động phức tạp, khó lường. Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, kinh tế thế giới chống chịu khủng hoảng đa tầng, không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế. Chỉ một biến động nhỏ của thế giới cũng gây tác động lớn tới kinh tế -xã hội trong nước.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đã lập kỳ tích, đạt 8,02%, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng.

Trong bức tranh tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,15%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu lạm phát 4% trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Kinh tế Việt Nam lập kỳ tích, tạo đà năm mới 2023 tươi sáng - 2

Du thuyền sang trọng đưa khách quốc tế đến du lịch Việt Nam. Ảnh: D.L

TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong khi tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm vượt mốc 730 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu; cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, đạt 11,2 tỷ USD góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Năm 2022 có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét "khác biệt đáng tự hào", trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp.

Du lịch nội địa tăng trưởng thần tốc

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam đánh giá, với ngành du lịch thì việc Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3 là quyết định sáng suốt. 

Theo ông Vũ Thế Bình, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại to lớn chưa từng có trong lịch sử, toàn ngành du lịch bị thiệt hại rất nặng nề, cho nên để nhanh hồi phục thì sự hỗ trợ của Chính phủ là vô cùng quan trọng.

"Chính phủ đã nhanh chóng quyết định mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch. Việc mở cửa đó đã tạo động lực tăng trưởng trong ngành du lịch, bởi du lịch phát triển thì nhiều ngành đi theo và nhiều địa phương đã có sự hồi phục du lịch rất tốt", ông Vũ Thế Bình cho hay.

Kinh tế Việt Nam lập kỳ tích, tạo đà năm mới 2023 tươi sáng - 3

Du khách tìm hiểu tại hội chợ du lịch TP.HCM. Ảnh: D.L

Theo Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam, tuy du khách quốc tế đến Việt Nam năm nay chưa đạt như kỳ vọng (3,5 triệu lượt, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra), nhưng du lịch nội địa đã tăng trưởng rất nhanh. Cả năm 2022 nước ta ước đón được 101,5 triệu lượt khách, vượt xa con số kỷ lục của năm 2019 (đón 85 triệu lượt khách). Có thể nói, du lịch nội địa Việt Nam đã cơ bản phục hồi trong năm 2022.

"Chúng tôi rất hy vọng trong năm tới, các cấp chính quyền, ngành du lịch tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thì du lịch sẽ phục hồi nhanh hơn. Ví dụ như chuyển từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất cho cơ sở lưu trú, giảm thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi để khôi phục các cơ sở dịch vụ du lịch… Nếu thực hiện được những nội dung này thì đó sẽ là sự hỗ trợ vững chắc để du lịch sớm phục hồi", Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TPHCM, là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Từ mức giảm sâu 5,36% của năm 2021, đến nay Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 9,03% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,74%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,92%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 8,37%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%.

Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,7% trong GRDP và chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ. Có 3/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn 9,03% so với cùng kỳ gồm: Thương nghiệp tăng 10,47%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 47,05% và thông tin truyền thông tăng 9,13%.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt

CLIP HOT