Ðiểm nhấn mới bên sông Sài Gòn
Các dự án đường ven sông Sài Gòn đoạn qua TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã và sẽ mang lại nhiều giá trị về kinh tế, du lịch... cho địa phương
Cùng chồng tập thể dục, ngắm bình minh trên sông Sài Gòn mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi) thường nhớ lại quãng thời gian đường Bạch Ðằng (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) còn nhỏ xíu, đầy rác và bốc mùi hôi thối những khi thủy triều dâng khiến nhà nhà khốn khổ.
Thay đổi bộ mặt đô thị
Ngày đó, có nằm mơ bà Hương cũng không dám nghĩ đường Bạch Ðằng chạy dọc sông Sài Gòn sẽ đẹp như bây giờ. Bà Hương nói bà buôn bán ở chợ Thủ Dầu Một mấy chục năm, thời gian ở chợ nhiều hơn ở nhà. Nếu như trước đây, lúc nghỉ trưa, hai vợ chồng tranh thủ ngả lưng ngay tại quầy trong ngột ngạt thì bây giờ gió từ khu vực công viên gần đó thổi tới mang lại cảm giác thoáng mát hẳn. "Thấy cảnh sông nước tâm hồn mình cũng dễ chịu hơn nhiều. Phải nói rằng sự thay đổi của khu vực ven sông mang lại rất nhiều giá trị về tinh thần cũng như kinh tế" - bà Hương nói.
Theo ghi nhận, đường Bạch Ðằng thảm nhựa phẳng lì chạy dọc dòng sông và qua chợ Thủ Dầu Một. Nằm ven tuyến đường là những hàng quán tấp nập người qua lại tạo nên khung cảnh "trên bến dưới thuyền" nhộn nhịp.
Ðể cung đường này thêm giá trị, TP Thủ Dầu Một đang thực hiện dự án đường ven sông Sài Gòn, rộng 11 - 14 m, đi từ đường Bạch Ðằng (ngay chợ Thủ Dầu Một) chạy men theo bờ đê sông Sài Gòn, qua cầu Thủ Ngữ và ngã ba Cây Dầu tới đường Võ Minh Ðức. Ðể đối phó thủy triều nên toàn bộ tuyến đường được nâng cao đạt cao trình 1,74 m nhằm bảo đảm đường không bị ngập. Khi hoàn thành, ngoài điểm nhấn du lịch, mỹ quan đô thị thì hệ thống đường này còn tạo thành tuyến đê bao phòng lũ dọc bờ sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Sĩ Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, cho biết các dự án đường ven sông giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ tạo cho địa phương một trục cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị nhất là cảnh quan dọc bờ sông.
"Bên cạnh cải tạo không gian trên bờ, việc bảo đảm mặt nước dưới sông luôn sạch sẽ cũng rất quan trọng. Do đặc thù nước sông Sài Gòn chảy qua nhiều địa bàn thường kèm theo rác thải, lục bình...nên việc trục vớt, dọn dẹp cũng được thực hiện thường xuyên để cảnh quan đẹp cả trên bờ lẫn dưới nước"- ông Nguyễn Sĩ Nam cho hay.
Người dân địa phương vui chơi, thư giãn tại các công viên ven sông Sài Gòn đoạn qua phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Tạo đà phát triển du lịch
Sông Sài Gòn khởi đầu từ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) xuôi về TP HCM, trong đó chiều dài qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 106 km. Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bình Dương, để khai thác tốt tiềm năng du lịch, Bình Dương đã có định hướng phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ ven sông Sài Gòn nhưng vẫn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân địa phương.
Năm 2017 sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Sở Du lịch TP HCM và Saigontourist đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông đầu tiên từ Tân Cảng (TP HCM) đến Bến Bạch Ðằng (TP Thủ Dầu Một). Sau khi đưa vào khai thác, Saigontourist tổ chức nhiều tour du lịch, với hàng trăm lượt khách đến Bình Dương tham quan bằng đường sông, trong đó có rất nhiều khách quốc tế.
Nhằm khai thác, phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông ngày càng hiệu quả, Sở VH-TT-DL tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương quy hoạch cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng du lịch. Ðặc biệt, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4352 ngày 28-8-2019 về phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được ban hành là điều kiện thuận lợi để khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông. Cùng với đó, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh.
Dự kiến đến năm 2030, địa phương này sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bến khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông. Song song với việc đầu tư các bến hành khách thì chủ trương của UBND tỉnh còn kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan và các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến bằng đường sông.
Ông Nguyễn Ðức Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết với lợi thế hạ tầng giao thông thông thoáng, sạch đẹp, ngành du lịch tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, trong đó có du lịch trên sông. Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương bày tỏ hy vọng thời gian tới, ngành du lịch tỉnh có những quy hoạch cụ thể. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện chất lượng cao, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
"Tuy nhiên, những nguyên nhân khiến du lịch ven sông của Bình Dương còn ở dạng tiềm năng là địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá rộng rãi các tour, tuyến hấp dẫn này. Ngoài ra, việc kêu gọi, huy động được các nhà đầu tư, chính quyền địa phương, người dân cùng tham gia xã hội hóa, đầu tư phát triển du lịch… chưa thực sự được đẩy mạnh" - ông Nguyễn Ðức Minh băn khoăn và cho hay sắp tới những vấn đề này sẽ được xem xét nghiêm túc, thấu đáo để có giải pháp.
Nối dài đường Bạch Ðằng
Theo ông Nguyễn Ðiền Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP Thủ Dầu Một, dự án giao thông ven sông có tầm quan trọng nhất phải kể đến là tuyến đường Bạch Ðằng nối dài, bắt đầu từ giao lộ Ngô Quyền chạy dọc theo sông Sài Gòn và kết thúc bằng đường chui bên dưới cầu Phú Cường (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một) đang được xây dựng. Công trình gồm có tuyến chính và 2 tuyến nhánh, trong đó tuyến chính dài hơn 7 km, mặt đường rộng 15 m cùng công viên, lối đi bộ dọc bờ sông... Tổng kinh phí đầu tư cho dự án hơn 600 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây dựng khoảng 400 tỉ đồng.
Tại TP.HCM, tour du thuyền trên sông Sài Gòn đã chính thức khởi hành và đón những vị khách đầu tiên.