Háo hức lên rừng xuống biển, nhân sự du lịch thỏa nỗi “nhớ người”
Thấy khách là thấy niềm vui - hạnh phúc của những nhân sự du lịch làm việc trong khu vực vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ đơn giản là vậy.
Những ngày “thèm người, nhớ khách”
Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là nơi hoạt động du lịch diễn ra sôi động và được nhiều du khách trong nước cũng như thế giới biết đến. Vậy nhưng, nơi đây nằm cách biệt với thành phố đông đúc. Những tháng ngày nghỉ dịch giữa mùa Covid-19, thị trấn Phong Nha lại càng đìu hiu, vắng vẻ. Giữa đại ngàn hùng vĩ của các núi đá vôi xếp kề bên nhau, khung cảnh tuy đẹp nhưng lại đượm buồn đối với những người phát triển du lịch bền vững.
Suối nước Moọc nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải An
Khi du lịch phát triển mạnh, anh Nguyễn Văn Đại - người dân bản địa ở huyện Bố Trạch và nhiều người cùng quê có cơ hội chuyển sang công việc mới – làm porter (người giúp mang hành lý) cho khách du lịch. Chế độ ăn uống như khách, lại có công việc chân chính, được ngắm thiên nhiên cùng nguồn thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng, tốt hơn nhiều so với công việc trước đó của anh.
“Nhưng đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ, các hoạt động phục vụ khách phải dừng lại hoàn toàn. Chúng tôi đã phải làm thuê đủ nghề lao động chân tay để kiếm sống qua ngày, nhưng vẫn quyết không bỏ nghề và hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du khách quay trở lại đông vui. Đó là khoảng thời gian khó khăn và chúng tôi thực sự rất nhớ du khách, cả núi rừng và hang động”, anh Đại, nhân viên công ty Jungle Boss, chia sẻ.
Du khách thích thú chèo kayak ở Hung Trâu. Ảnh: Hải An
Những vị trí khác như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên kinh doanh cũng “nhớ khách” không kém. Chị Quỳnh Như, nhân viên tư vấn mạo hiểm của Oxalis Adventure, cho biết văn phòng Oxalis mùa cao điểm vốn rất đông vui, nhộn nhịp. Vậy nên, những ngày đầu tiên tạm thời đóng cửa do dịch, mọi người đều rất hụt hẫng. Để vơi bớt nỗi nhớ, cũng là duy trì nhịp công việc, mang chút thương nhớ của núi rừng Phong Nha đến với du khách, các bạn nhân viên kinh doanh vẫn thường xuyên giữ liên lạc với khách hàng. Thậm chí, tình cảm ấy còn được đáp lại khi có nhiều khách chủ động liên hệ, thăm hỏi tình hình nhân sự ở Homestay đã lưu trú.
“Điều này thực sự rất cảm động và là “nước tăng lực” động viên cho những người làm dịch vụ như chúng tôi”, chị Nguyễn Oanh, nhân viên kinh doanh của Chày Lập Farmstay, kể lại.
Chị Nguyễn Oanh đón vị khách đặc biệt tại Chày Lập Farmstay. Ảnh: NVCC
Háo hức đón khách trong “bình thường mới”
Sau thời gian “ngủ đông” do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, du lịch tỉnh Quảng Bình bắt đầu khởi động trở lại vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Những người làm du lịch tại đây lại thêm phần háo hức cho những ngày đón đoàn khách mới.
“Mình cảm thấy thực sự hào hứng và may mắn vì Quảng Bình là một trong những nơi đầu tiên du lịch được khởi động lại sau dịch. Vượt qua những trở ngại ban đầu, tour đầu tiên đón khách từ TP.HCM tham quan Hang Tiên thực sự là hy vọng cho không chỉ công ty mà cả ngành du lịch Quảng Bình nói chung”, chị Quỳnh Như chia sẻ.
Những khách du lịch là các travel blogger đến với Quảng Bình. Ảnh: Hải An
Trong thời gian nghỉ dịch, các công ty du lịch ở Quảng Bình vẫn lên kế hoạch và chuẩn bị cho các chương trình mới để kích cầu du lịch, tạo sức bật khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn. Những kế hoạch vi mô được hoãn lại, thay vào đó các chương trình và dự án đường dài tạo đột phá được đề xuất để thực hiện hóa.
Chính vì thế, ngay khi du lịch tái khởi động, những đường bay nối kết Quảng Bình với Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành khác liên tục được nối lại, các sản phẩm du lịch đặc sắc ngày vào mùa mưa đã được thực nghiệm với màu sắc mới: như khám phá Hang Tiên vào mùa mưa, tham quan Hung Trâu; thám hiểm hang Pygmy,… hay thả bộ trong khuôn viên nghỉ dưỡng giữa chốn đồng núi chen nhau.
Ông Lê Lưu Dũng, giám đốc Jungle Boss, cho biết: “Để thích ứng với hoạt động đưa đón và phục vụ du khách trải nghiệm trong trạng thái bình thường mới, chúng tôi đã nghiên cứu văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Quảng Bình và xây dựng phương án du lịch khép kín. Đó được ví như một chuỗi cung ứng dịch vụ khép kín từ vận chuyển, lưu trú, ăn uống và nhân viên chuyên nghiệp đều được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Rõ ràng đây sẽ là xu hướng du lịch mới được ưa chuộng bởi sự an toàn trong toàn bộ quá trình trải nghiệm của du khách nhưng không hề làm bớt đi tính hấp dẫn đặc biệt.”
Đoàn khách đầu tiên của Jungle Boss sau thời gian dài giãn cách. Ảnh: Jungle Boss
Những “kẻ cuồng chân” như phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa, travel blogger Quỷ Cốc Tử, Á hậu Vũ Hoàng My, blogger Huy Cung, Huy Hay Đi đã đổ về Quảng Bình trong nỗi khát khao được hít thở và trải nghiệm. Kế sau đó, Quảng Bình đã liên tục đón nhiều đoàn khách từ các thành phố lớn, mặt khác vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch do đi khép kín trong đoàn.
Á hậu Hoàng My đẹp nao lòng ở suối nước Moọc. Ảnh: Hải An
Cũng trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, hình ảnh về các chuyến đi khám phá hang động tại Quảng Bình đã chiếm sóng của nhiều diễn đàn du lịch. Sự trở lại dù trong khó khăn nhưng lại ấn tượng bởi những sản phẩm mới lạ, mang đến cho du khách những trải nghiệm không tưởng vào mùa mưa tại thế giới hang động kỳ vĩ. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm hạnh phúc, tự hào của nhân sự ngành du lịch vì được phục vụ, làm việc và mang đến những trải nghiệm tuyệt vời của thiên nhiên và con người Quảng Bình đến du khách.
Chơi trội du lịch nghịch mùa, nhóm 6 KOL gồm các travel blogger và á hậu bất chấp mưa rơi, gió lạnh, đi tìm trải nghiệm...