Độc đáo vườn nho trên vùng đất núi
Nhắc đến cây nho, nhiều người hay hình dung về vùng đất Ninh Thuận khô cằn, đầy nắng, gió. Tuy nhiên, ngay ở vùng Bảy Núi, có đôi vợ chồng trẻ đã cho cây nho bén rễ thành công, hứa hẹn trở thành điểm “check-in” thú vị khi du khách đến nơi đây.
Cây nho Ninh Thuận bén rễ trên vùng đất núi Tri Tôn
Cơ duyên với cây nho
Cây nho khó trồng, vốn thích nghi với thổ nhưỡng khô nóng ở miền Nam Trung bộ. Thế nhưng, một vườn nho sum suê trái chín ngay trên vùng đất núi của huyện Tri Tôn khiến nhiều người ngạc nhiên. Chủ nhân của vườn nho ấy là vợ chồng trẻ Trịnh Tiểu Phương Phương và Lộ Vinh Huy (ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Xuất phát điểm của vườn nho không phải từ vấn đề doanh thu hay lợi nhuận, mà đôi vợ chồng trẻ chỉ muốn lấy trồng trọt… làm niềm vui. Trong một lần đến tỉnh Ninh Thuận du lịch (DL), thấy những vườn nho xanh tốt, đẹp mắt, chị Trịnh Tiểu Phương Phương nung nấu ý định sẽ cho loài cây này bén rễ ở vùng đất núi của huyện Tri Tôn.
Nghĩ là làm, sau nhiều lần mày mò học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn tại Ninh Thuận, qua tìm hiểu trên mạng internet, cuối cùng chị Phương đã tìm ra được giống nho phù hợp với chất đất của địa phương. Từ canh tác cho vui, chị dần yêu thích công việc nhà nông, tự bản thân đúc kết được cách chăm sóc thích hợp đối với cây nho trồng trên vùng đất núi. Ban đầu, chị Phương đã tạo dựng được vườn nho với khoảng 1 công đất (1.000m2) và trồng thử nghiệm giống nho hồng ngón tay, loại giống NH01-152.
Đầu năm 2021, chị Phương xuống giống 180 gốc trồng thử nghiệm. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, đến nay vườn nho đã bén rể, chuẩn bị thu hoạch. Điều đặc biệt, hầu hết 180 gốc đều cho trái trĩu quả, bao nhiêu công sức của người phụ nữ trẻ được đền đáp. “Ý tưởng ban đầu của tôi là trồng thử nghiệm, tạo vẻ mỹ quan xanh - sạch - đẹp, một môi trường thông thoáng để mỗi buổi chiều, gia đình tôi có nơi nghỉ dưỡng, hóng mát. Nếu phát triển tốt, tôi sẽ mở rộng thêm làm kinh tế, đồng thời mang giống mới để phát triển thêm nhiều loại trái cây, hình thành chuỗi DL sinh thái gắn với nông nghiệp tại địa phương” - chị Phương chia sẻ về ý định cho ra đời mô hình DL trải nghiệm nông nghiệp.
Sẵn lòng chia sẻ
Nói về cách chăm sóc cây nho trên đất núi, chị Trịnh Tiểu Phương Phương thông tin thêm: “Đặc điểm thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi rất khác so với ở Ninh Thuận. Ban đầu, mình phải nghiên cứu rất kỹ đặc tính của cây nho để điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất trong chăm sóc nho là ở khâu tưới nước, bón phân, tỉa cành”. Cây nho sau khi trồng khoảng 6-7 tháng bắt đầu cho trái. Điều quan trọng ở vườn nho Phương Huy là loại nho sạch, bởi từ khi xuống giống cho đến ra hoa, đậu trái, chị Phương chỉ bón phân hữu cơ, chủ yếu là phân bò.
Nhiều khách tham quan khi đến với vườn nho Phương Huy đều rất bất ngờ, bởi lần đầu tận mắt thấy được những chùm nho chín đỏ, sai trĩu trên cây ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên chị Phương hạn chế khách đến tham quan, DL. Từ khi huyện Tri Tôn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chị Phương đóng cửa hẳn vườn nho, chỉ để… ngắm trong gia đình.
“Chúng tôi hẹn khách DL, bạn bè thân quen một ngày gần nhất khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhà vườn Phương Huy sẽ mở cửa đón khách đến tham quan, khám phá, chụp ảnh “check-in” hoàn toàn miễn phí. Mong muốn của chúng tôi là xây dựng vườn nho như điểm dừng chân để quảng bá, thu hút thêm du khách đến với huyện miền núi Tri Tôn. Bà con ai muốn học kỹ thuật trồng nho, chúng tôi sẵn lòng chia sẻ để vừa giúp sản vật quê nhà thêm phong phú, vừa giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình” - chị Trịnh Tiểu Phương Phương bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tri Tôn Võ Văn Mỹ cho biết, những năm qua, đơn vị đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, gắn kết liên ngành, tạo ra những mô hình mới nhiều triển vọng. Mô hình trồng nho của nhà vườn Phương Huy là một trong những cách làm mới, sáng tạo, phát triển thêm cây trồng mới ở địa phương. Khi gắn kết vườn cây ăn trái với DL, sẽ tạo thêm những trái nghiệm thú vị cho du khách cũng như tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân.
Vườn nho của nhà vườn Phương Huy bước đầu cho hiệu quả, ngoài thu hoạch trái, vườn nho còn có tiềm năng trở thành điểm DL sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn. Nông nghiệp gắn kết DL đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm DL mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. |
An Giang muôn vàn cảnh đẹp, hẹn ngày hết dịch mình cùng đến những điểm “sống ảo” xịn xò nhất nơi đây bạn nhé.