Độc đáo Nghề nón lá Vân Thê ở Huế
Nghề nón lá Vân Thê được công nhận là Nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ sở để tiếp tục gìn giữ, phát triển, qua đó giúp người dân sống được với nghề một cách bền vững, là dịp quảng bá, lan tỏa hình ảnh cuộc sống, con người Thủy Thanh, Hương Thủy nói chung, du lịch cộng đồng của địa phương nói riêng đến với bạn bè cả nước và quốc tế.
Đón bằng công nhận Nghề nón lá Vân Thê là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định công nhận Nghề nón lá Vân Thê (làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) là Nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế. Buổi lễ đón bằng công nhận vừa diễn ra ở xã Thủy Thanh.
Theo Ô Châu cận lục, làng Vân Thê được hình thành vào khoảng năm 1553, đây cũng là thời gian nghề làm nón lá ở địa phương này xuất hiện, chủ yếu phục vụ người dân trong làng.
Khi đất nước thống nhất, nghề nón lá ở Vân Thê bắt đầu phát triển mạnh, trên địa bàn toàn xã Thuỷ Thanh nói chung, làng Vân Thê nói riêng hầu như nhà nào cũng tham gia chằm nón.
Sau thời gian mai một với nhiều lí do, từ năm 2000, nghề chằm nón ở Huế cũng như làng Vân Thê khởi sắc trở lại khi thông qua các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, nghề chằm nón được khách du lịch biết đến nhiều hơn. Từ đó, số lượng nón lá tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Hiện ngôi làng này có khoảng 48 hộ dân với 56 lao động làm nghề chằm nón, trong đó, tiêu biểu là cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm với nhiều năm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (2015, 2017, 2021)...
Để có chiếc nón lá hoàn thiện tung ra thị trường, các nghệ nhân làm nón lá phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, khéo léo của người thợ.
Sản phẩm nón lá Vân Thê luôn được cải tiến về mẫu mã, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ. Nhờ đó, nghề chằm nón lá nơi đây có sự phát triển tương đối tốt nhằm phát huy giá trị nghề truyền thống, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cho người dân.
Nghề nón lá Vân Thê.
Nghề nón lá Vân Thê được công nhận là Nghề truyền thống của tỉnh không chỉ là cơ sở để tiếp tục gìn giữ, phát triển, qua đó giúp người dân sống được với nghề một cách bền vững, mà còn là dịp để quảng bá, lan tỏa hình ảnh cuộc sống, con người Thủy Thanh, Hương Thủy nói chung, du lịch cộng đồng của địa phương nói riêng đến với bạn bè cả nước và quốc tế.
Được biết, hiện nay, Hương Thủy có 1 làng nghề và 2 nghề truyền thống được công nhận, gồm làng nghề chổi đót Thanh Lam, nghề rèn truyền thống Thủy Châu và nghề nón lá truyền thống Vân Thê.
Trong 3 ngày Tết Nguyên đán, khu di sản Huế sẽ mở cửa phục vụ nhân dân vui Tết miễn phí với nhiều chương trình hấp...