Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030”
Sáng 14/7, tại Hội trường lớn Tỉnh ủy An Giang diễn ra hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030. Hội thảo do Tỉnh ủy An Giang tổ chức với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Trung ương và chuyên gia kinh tế, quy hoạch kiến trúc, chuyển đổi số…
Hội thảo bắt đầu từ 7h30 tại địa chỉ số 645 Nguyễn Trung Trực, phường Rạch Giá, tỉnh An Giang. Quy mô hội thảo khoảng 300 đại biểu, được tổ chức trực tiếp cấp tỉnh kết hợp trực tuyến với các xã, phường, đặc khu. Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị phối hợp tổ chức cùng Tỉnh ủy An Giang.
Tập hợp, phát huy trí tuệ tập thể của cán bộ, nhà khoa học và chuyên gia
Trong kế hoạch số 01-KH/TU được Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải ký ngày 2/7 đã nêu rõ mục đích của hội thảo này nhằm thu thập ý kiến góp ý mang tính khoa học, khách quan đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030. Qua đó hoàn chỉnh văn kiện trình tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030.
Hội thảo cũng nhằm mục đích tập hợp và phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh, nhằm hoạch định những giải pháp chiến lược, giúp tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế.Trung tâm đặc khu Phú Quốc nhìn từ trên cao. Đảo ngọc này là một trong những địa phương thu hút du khách của tỉnh An Giang. Ảnh: Duy Khang.
Về yêu cầu của hội thảo, Tỉnh ủy An Giang đưa ra việc bám sát định hướng Đại hội XIV của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025; quy hoạch tỉnh và thực tiễn đặc thù của tỉnh An Giang mới.
Hội thảo cần khơi dậy tinh thần khát vọng phát triển, bản lĩnh đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học và chuyên gia để đưa ra những giải pháp bứt phá đi lên từ chính tiềm năng, lợi thế và nội lực của tỉnh.
“Tổ chức hội thảo phải đảm bảo nghiêm túc, dân chủ, cầu thị, hiệu quả; thành phần đa dạng, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có hàm lượng chuyên môn cao. Nội dung tham luận và ý kiến góp ý phải sâu sắc, khoa học, trung thực, khách quan, không né tránh hạn chế, yếu kém; đề xuất được những giải pháp có tính đổi mới, đột phá, sát thực tiễn địa phương, có tính chiến lược và khả thi cao”, yêu cầu của Tỉnh ủy An Giang đặt ra.
Về nội dung, chủ đề hội thảo là “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”. Các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tập trung làm rõ và góp ý cho mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030. Trong đó, có 11 nội dung được đề ra.
Cụ thể là Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, phù hợp với điều kiện phát triển nhanh và bền vững; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, lấy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn làm nền tảng; Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính để bứt phá phát triển; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống, văn hóa, con người An Giang trong giai đoạn mới để bảo đảm phát triển bền vững.
Sáu nội dung còn lại là Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. an ninh con người; Tăng cường xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện và Các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược.
Du lịch biển, văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng phát triển mạnh
Trong dự thảo lần 10 ngày 23/6/2025 liên quan đến báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Tỉnh ủy An Giang đưa ra chủ đề đại hội là Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy truyền thống đoàn kết; giữ vững quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; huy động tối đa nguồn lực phát triển nhanh, bền vững; xây dựng tỉnh An Giang phát triển khá, trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, đời sống Nhân dân được cải thiện, cùng đất nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới. Phương châm Đại hội nhiệm kỳ mới được dự thảo là: “Một tỉnh - Một tầm nhìn - Một hành động - Một niềm tin”.
Trong đánh giá kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài thành tựu về Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; trong phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tỉnh An Giang đánh giá giai đoạn 2021-2025, kinh tế hai tỉnh chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tỉnh Kiên Giang ước đạt 6,52%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra 7,24%) và tỉnh An Giang ước đạt 5,54% - 5,83%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 6,50% - 7,00%).Chợ Phú Quốc, nơi giao thương lớn của nền kinh tế tỉnh An Giang. Ảnh: Duy Khang.
Tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Kiên Giang ước đạt 74.649 tỷ đồng, tỉnh An Giang là 39.661 tỷ đồng; Quy mô nền kinh tế tỉnh Kiên Giang ước đạt từ 164.928 tỷ đồng, tỉnh An Giang là từ 141.758 - 143.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người tỉnh Kiên Giang là 92,76 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.786 USD), tỉnh An Giang là 75 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.945 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh được khai thác hiệu quả hơn.
Về thương mại, dịch vụ và du lịch của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ổn định, đạt gần 6 tỷ USD (An Giang) và trên 4,6 tỷ USD (Kiên Giang). Hạ tầng thương mại điện tử phủ rộng, hệ thống phân phối hiện đại, logistics phát triển, góp phần giảm chi phí, tăng kết nối và năng lực cạnh tranh.
Vận tải đường bộ, thủy, hàng không được đầu tư đồng bộ. Các loại hình du lịch biển, giải trí, văn hóa tâm linh và sinh thái nghỉ dưỡng tại hai tỉnh phát triển mạnh. Tỉnh Kiên Giang đón gần 40 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt trên 84.900 tỷ đồng; tỉnh An Giang ước đón hơn 38 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 33.800 tỷ đồng.
Đối với phát triển kinh tế biển và kinh tế biên mậu được hai tỉnh đặc biệt quan tâm. Kiên Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển thành động lực quan trọng, với 3/4 ngành mũi nhọn tăng trưởng tốt. Du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh, khách du lịch tăng bình quân 15,88%/năm, doanh thu tăng 30–50%/năm. Hoạt động nuôi biển mở rộng với 4 dự án quy mô lớn, xuất khẩu thủy sản tăng 10%/năm. Vận tải biển phát triển, hạ tầng ven biển được đầu tư đồng bộ. Vận tải biển từ đất liền ra các đảo phát triển mạnh.
Du lịch biển là thế mạnh của đặc khu Phú Quốc. Ảnh: Duy Khang.
Đối với tỉnh An Giang, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật để khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả các cửa khẩu, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biên giới gắn với ổn định dân cư, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, đã đầu tư 7 dự án bằng ngân sách nhà nước với tổng vốn là 347.630 triệu đồng, thu hút 21 dự án đầu tư ngoài ngân sách (trong đó có một dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 1.224 tỷ đồng; trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động, đóng góp ngân sách 2.642 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nằm trong hành lang của một trong 04 hành lang kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch vùng được phê duyệt.