"Đi tìm một vì sao": Chuyến "du lịch" thú vị bằng... chữ
Trong gần 700 trang sách, người đọc như được đi du lịch, một chuyến du lịch thú vị cả về địa lý, lịch sử, tâm hồn, tư tưởng và... chữ.
Ấy là du lịch bằng... sách, cuốn “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị. Cuốn sách gần 700 trang, tôi đã nhẩn nha đọc trong 10 ngày.
Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị
Thú thực là, từ lâu tôi đã biết ông Phạm Quang Nghị khi đi B (vào Nam thời chiến tranh) với tư cách nhà văn. Đang học đại học sử hết năm thứ 3 thì ông được đào tạo cấp tốc thành nhà văn để vào chiến trường, cùng lứa với nhiều nhà văn thành danh bây giờ, nhưng rồi sau này ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng như Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin và Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội... thì chả nghĩ ông lại quay lại viết văn với cuốn sách mà tôi vừa đọc xong, dẫu ông chỉ ghi là “Tự kể chuyện mình”.
Cái chuyện tôi được ông tặng sách cũng đầy bất ngờ.
Thông qua nhà báo Lương Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch TP.HCM, người từng là phóng viên nghị trường, từng phỏng vấn ông Phạm Quang Nghị, tôi bày tỏ muốn có sách mới của ông, nhờ chỉ cách mua. Chị Ngọc đã chuyển tiếp tin nhắn cho ông. Ngay sau đấy ông gọi điện thoại cho tôi, nói tôi chờ 5 hôm nữa ông sẽ gửi tặng, vì sách vừa hết, đang nối bản. Tôi hết sức bất ngờ là ông đã gọi điện cho tôi về việc ấy, thêm nữa, ông còn nói, vẫn đọc tôi đều. Ôi giời, không xúc động mới lạ. Mình “bé tí” mà được ông đọc. Ông cho biết sách in 2.100 bản, đã hết. Đấy cũng là một kỷ lục xuất bản hiện nay, trừ vài nhà văn Best-seller, còn lại thì tiara một cuốn sách đều không quá 1 ngàn.
Đúng 5 ngày sau thì sách tới tay tôi với lời đề tặng rất trang trọng, chữ rất đẹp của ông. Nếu có thể tóm tắt được thì có lẽ ông đã không phải viết gần 7 trăm trang sách dày cộp như thế, nhưng quả là, đọc sách của ông, ta như được bừng thức nhiều vấn đề.
Tác giả Phạm Quang Nghị lúc ở chiến trường
Từ lâu, hồi ký, tự truyện, hay như cách ông Nghị gọi “Tự kể chuyện mình” của các chính trị gia luôn được công chúng tò mò. Phía sau con người ấy là gì, phía sau những kín cổng cao tường ấy là gì, những giải mật, những thâm cung bí sử, những tình huống, những bất ngờ... và ở cuốn sách này, tác giả Phạm Quang Nghị đã xử lý những chi tiết, những câu chuyện ấy khá tinh tế, vừa chân thực nhưng lại vẫn gây thòm thèm háo hức.
Cả tuổi thơ đói khổ của ông ở vùng quê Thanh Hóa hiện lên. Tôi cũng có tuổi thơ như thế ở Thanh Hóa nhưng có vẻ như không khổ bằng ông. Nhưng ông viết về quê tràn đầy tình yêu và xúc động. Từ đấy, ông đi học đại học ở Hà Nội, rồi từ giảng đường đại học ông đi chiến trường, như một người lính thực thụ... Những trang viết hết sức xúc động và tự nhiên, đúng là tự kể, tự viết chứ không có người viết hộ, lên gân các kiểu. Ông thủ thỉ kể, và ta hiểu con đường của một chính trị gia té ra nhiều khi cũng đầy bất ngờ, và lại tự nhiên.
Những trang văn đẹp nhất của cuốn sách này là ở 2 phần, phần về quê ông và phần về vùng đất Nam Bộ, nơi ông đến với tư cách một người lính, sống chết cận kề, hiểm nguy luôn thường trực, căng thẳng từng giây từng phút sống, nhưng trong ông, vẫn ánh lên những rung động, những cái nhìn non tơ như thể cuộc chiến, như thể cái chết và sự đối diện cái chết không ảnh hưởng gì tới những cảnh những người ông gặp ông thấy.
Nguyên việc ta biết đang đọc cuốn sách của ai cũng khiến ta háo hức và hồi hộp. Vì thế nhiều lúc muốn lướt đi, rồi lại tiếc, đọc chậm lại, để biết, để hiểu, để đồng cảm.
Tác giả là người có trí nhớ siêu phàm và lưu giữ tư liệu rất tốt. Cứ lấy từ mình mà suy, tôi không thể nào nhớ nhiều chi tiết cụ thể đã trải qua, dù đời tôi bằng phẳng hơn ông nhiều. Thua hẳn cái đoạn từ giảng đường đeo ba lô vào thẳng chiến trường, tất nhiên là đi bộ.
Những câu chuyện ông kể trên đường hết sức chân thực và sống động, không trải qua nhưng đọc đến đâu tôi mồn một tới đấy, tất nhiên là bởi trước đấy, tôi cũng đọc nhiều tư liệu, sách vở về giai đoạn này. Còn biết việc cả đơn vị sinh viên của ta cũng từ giảng đường vào thẳng miền Tây, qua sông không biết bơi, trở thành mồi cho máy bay. Vừa chết đuối vừa chết đạn rất nhiều. Nên đọc ông lại nhớ về những gì mình đã biết là thế.
Rồi những thăng trầm trên quan lộ của ông cũng lý thú. Ai nghĩ làm tới Bí thư Tỉnh ủy nhưng vẫn bị... lục cặp. Ai nghĩ chỉ vì một lần đi nhờ xe ông không được mà vợ Ủy viên Bộ Chính trị đã quyết chí đi học lái xe rồi mua con Morning, sau này lễ tết, khi ông cho lái xe về quê thì bà chính là người lái xe đưa ông đi chúc tết với tư cách Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ai nghĩ làm tới bộ trưởng mà bố mẹ vẫn bán bánh mì ở đầu ngõ, vợ vẫn đi xe buýt dạy học ở rất xa nhà. Rồi báo Thụy Điển phỏng vấn con gái ông khi ông được bầu là bộ trưởng: “Bình muốn có một cái xe máy”, cái hiện thực rất đơn giản và hiển nhiên bây giờ.
Chuyện ông kể về tướng Trần Độ cũng thú vị. Nó nhiều chiều chứ không như thông tin chính thống. Khoái nhất là chi tiết từ thời làm bộ trưởng Văn hóa ông đã có suy nghĩ là không nên tiếp tục trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nữa. Cũng như thế là việc ông đã cương quyết xóa bỏ độc quyền trong việc xuất bản lịch Bloc một thời…
Những câu chuyện vừa đời thường vừa thâm cung bí sử, thâm cung bí sử tới mức đời thường, nó “giải thiêng” một số điều chúng ta thường nghĩ. Ví dụ như chuyện ông tặng ảnh cho thượng nghị sĩ J.McCain, bức ảnh nổi tiếng một thời, và khi ấy sinh ra bao đàm tiếu. Té ra người Mỹ họ nghĩ khác chúng ta, ông thượng nghị sĩ rất thích bức ảnh ấy, và sau này, 2 yếu nhân của nước Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Lioyd Austin và nữ Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris khi sang Việt Nam đều tới đây đặt hoa. Hay chuyện cả khi nhận quyết định Bộ trưởng Bộ Văn hóa và nhận chức bí thư thành ủy Hà Nội, ông đều... chưa biết cụ thể những trụ sở này ở đâu, thế nào?
Nói là “tự kể chuyện mình” nhưng ông đã thoát được sự lan man vụn vặt về gia đình, về cá nhân, dẫu nó vẫn thấp thoáng. Đọc, ta thấy được lý tưởng của một thế hệ. Ta gặp lại những gương mặt, những tên tuổi quen trên chính trường, trên văn đàn một thời và hiện tại. Đọc, ta thấy cuộc đời vẫn rất đáng yêu, dẫu ở cương vị như ông, lúc ở ghế 15 người quan trọng nhất nước, vẫn có những điều không xuôi chèo mát mái, vẫn có những điều muốn/ biết mà không thể, như chuyện ông đã không bảo vệ được cô Võ Thị Hồng, giám đốc công ty Mỹ thuật Trung ương, người theo ông có công rất lớn trong việc xây dựng tượng đài Điện Biên, nhưng vì lý do ganh ghét, tranh chấp việc được và không được tham gia dự án mà việc bé bị xé ra to, gây ra oan sai...
46 năm công tác, trong đó có 5 năm ở chiến trường, 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội được ông Phạm Quang Nghị gói trong gần 700 trang sách, chúng ta như được đi du lịch, một chuyến du lịch thú vị cả về địa lý, lịch sử, tâm hồn, tư tưởng và... chữ. Những con chữ tưởng vô hồn nhưng đã khuấy động trong ta những cảm xúc bâng khuâng khi gấp sách...
Cũng cần biết thêm một chi tiết, cho tới khi về hưu ông Nghị mới tập đánh máy vi tính và sử dụng máy tính. Và ông đã trực tiếp viết cuốn sách này trên máy tính cá nhân.
Thông qua hệ thống tư liệu Hán - Nôm, văn bia, văn khắc, sắc phong, hoành phi, câu đối, thơ…, sách “Quán Thánh” của tác...